Báo Công An Đà Nẵng

WEF 2023 bàn về hợp tác trong một thế giới phân mảnh

Thứ ba, 17/01/2023 19:48
WEF 2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều nguy cơ khủng hoảng.

Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, năm nay, hơn 2.700 nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và tài chính quy tụ tại Davos để thảo luận về thế giới ngày nay và tương lai trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra đòi hỏi phải có những hành động tập thể táo bạo.

Tình trạng phân mảnh gây thiệt hại kinh tế toàn cầu

Tình trạng phân mảnh nghiêm trọng của nền kinh tế toàn cầu sau nhiều thập niên thúc đẩy hội nhập có thể làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu tới 7%, thậm chí 8-12% ở một số nền kinh tế. Đây là cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 15-1.

IMF cho biết ngay cả khi tình trạng phân mảnh diễn ra ở mức độ hạn chế cũng có thể làm giảm 0,2% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, IMF lưu ý rằng cần thêm thời gian để đánh giá thiệt hại ước tính đối với hệ thống tiền tệ quốc tế và mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu (GFSN). Theo báo cáo trên, kinh tế thế giới đã chứng kiến dòng chảy hàng hóa và dòng vốn toàn cầu chậm lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và các biện pháp hạn chế thương mại gia tăng trong những năm tiếp theo.

Đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine là những "phép thử" tiếp theo đối với các mối quan hệ quốc tế, làm gia tăng sự hoài nghi về những lợi ích của toàn cầu hóa. Các chuyên gia IMF cho rằng nỗ lực tăng cường hợp tác thương mại trong nhiều năm qua đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ nghèo đói trên toàn cầu, đồng thời mang lại lợi ích cho người tiêu dùng có thu nhập thấp ở các nền kinh tế phát triển. Do đó, nếu các liên kết thương mại bị suy yếu, các quốc gia có thu nhập thấp và người tiêu dùng ít khá giả hơn ở các quốc gia phát triển sẽ chịu tác động nặng nề nhất.

Cũng theo IMF, các biện pháp hạn chế đi lại xuyên biên giới sẽ khiến nhiều quốc gia mất đi một lực lượng lao động nước ngoài có tay nghề cao và làm giảm kiều hối. Dòng vốn chậm lại sẽ làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi sự suy giảm hợp tác quốc tế sẽ gây ra rủi ro đối với việc cung cấp hàng hóa công cộng quan trọng trên toàn cầu. Hàng hóa công cộng là loại hàng hóa mà tất cả mọi thành viên trong xã hội có thể cùng sử dụng, như các chương trình chăm sóc sức khỏe, giáo dục do chính phủ cung cấp...

IMF nhấn mạnh các nghiên cứu hiện nay cho thấy tình trạng phân mảnh kinh tế càng nghiêm trọng, mức thiệt hại càng lớn. Đáng chú ý, tình trạng tách rời trong lĩnh vực công nghệ có thể làm gia tăng đáng kể mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế thương mại. IMF lưu ý rằng các nền kinh tế thị trường mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp có thể hứng chịu rủi ro cao nhất khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng chuyển sang "khu vực hóa" và hệ thống thanh toán toàn cầu bị phân mảnh.

Tổ chức này nhấn mạnh tình trạng phân mảnh kinh tế toàn cầu - trong đó các nền kinh tế ít chia sẻ các rủi ro quốc tế hơn - có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra biến động kinh tế, mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng cũng như áp lực đối với các quốc gia. Tình trạng này cũng có thể làm suy yếu khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các quốc gia đang gặp khủng hoảng và làm phức tạp thêm việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ công trong tương lai.

Hợp tác vượt qua khó khăn

Xuất phát từ chính các nhận định đó nên Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2023 mang chủ đề là "Hợp tác trong một thế giới phân mảnh" và sẽ có khoảng 250 phiên thảo luận, tập trung vào 5 nhóm chủ đề lớn, bao gồm: lạm phát, nợ công cao trong bối cảnh tăng trưởng giảm; các rủi ro địa chính trị trong thế giới đa cực mới; khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực; ứng dụng công nghệ tạo động lực tăng trưởng và cuối cùng là các chủ đề về xã hội như chính sách cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong hệ thống an sinh.

Chương trình của Hội nghị WEF năm nay tập trung vào các giải pháp và hợp tác công tư để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thế giới. Davos 2023 khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới hợp tác với nhau về các vấn đề liên quan đến năng lượng, khí hậu và tự nhiên; đầu tư, thương mại và cơ sở hạ tầng; công nghệ tiên tiến và khả năng phục hồi của ngành; việc làm, kỹ năng, di động xã hội và sức khỏe; và hợp tác địa chính trị trong một thế giới đa cực.

Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab nhấn mạnh: "Các lực lượng chính trị, kinh tế và xã hội đa dạng đang tạo ra sự phân mảnh gia tăng ở cấp độ toàn cầu và quốc gia. Để giải quyết tận gốc nguyên nhân của sự xói mòn lòng tin này, chúng ta cần tăng cường hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững, đồng thời phải thừa nhận rằng sự phát triển kinh tế cần phải linh hoạt hơn, bền vững hơn và không ai bị bỏ lại phía sau".

Là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, WEF hy vọng có thể tìm được tiếng nói chung và tăng cường sự hợp tác quốc tế để cùng giải quyết những vấn đề kinh tế, phát triển toàn cầu, đưa thế giới vượt qua khủng hoảng, trở lại quỹ đạo phát triển mạnh mẽ.

AN BÌNH