Xâm phạm quyền riêng tư của người khác phải chịu trách nhiệm thế nào?
Tài khoản (TK) trên các mạng xã hội (MXH) như: facebook, zalo, email, v.v... phản ánh đời sống riêng tư và chứa đựng những thông tin bí mật cá nhân của chủ TK. Hiện nay, tình trạng hack TK MXH của người khác, đặc biệt là người nổi tiếng diễn ra khá phổ biến. Dưới góc độ pháp lý, dù hành vi này được thực hiện với bất kỳ động cơ, mục đích nào thì cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật về quyền nhân thân của con người được pháp luật bảo vệ. Các trường hợp vi phạm có thể bị phạt hành chính, xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại.
Về trách nhiệm hành chính: Theo khoản 1 Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng... Về trách nhiệm hình sự: theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, người nào đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm. Theo quy định tại Điều 289 BLHS, người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ thì có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù đến 12 năm; theo quy định tại Điều 174 BLHS, nếu người vi phạm sử dụng TK MXH của người khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân. Về trách nhiệm dân sư: trường hợp gây thiệt hại, ngoài phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế phát sinh (về tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín...) theo quy định của pháp luật dân sự. Mức bồi thường về danh dự, nhân phẩm và uy tín cho mỗi người bị vi phạm có khác nhau. Nếu vi phạm đối với một người được cho là "người của công chúng", thì mức bồi thường không hề nhỏ bởi hình ảnh của họ mang một giá trị thương mại rất cao. Giá trị thương mại này không chỉ xét riêng cá nhân họ mà còn xét đến những nhãn hàng, thương hiệu mà họ đại diện, hay những tổ chức nơi họ làm việc...
Thạc sĩ - Luật sư LÊ NGÔ HOÀI PHONG
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425.