Xâm lược Iran là thảm họa quân sự tồi tệ, vì sao?
Sau những ngày “căng như dây đàn”, Mỹ và Iran đã bắn tín hiệu hạ nhiệt và lùi một bước khỏi vực thẳm. Hàng rào tên lửa trả đũa của Iran không giết chết bất kỳ nhân viên quân sự nào của Mỹ và Tổng thống Donald Trump đã không báo hiệu bất kỳ kế hoạch leo thang nào ngoài việc giết chết tướng Qassem Soleimani.
Nhưng các hệ quả chính trị cốt lõi của vấn đề lại gia tăng. Để đáp trả vụ tấn công của Mỹ, Iran đã loại bỏ toàn bộ giới hạn còn lại trên hàng rào hạt nhân của mình, theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015. Và Tổng thống Trump, theo phản xạ tự nhiên, thắt chặt các biện pháp trừng phạt. Hiện không có bất kỳ hiện trạng mới nào xuất hiện trong căng thẳng hai bên, động thái cho thấy tương lai bớt u ám hơn ở Trung Đông. Cả hai bên đều không thể tìm kiếm chiến tranh, nhưng đều mong muốn chứng minh sẵn sàng mạo hiểm chiến tranh nếu bị “dồn vào chân tường”, và quan trọng nhất là họ sẵn sàng chịu nhiều rủi ro hơn bên kia. Trong những trường hợp như vậy, thế giới nên chuẩn bị cho một hệ quả khôn lường. Tổng thống Trump đã chỉ ra rằng, ông không muốn một cuộc chiến khác ở Trung Đông. Nhưng mọi việc có thể bị tính toán sai. Vậy nếu Mỹ tuyên bố chiến tranh với Iran, cuộc chiến đó sẽ như thế nào? Tóm lại, đó sẽ là sai lầm nghiêm trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Theo giới phân tích, nó thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc xâm lược Iraq năm 2003.
Hình dung chiến trường
Xét về cục diện quân sự, một cuộc chiến tranh thay đổi chế độ ở Tehran sẽ phức tạp hơn nhiều so với Iraq. Trong cuộc hành quân đến Baghdad năm 2003, gánh nặng của chiến dịch trên bộ được giao cho một sư đoàn bọc thép và một sư đoàn thủy quân lục chiến, nhằm cho phép lực lượng không quân phát huy chính xác khả năng tác chiến của họ. Đó là chưa kể lực lượng quân sự của Iran mạnh hơn rất nhiều so với Iraq và họ còn có vũ khí hạt nhân. Về mặt địa lý, lãnh thổ Iran lớn hơn rất nhiều so với Iraq và Afghanistan kết hợp và thậm chí còn bao phủ ở cả sa mạc và núi. Địa hình này có thể tạo vỏ bọc che giấu hoàn hảo cho các lực lượng dân quân địa phương hoặc quân nổi dậy. Hơn nữa, nếu nghĩ các hoạt động quân sự ở Iran sẽ diễn ra rất nhanh, nên nhớ lại vụ khủng hoảng tháng 4 -1980. Trong nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng con tin ở Iran, Tổng thống Jimmy Carter đã điều 8 máy bay trực thăng đến Iran và giải cứu con tin. Nhưng kế hoạch thất bại do thời tiết ở Iran. Do hậu quả của một cơn bão cát, 3 trong số 8 máy bay trực thăng gặp sự cố cơ học và một máy bay trực thăng bị rơi. Kế hoạch bị hủy bỏ. 8 thành viên hoạt động đặc biệt của Mỹ đã chết, và chính quyền Tổng thống Carter sụp đổ.
Điều gì xảy đến?
Nếu Iraq có thể dạy cho Mỹ bất kỳ bài học nào trong chính sách thay đổi chế độ ở nước khác, thì đó là chiến tranh không dừng lại khi nhiệm vụ ban đầu đặt ra đã hoàn thành. Như cố chiến lược gia người Anh Sir Basil Lidell Hart đã nhận xét: Nếu bạn tập trung hoàn toàn vào chiến thắng, không có suy nghĩ gì về hậu quả, thì gần như chắc chắn rằng hòa bình sẽ là một điều tồi tệ, chứa mầm mống của một cuộc chiến khác. Các cuộc nổi dậy tàn bạo và sự bất ổn ở Iraq hiện nay là một bằng chứng rõ ràng nhất.
Về mặt địa chính trị, chiến tranh với Iran sẽ là một cuộc chiến thảm khốc. Iran-Mỹ có thể không phải là bạn, và tầm nhìn của họ về sự ổn định khu vực có thể khác nhau, nhưng cả hai có chung một số lợi ích. Trên thực tế, cả hai đã ngầm hợp tác để chống lại nhóm cực đoan IS. Cả hai đều được hưởng lợi từ dòng dầu tự do ra khỏi Vùng Vịnh. Và cả hai đều sợ bất kỳ sự hồi sinh nào của Taliban ở Afghanistan. Lật đổ một chính quyền vững mạnh và có trách nhiệm ở Iran để thay vào đó là xây dựng một “cây cầu bất ổn từ các sa mạc của Iraq và Syria đến vùng núi Afghanistan và Pakistan” là một điều quá tồi tệ. Và rõ ràng, đây là một thế giới mà Washington không muốn thấy.
KHẢ ANH
VIDEO MỚI CHO THẤY TÊN LỬA IRAN ĐÁNH VÀO MÁY BAY UKRAINE AFP ngày 15-1 đưa tin: một đoạn video mới từ máy quay an ninh cho thấy 2 tên lửa của Iran, đã đánh trúng máy bay của Ukraine hôm 8-1. Đoạn video cho thấy, một tên lửa được phóng từ một địa điểm gần sân bay và đâm vào một vật thể trên bầu trời, được cho chính là máy bay Ukraine. Khoảng 30 giây sau, quả tên lửa thứ hai được phóng ra, trúng máy bay khiến nó bùng cháy làm 176 người thiệt mạng. Điều này có thể giải thích tại sao máy bay chở khách của Ukraine ngừng hoạt động trước khi bị tên lửa tấn công, khiến máy bay rơi xuống khu vực cách sân bay quốc tế của Imam Khomeini khoảng 30km. Những tên lửa nói trên được phóng từ một căn cứ quân sự của Iran, cách vị trí máy bay gần 13 km. Đoạn video cho thấy, máy bay không rơi ngay lập tức mà bốc cháy, chuyển hướng quay trở về sân bay Tehran. Cùng ngày, Văn phòng công tố viên Ukraine cho biết văn phòng này và cơ quan an ninh Ukraine đã yêu cầu chính quyền Iran trả cho Kiev hộp đen của máy bay chở khách Ukraine bị lực lượng phòng không Iran bắn hạ hôm 8-1. |