Báo Công An Đà Nẵng

WTO sẽ có nữ giám đốc đầu tiên trong lịch sử

Thứ ba, 13/10/2020 17:22

Hai ứng cử viên nữ là bà Ngozi Okonjo-Iweala đến từ Nigeria và bà Yoo Myung-hee đến từ Hàn Quốc là những người lọt vào vòng chung kết để trở thành Tổng Giám đốc tiếp theo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bà Yoo Myung-hee và bà Ngozi Okonjo-Iweala.

Bà Yoo Myung-hee, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc, và bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, đã vượt qua vòng thứ hai của quy trình bầu chọn nhằm tìm người kế nhiệm vị trí tổng giám đốc của ông Roberto Azevedo sau khi 3 ứng cử viên cho vị trí tổng giám đốc WTO khác đã bị loại, bao gồm cựu Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox, cựu Chủ tịch Đại hội đồng WTO người Kenya Amina Mohamed và cựu Bộ trưởng Kinh tế Saudi Arabia Mohammad Al-Tuwaijri. Việc cắt giảm từ 5 ứng cử viên xuống còn 2 ứng cử viên đồng nghĩa là tổ chức này sẽ lần đầu tiên có một nữ Tổng Giám đốc kể từ năm 1995. Người chiến thắng cuối cùng sẽ được quyết định theo sự đồng thuận sau vòng tham vấn tiếp theo.

Quá trình lựa chọn tân Tổng giám đốc WTO bắt đầu từ ngày 14-5, khi cựu Giám đốc WTO Roberto Azevedo thông báo từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ một năm. Ông Azevedo rời vị trí giám đốc WTO vào ngày 31-8. Theo thông báo của Chủ tịch Đại hội đồng WTO, Đại sứ New Zealand David Walker, vòng 3 cuộc tham vấn của tiến trình lựa chọn ứng cử viên vào vị trí tân Tổng giám đốc WTO sẽ bắt đầu từ ngày 19-10 đến 27-10

Đại sứ Walker nhấn mạnh rằng mục tiêu cuối cùng của tiến trình lựa chọn là đảm bảo quyết định đồng thuận của các thành viên. Tại vòng 3, các thành viên WTO sẽ tham vấn bí mật với Bộ ba gồm Chủ tịch Đại hội đồng WTO và 2 Điều phối viên (Chủ tịch Cơ quan giải quyết tranh chấp và Chủ tịch Cơ quan rà soát chính sách thương mại). Dựa trên lựa chọn của các nước thành viên, Bộ ba này sẽ đưa ra đánh giá về việc ai trong số hai ứng cử viên có nhiều khả năng đạt được sự đồng thuận của các nước thành viên và trở thành Tổng giám đốc thứ 7 của WTO. Sau vòng tham vấn thứ 3, Chủ tịch Đại hội đồng WTO sẽ triệu tập cuộc họp các Trưởng Phái đoàn tại WTO để thông báo kết quả cho các thành viên WTO. Nhiệm kỳ tổng giám đốc WTO kéo dài 4 năm, và người giữ chức này cũng có cơ hội làm việc thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

Chân dung hai nữ ứng viên

Bà Okonjo-Iweala đã giữ vị trí bộ trưởng Tài chính của Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, trong hai nhiệm kỳ, và cũng từng là Ngoại trưởng đầu tiên của nước này. Bà cũng từng là Giám đốc quản lý, vị trí số 2 tại Ngân hàng Thế giới (WB) và có 25 năm làm việc tại tổ chức này. Ba Okonjo-Iweala hiện đang là Chủ tịch Gavi - Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng.

Trong khi đó, bà Yoo Myung Hee dành cả sự nghiệp 30 năm qua phụ trách các lĩnh vực thương mại và ngoại giao trước khi đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Thương mại trong chính phủ hiện tại ở Hàn Quốc, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Bà từng là quan chức đặc trách hồ sơ Tổ chức Thương mại Thế giới ở Bộ Thương mại Hàn Quốc hồi năm 1995 và là người chỉ đạo các cuộc thương thuyết về các thỏa thuận thương mại tự do, nhất là với Trung Quốc. Bà là Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc giai đoạn 2007-2010.

Bà Yoo tuyên bố sẽ cải tổ WTO bằng cách khôi phục và củng cố các hệ thống đa phương, cũng như làm trung gian giữa những xung đột thương mại của Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia thành viên quyền lực nhất. Với kinh nghiệm đàm phán với Mỹ và thời gian làm việc ở Trung Quốc, bà Yoo hy vọng điều đó sẽ giúp đạt được mục tiêu của mình.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 8-10 đã chỉ thị cho chính phủ tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ bà Yoo trở thành tổng giám đốc WTO. "Thách thức lớn nhất vẫn đang ở phía trước. Hãy cố gắng hết sức, chúng ta nên hỗ trợ bà Yoo bằng mọi biện pháp mà chúng ta có thể tập hợp được", ông Moon nói với các thư ký cấp cao.

Nhiệm vụ nặng nề

Dù người được lựa chọn “cầm cương” WTO trong nhiệm kỳ 4 năm tới là ai đi chăng nữa, nhiệm vụ chắc chắn cũng sẽ rất nặng nề, Tổng giám đốc tiếp theo của WTO sẽ đảm nhận quyền kiểm soát một tổ chức đã cố gắng để ngăn chặn các xung đột thương mại giữa các quốc gia thành viên, đáng chú ý nhất là căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc. Nhà lãnh đạo sắp tới của WTO cũng sẽ bị buộc phải ứng phó với tác động từ đại dịch Covid-19, vốn làm ảnh hưởng đến thương mại và gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu sâu sắc. Tân tổng Giám đốc WTO cần giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tin vào các định chế đa phương, cũng như khắc phục những bất đồng sâu sắc với chính quyền Mỹ, nhất là nếu ông Donald Trump, người có quan điểm rất cứng rắn với Tổ chức Thương mại Thế giới, tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông Trump trước đó đã công kích tổ chức này khi cho rằng WTO đã không công bằng với lợi ích của Mỹ.

Covid-19 đã tác động rõ rệt đến dòng chảy thương mại toàn cầu, với WTO dự báo mức giảm 9,2% trong năm nay và một sự phục hồi hạn chế trong năm 2021. Đại dịch xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại âm ỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh việc WTO không thể hoàn thành vòng đàm phán tự do hóa thương mại Doha. Thêm vào đó, Washington cũng từ chối việc bổ nhiệm một số thẩm phán vào hội đồng kháng cáo của WTO, đã khiến cho khả năng giám sát thương mại của tổ chức này bị ảnh hưởng đáng kể. 

AN BÌNH