Báo Công An Đà Nẵng

Xâm thực biển diễn ra mạnh, người dân thấp thỏm lo mất nhà

Thứ hai, 06/11/2023 08:15
Ông Trực thấp thỏm lo lắng vì bờ biển sạt lở chỉ còn cách căn nhà khoảng 10m.

Sóng biển đe dọa nhà dân

Căn nhà của ông Trương Công Trực (67 tuổi) nằm cách bờ biển khoảng 10m nên luôn sống trong cảnh thấp thỏm, âu lo. Ông Trực cho biết, 10 năm trước, khu vực này có hơn 10 hộ dân sinh sống, bờ biển nằm cách xa nơi các hộ dân sinh sống hàng trăm mét. Tuy nhiên, tình trạng xâm thực bờ biển diễn ra mạnh, từng căn nhà của người dân bị biển “nuốt chửng”. Từ năm 2019, đoạn bờ biển bên nhà ông bắt đầu bị xói lở nặng. Riêng năm 2022, nước biển “ngoạm” sâu vào bờ thêm 50m. Đợt áp thấp tháng 9 vừa qua, nước biển “khoét” vào ngay vị trí trước nhà ông, tạo thành con lạch nhỏ sâu hơn 1m. Cứ đà sạt lở như hiện nay, nhà cửa của hàng chục hộ dân nơi đây sẽ bị trôi ra biển. “Lo sợ sóng biển sẽ tàn phá sâu vào đất liền, nhiều người dân thôn Trung Phường góp tiền mua tre, cát đem về làm bờ kè tạm chắn sóng biển xâm thực đất liền. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, còn về lâu dài thì người dân mong muốn cơ quan cấp trên sớm đầu tư xây bờ kè cứng ở đoạn bờ biển này”, ông Trực tâm sự.

Bờ biển phường Cẩm An (TP Hội An) có hơn 500m bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt đoạn bờ kè chắn sóng của các hộ dân tại khối Thịnh Mỹ (P. Cẩm An) bị sóng biển xé toạc. Mùa mưa bão năm ngoái và ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đầu năm 2023, sóng biển đánh sập 4 căn nhà của 4 anh chị em. Có 3 hộ dân phải đi thuê nhà ở, còn 1 hộ dân sửa lại căn phòng khách chưa bị sập sống tạm. Gần đó, căn nhà của ông Lê Văn Biết chỉ còn cách bờ biển hơn 10m. Ông Biết lo lắng nếu địa phương không sớm kè cứng bờ biển thì vài năm nữa căn nhà sẽ bị sóng biển đánh sập.

Những căn nhà của người dân thôn Trung Phường bị biển nuốt chửng.

Chị Nguyễn Thị Hường (37 tuổi) là 1 trong 4 hộ dân bị sập nhà tâm sự: “Nhà bị sập, gia đình tôi phải đi thuê nhà ở, cuộc sống rất khó khăn. Để giữ đất, gia đình đã vay mượn hơn 500 triệu đồng kè đá. Nhưng hiện tại sóng biển đã làm xói mòn bờ kè, gia đình lo lắng sau mùa mưa này bờ kè sẽ chìm xuống biển”. Mùa mưa năm 2022, sóng biển “ăn” 1.000m2 đất gia đình anh Trần Minh Hà tại khối Thịnh Mỹ. Anh vay mượn gần 500 triệu đồng để kè mềm bờ biển chống xói mòn. Tuy nhiên, trong đợt áp thấp cuối tháng 9 sóng biển đã làm hỏng nhiều đoạn kè, anh Hà lo lắng số tiền bỏ ra sẽ trôi theo sóng biển.

Gần 10 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở tại khu vực bờ biển Cửa Lở tại thôn Bình Trung (xã Tam Hải, H. Núi Thành) diễn ra rất mạnh. Mỗi năm sóng biển làm xói lở 10-15m đất bờ biển. Vị trí sạt lở hiện tại chỉ còn cách nơi sinh sống gần 80 hộ dân thôn Bình Trung khoảng 70m. Với tốc độ xâm thực mạnh, các hộ dân lo lắng nếu không được kè cứng thì vài năm nữa cả làng sẽ bị xóa sổ.

Khẩn trương kè biển

Liên quan đến tình trạng sạt lở bờ biển tại địa phương, ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, hiện có 47 hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng đến đất vườn và nhà cửa. Việc kè biển rất quan trọng với địa phương, vì không chỉ đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân. Còn ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND H.Duy Xuyên thì cho hay, huyện đã nhiều lần đi kiểm tra tại đoạn bờ biển đang sạt lở và hiểu nỗi lo của người dân. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư bờ kè này quá lớn so với ngân sách của huyện nên kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Nam có hướng giải quyết.

Người dân thôn Trung Phường đóng cọc tre để hạn chế sóng biển xâm thực vào đất liền.

Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển, UBND TP Hội An đã giao Phòng Kinh tế hạ tầng và UBND phường Cẩm An tiếp tục tạm ứng nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời huy động người dân địa phương, lực lượng thanh niên dùng bao tải cát, rọ đá và cọc tre gia cố những đoạn xung yếu nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ biển do sóng biển, triều cường gây ra. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không có khả năng chống chọi được với triều cường và sóng biển. UBND TP Hội An đã kiến nghị Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn tất thủ tục cần thiết sớm triển khai xây dựng công trình kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực bờ biển An Bàng dài 550m nhằm bảo vệ an toàn lâu dài cho bờ biển cũng như công trình dân sinh bên trong.

Theo thông tin từ Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, hiện tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải đang triển khai vận hành dự án nạo vét luồng 5 vạn tấn khu vực cảng Chu Lai. Theo thiết kế, công ty này sẽ tiến hành nạo vét lòng sông từ cảng Chu Lai ra khu vực Cửa Lở để tàu thông ra biển. Phía bên Cửa Lở đang bị sạt lở, công ty sẽ xây dựng 1 tuyến bê-tông ngăn sóng, chống xói lở bờ liền. Khi dự án triển khai sẽ giải quyết được tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Lở.

Về giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, địa phương đang tập trung kè những đoạn bờ biển xung yếu bị sạt lở. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều khu vực bị sạt lở, tuy nhiên nguồn lực của tỉnh không đủ để thực hiện kè cứng hết được. Do đó, tỉnh Quảng Nam mong muốn các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra mạnh tại địa phương.

Thành Nhân