WHO đến Vũ Hán điều tra nguồn gốc Covid-19
Ngày 14-1, một nhóm các nhà nghiên cứu toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đến thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên được phát hiện, đề điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh bùng lên những tranh cãi gay gắt.
Các nhân viên trong đồ bảo hộ kín kẽ hướng dẫn các thành viên WHO khi họ đến sân bay ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 14-1. Ảnh: AFP |
Theo AP, các chuyên gia WHO đã đến Vũ Hán ngày 14-1 sau chuyến đi bị trì hoãn. 15 thành viên trong nhóm dự kiến cùng đến Vũ Hán nhưng 2 người trong nhóm đã có xét nghiệm dương tính với Covid-19 trước khi rời Singapore và đang được kiểm tra lại ở đó, WHO cho biết trong một tuyên bố trên Twitter.
AP dẫn nguồn tin từ Đài CGTN đưa hình ảnh máy bay chở nhóm chuyên gia WHO đến từ Singapore và được đón tiếp bởi các quan chức Trung Quốc trong trang phục bảo hộ đầy đủ, bao gồm khẩu trang, kính bảo hộ và bộ quần áo toàn thân. Họ bắt đầu quy trình cách ly 14 ngày tại Vũ Hán trước khi điều tra nguồn gốc Covid-19. “Và sau 2 tuần, chúng tôi sẽ có thể đi lại và gặp trực tiếp các đối tác Trung Quốc, đi đến nhiều nơi mà chúng tôi muốn đến”, ông Peter Ben Embarek – người dẫn đầu nhóm điều tra cho biết và dự báo rằng đó sẽ là “một hành trình rất dài trước khi chúng tôi hiểu đầy đủ về điều đã xảy ra”.
Virus gây Covid-19 được phát hiện đầu tiên tại Vũ Hán vào cuối năm 2019 và lan nhanh trên toàn cầu khiến gần 2 triệu người thiệt mạng, hơn 92,3 triệu người mắc và thiệt hại nặng nề về kinh tế trên toàn thế giới. Các nhà khoa học nghi ngờ loại virus kinh hoàng này đã lây sang người từ dơi hoặc các động vật khác, rất có thể bắt nguồn từ một khu chợ hải sản ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh nói rằng virus bắt nguồn từ nước ngoài, có thể trên hải sản nhập khẩu, nhưng các nhà khoa học quốc tế bác bỏ điều đó. Trong bối cảnh bùng lên những tranh cãi như thế này, giới phân tích cho rằng, công cuộc điều tra sẽ không hề dễ dàng. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ có câu trả lời rõ ràng sau sứ mệnh ban đầu này, nhưng chúng tôi sẽ trên đường tìm đáp án”, theo ông Embarek.
Chuyến điều tra diễn ra trong bối cảnh hơn 20 triệu người bị phong tỏa ở Trung Quốc và tỉnh Hắc Long Giang với 37 triệu dân tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19. Trong ngày 14-1, chính quyền Bắc Kinh thông báo một ca tử vong vì Covid-19 tại tỉnh Hà Bắc, ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên sau 8 tháng tình hình dịch tạm yên. Sau 8 tháng được chế ngự, đại dịch Covid-19 có dấu hiệu đang trỗi dậy trở lại ở Trung Quốc. Hà Bắc là tỉnh ở gần thủ đô Bắc Kinh và là nơi mà vài tuần gần đây đã xuất hiện trở lại nhiều ca nhiễm buộc chính quyền phải ra lệnh phong tỏa hàng chục triệu dân của nhiều thành phố. Ngoài ra nhiều ổ dịch mới cũng được phát hiện ở một số tỉnh khác của Trung Quốc. Những dấu hiệu làn sóng dịch Covid-19 trở lại khiến chính quyền Trung Quốc lo ngại, nhất là vào thời điểm gần đến Tết Nguyên đán dự kiến sẽ có hàng trăm triệu người đi lại về quê đón Năm mới với gia đình.
Tình hình dịch Covid-19 tại các nước Châu Á khác cũng đối mặt nhiều khó khăn. Tại Malaysia, trong bối cảnh hệ thống y tế ở nước này đang ở điểm giới hạn vì số ca mắc mới tăng mạnh mỗi ngày, Bộ Y tế Malaysia đã điều chỉnh quy định về truy vết và ưu tiên xét nghiệm Covid-19. Theo Bộ Y tế Malaysia, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ không phải tiến hành xét nghiệm. Thay vào đó, từ nay, chỉ những người tiếp xúc gần và có triệu chứng mắc Covid-19 mới phải xét nghiệm. Tuy vậy, do việc truy vết và cách ly những người tiếp xúc gần với người nhiễm virus SARS-CoV-2 rất quan trọng đối với nỗ lực chặt đứt nguồn lây nhiễm, nên nhà chức trách sẽ vẫn theo dõi tất cả những người tiếp xúc gần với người nhiễm và yêu cầu họ cách ly tại nơi ở.
Indonesia ngày 14-1 thông báo đã ghi nhận thêm 11.557 ca mắc Covid-19 - mức cao nhất từ trước tới nay. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này có thêm 295 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 lên 25.246 trường hợp. Indonesia trong ngày cũng đã bắt đầu tiến hành chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 quy mô lớn, trong đó các nhân viên y tế là nhóm ưu tiên chính. Chương trình này được triển khai 1 ngày sau khi Tổng thống Joko Widodo được tiêm mũi đầu tiên loại vaccine do Cty công nghệ sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. Hiện tại Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 180 triệu người, tương đương 2/3 dân số, trong vòng 15 tháng.
Trong khi đó, Philippines thông báo ghi nhận thêm 1.912 ca mắc Covid-19 và 40 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt lên 494.605 ca và 9.739 ca. Giới chức y tế Philippines đã đề nghị người dân tăng cường cảnh giác sau khi ngày 13-1, Philippines đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh. Trong 24 giờ qua, Thái Lan cũng ghi nhận 271 ca nhiễm mới, trong đó có 259 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
KHẢ ANH