Xâm thực nghiêm trọng ở xã đảo Tam Hải
Do ảnh hưởng của thời tiết nên mấy ngày qua mưa to kéo dài, kết hợp với gió lớn khiến bờ biển ở xã đảo Tam Hải (H.Núi Thành, Quảng Nam) bị xâm thực nghiêm trọng, có nơi đã mất gần 20m đất. Mặc dù người dân đã sử dụng bao cát kè bờ biển chắn sóng xâm hại nhưng nỗ lực đó như "muối đổ biển", nhiều ao tôm của người dân đang đứng trước nguy cơ bị biển "nuốt chửng".
Mỗi năm xã đảo Tam Hải mất hàng chục mét đất do bị xâm thực biển. |
Theo ghi nhận của chúng tôi trong ngày 29-11, dọc bờ biển xã Tam Hải từ thôn Đông Tuần đến thôn 4 có chiều dài gần 2km xâm thực biển diễn ra mạnh. Nghiêm trọng nhất là đoạn bờ biển thuộc thôn 4 dài gần 500m bị sóng biển xâm thực vào đất liền có đoạn đã mất gần 20m đất, làm gần 10 ao nuôi tôm của người dân chỉ còn cách bờ vài mét. Anh Nguyễn Đức Nam (42 tuổi, trú thôn 4) cho biết: "Mấy ngày qua, mưa to gió lớn làm sóng biển vỗ vào bờ dữ dội, nhiều ao nuôi tôm chỉ còn cách bờ vài mét khiến chúng tôi đứng ngồi không yên. Cứ vào mùa mưa bão thì xâm thực biển lại diễn biến phức tạp, chỉ trong vài năm trở lại đây có nơi đã mất gần 200m đất. Do vị trí này xâm thực diễn ra quá mạnh nên những ao nuôi tôm gần đây đã phải bỏ hoang vì rủi ro rất lớn. Nhiều người đã mất hàng trăm triệu đồng, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất cũng vì bị xâm thực biển làm vỡ ao nuôi tôm".
Người dân nỗ lực dùng bao cát chắn sóng nhưng không hiệu quả. |
Đang cặm cụi dùng bao cát để kè bờ biển, ông Hồ Văn Khánh (47 tuổi) bức xúc: "Thấy đất bị lở nhiều nên tôi phải thuê người dùng bao cát để kè lại, nhưng cũng như đem muối mà đổ xuống biển vậy, sóng đánh sập cuốn ra biển hết rồi, bây giờ phải kè lại chớ không lở đến ao tôm là mất trắng 100 triệu đồng. "Tôi đến khu vực này nuôi tôm vào năm 2010. Lúc đó, bờ đất liền nằm cách vị trí này gần 200m, xâm thực mỗi năm một nghiêm trọng, chúng tôi phải lùi ao vào dần phía trong. Tính đến nay tôi đã bị biển xâm thực hơn 10 cái ao, 3 căn nhà thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Tôi đang sửa chữa lại ao trên để chuyển số tôm này lên chứ hiện tại ao chỉ nằm cách bờ biển có 5m, mưa gió kéo dài vài ngày nữa là sập ao. Sau vụ này chắc tôi sẽ chuyển đến nơi khác để nuôi tôm, đất khu vực này đã bị xâm thực gần đến đồi rồi, chi phí để đào ao lớn, vả lại rủi ro nhiều quá. Các cấp chính quyền cần sớm tìm biện pháp khắc phục tình trạng này, để thời gian kéo dài thì đất liền của xã đảo Tam Hải sẽ bị biển nuốt trọn"-ông Khánh tâm sự.
Các ao nuôi tôm của người dân chỉ còn cách bờ vài mét đất. |
Được biết, đầu năm 2018, dự án kè cứng dài 550m từ thôn Đông Tuần đến thôn Tân Lập (xã Tam Hải) được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, giao cho Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư (tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay (giai đoạn đầu sẽ hoàn thành trước 285m). Theo quan sát của chúng tôi tại hiện trường, tuyến bờ kè này chỉ mới hoàn thành khoảng 200m, được xây dựng theo kết cấu móng kè đóng cọc bê-tông rất vững chắc, mặt bờ kè được lát bởi các ô bê-tông nổi nhằm tiêu giảm sức mạnh của sóng biển rất hiệu quả nên không bị hư hỏng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đoạn đang trong quá trình thi công dở dang bị sóng biển làm hư hỏng được đơn vị thi công (ĐVTC) dựng lũy chắn sóng bảo vệ, một số đoạn vẫn chưa được thi công.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa mưa bão, lãnh đạo chính quyền địa phương cần kiểm tra, đánh giá tác động môi trường ở những khu vực bị xâm thực nghiêm trọng, đề xuất lên cấp trên sớm có phương án giải quyết. Đồng thời, các đơn vị liên quan đôn đốc ĐVTC khẩn trương hoàn thành tuyến kè bờ biển giai đoạn 1 theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam đã giao.
LÊ VƯƠNG