Báo Công An Đà Nẵng

Vượt lên số phận

Thứ bảy, 16/01/2016 11:29

(Cadn.com.vn) - Không riêng gì tôi, những người tham dự Hội nghị Triển khai đề án giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (2016–2020) đều bày tỏ lòng khâm phục ý chí và nghị lực của những gương điển hình tiên tiến vươn lên thoát nghèo bền vững. Đứng trước nhiều khổ ải của cuộc sống nhưng họ không bao giờ khuất phục, đây chính là động lực để chúng tôi tìm hiểu hành trình vượt lên số phận của họ.

Đến tổ 70, P.Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu dễ dàng tìm được nhà cô Đặng Thị Mai vì bà con ở đây ai cũng biết cô là tấm gương sáng vươn lên thoát nghèo tại địa phương. Dẫn chúng tôi vào căn nhà 2 lầu khang trang, cô Mai vui vẻ giới thiệu như đây là “trái ngọt” xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của mình. Như hiểu được sự băn khoăn, ngạc nhiên của chúng tôi về mình, cô Mai bắt chuyện rất tự nhiên: “Để có được như ngày hôm nay, bản thân mình phải luôn nỗ lực không ngừng. Không được đầu hàng số phận, phải biết nắm bắt cơ hội, mạnh dạn đi lên. Nhưng hơn hết, chính vòng tay thân ái của hàng xóm và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương đã thắp sáng hy vọng để tôi vượt qua nhiều khổ ải”.

Nhắc lại chuyện cũ, giai đoạn nhiều biến cố và khó khăn, đôi mắt cô đượm buồn nhưng cũng ánh lên niềm tự hào với những thành quả đạt được. Cô kể, lúc mới lập gia đình tuy sống trong cảnh thanh bần nhưng đầy ắp niềm vui, vì vậy gánh nặng mưu sinh phần nào vơi đi. Nhưng từ khi người chồng lâm bệnh, gia đình cô bế tắc, không đêm nào cô tròn giấc ngủ vì ngay ngáy nỗi lo ngày mai sẽ ra sao khi cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Thế rồi nỗi lo ấy phần nào nhẹ nhõm khi cô nhận được sự giúp đỡ kịp thời của chính quyền địa phương và hàng xóm. “Năm 2007, gia đình tôi được xếp vào diện hộ nghèo, hằng tháng nhận được sự hỗ trợ và được cấp phát thẻ BHYT, nhờ đó kinh phí chữa bệnh cho chồng giảm đáng kể. Thế là tôi có động lực để bước tiếp. Năm 2009, chồng tôi qua đời để lại hai đứa con thơ dại. Nhìn căn nhà đã xuống cấp rồi nhìn qua các con đang vô tư ngủ ngon không biết mai đây cuộc sống sẽ trôi dạt về đâu mà nước mắt tôi cứ chảy dài”, cô Mai nghẹn lời.

Từ sự nỗ lực của bản thân và giúp đỡ của cộng đồng, cô Hương vươn lên thoát nghèo bền vững.

Một lần nữa, cô lại nhận được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và vòng tay thân ái của mọi người. Cảm nhận được ý nghĩa của tình người, sự giúp đỡ chân thành và kịp thời đó cô phấn đấu vượt lên chính số phận nghiệt ngã này. “Với sự giúp đỡ và động viên từ mọi người, tôi mạnh dạn vay vốn từ các Đoàn thể, Hội LHPN các cấp, Ngân hàng chính sách xã hội để sản xuất kinh doanh. Tôi vừa làm bảo mẫu ở trường mẫu giáo Hoa Hồng vừa đi làm thêm và buôn bán, được sự giúp đỡ của anh họ, tôi mua thêm bò và gửi anh nuôi giúp, rồi tận dụng thực phẩm dư thừa ở trường để chăn nuôi thêm gà tại nhà, cứ tích góp, tiết kiệm dần dà rồi thoát nghèo vào năm 2013”-cô Mai kể.

  Kém may mắn hơn, cô Nguyễn Thị Thu Hương (tổ 3A, P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ) bị khuyết tật ở chân nhưng là lao động chính trong gia đình. Một mình cáng đáng mọi thứ, bao nhiêu khó khăn chồng chất khiến cô có lúc như kiệt sức. Nhớ lại những năm tháng khổ cực, cô Hương bùi ngùi: “Tàn tật nên công việc không ổn định, thu nhập mỗi tháng chỉ trên dưới 1 triệu đồng không đủ chi phí sinh hoạt cho hai mẹ con. Vì thế cô phải chạy vạy vay mượn nhiều nơi. Đến khi được chính quyền địa phương, Hội Người khuyết tật và người dân trong khu dân cư quan tâm, đóng góp và hỗ trợ kinh phí với số tiền 65 triệu đồng để xây dựng căn nhà cấp 4 cũng như lấy làm đồng vốn để buôn bán, cô như có thêm sức mạnh để vươn lên thoát nghèo”. Từ đó cô miệt mài lao động, buổi sáng tiếp tục công việc bán bánh căn, bánh bèo tại nhà, chiều đi làm thêm tại cơ sở sản xuất giấy ở địa phương. Và khi được Hội LHPN phường giúp đỡ và chỉ mối, cô mạnh dạn phát triển mô hình làm bánh bèo, bánh ướt để bỏ sỉ tại các chợ và các hộ buôn bán nhỏ. Vậy là gia đình dần đi vào ổn định, giấc mơ đại học của con vì thế mà khả quan hơn. Cô Hương tâm sự: “Đời người ai cũng có lúc cơ cực, nhưng quan trọng là phải biết tự mình vươn lên để tạo dựng cuộc sống. Những đồng vốn ban đầu tuy ít ỏi nhưng tôi vẫn nghĩ đó là những viên bột cần thiết để làm nên chiếc bánh và kết quả là tôi có được cuộc sống như hôm nay”.

Chính những người có hoàn cảnh éo le dám vượt qua những bể dâu của cuộc sống mới thấu hiểu hết ý nghĩa vòng tay thân ái của cộng đồng khi cùng nhau chung tay giúp đỡ người nghèo vươn lên. Phải chăng đó là điều thúc giục cô Mai, cô Hương và nhiều người khác tích cực tham gia hoạt động của các Hội đoàn thể, các tổ chức từ thiện để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh giống mình trước đây. Nói chân chất như cô Mai: “Đời sống ngày một đi lên, mỗi chúng ta cần có ý thức trong việc xây dựng đời sống cho riêng mình đồng thời chung tay xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hãy chia sẻ những khó khăn với hộ nghèo và giúp họ vươn lên thoát nghèo giống như gia đình mình may mắn có được niềm hạnh phúc ấy”.

Điều đó phản ánh, Đà Nẵng là một trong số ít địa phương thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo bền vững bởi sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của chính quyền các cấp, việc thực hiện thống nhất và có hiệu quả chương trình giảm nghèo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011–2015. Đây chính là đòn bẩy để thành phố hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào năm 2020.

Hữu Đức