Xăng dầu ở Lý Sơn: Vẫn ở mức cao
(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu liên tục giảm, nhưng người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn mua xăng với mức giá cao. Đơn vị kinh doanh thì cho rằng do chi phí cho việc vận chuyển, hao hụt... nên giá xăng không thể giảm theo quy định của Nhà nước. Còn chính quyền địa phương thì đang vào cuộc để biết thực hư chuyện giá xăng bán ở đây.
Giá cao là do đặc thù?
Sáng 8-1, tại đảo Lý Sơn, giá xăng Ron 95 tại các cửa hàng bán lẻ dọc đường bán ra 23.000 đồng/lít, cao hơn giá xăng tại đất liền khoảng 6.000 đ/lít. Ông Võ Xuân Giáp, một chủ cửa hàng tạp hóa, ở thôn Đông xã An Vĩnh cho biết, hiện giá xăng mua tại đại lý là 21.000 đồng, nên cửa hàng của ông phải bán lẻ ra 23.000 đồng, vì tỷ lệ hao hụt cao. “Khi giá xăng dầu giảm, chúng tôi cũng đã giảm 2.000 – 3.000 đồng/lít so với trước. Trước đây bán lẻ là 25.000 – 26.000 đồng/lít”, ông Giáp cho biết.
Tại H. Lý Sơn, hiện có 2 đại lý cung cấp xăng dầu phục vụ người dân là đại lý Nhiên Phường và Xiêm Thi. Trước phản ánh của người dân về giá xăng vẫn ở mức cao, chính quyền địa phương đã yêu cầu các đại lý bán xăng trên địa bàn giải trình. Trong công văn giải trình ngày 31-12-2014, bà Trần Thị Phường, chủ đại diện đại lý xăng dầu Nhiên Phường cho biết: theo quy định của Nhà nước, giá bán lẻ xăng Ron 95 tại Lý Sơn (vùng 2) là 18.840 đồng/lít. Đại lý Nhiên Phường bán ra với giá 21.200 đồng/lít, cao hơn 2.360 đồng/lít. Nguyên nhân là do đặc thù kinh doanh xăng dầu trên đảo, trước khi xăng dầu đến được với người tiêu dùng thì việc vận chuyển phải qua nhiều công đoạn, vì vậy phát sinh thêm nhiều khoản như chi phí vận chuyển, giao nhận và tỉ lệ hao hụt lớn. Sau khi cân đối, đơn vị phải bán với giá cao hơn so với khu vực khác để bù đắp.
Người tiêu dùng ở Lý Sơn đang mua xăng lẻ (Ron 95) |
Còn ông Nguyễn Xiêm, chủ đại lý xăng dầu Xiêm Thi thì trình bày, mỗi chuyến vận chuyển xăng dầu từ đất liền ra đảo với số lượng 5.000 lít xăng và 1.000 lít dầu, chi phí mất trên 10 triệu đồng, đó là chưa kể hao hụt. trong khi đó, giá bán lẻ tại đảo do đơn vị bán ra là 21.000 đồng/lít, cao hơn quy định chung là trên dưới 2.000 đồng/lít. Cũng theo đại lý này, mỗi ngày bán ra khoảng 500 lít xăng (300 lít bán lẻ, 200 lít bán buôn). Với giá bán này thì mới đủ bù vào các chi phí vận chuyển và hao hụt.
Như vậy, cả hai đơn vị đều bán cao hơn giá quy định trên dưới 2.000 đồng/lít xăng Ron 95. Không chỉ vậy, ở Lý Sơn việc bán xăng lẻ ở nhiều cửa hàng tạp hóa rất phổ biến và phần lớn người tiêu dùng phải chịu mức giá 23.000 – 24.000 đ/lít, mức giá cao hơn nhiều so với đồng bằng.
Sau nhiều lần giảm giá xăng dầu, lần gần đây nhất là vào chiều 6-1, xăng Ron 92 lại giảm thêm 310 đồng/lít. Tuy nhiên, xăng được các đơn vị cung cấp tại địa bàn Lý Sơn đều sử dụng xăng Ron 95, nên không bị tác động bởi lần điều chỉnh này.
Phải làm rõ giá xăng
Trước phản ánh của người dân, các đại lý xăng dầu tại huyện đảo Lý Sơn đồng loạt giảm giá. Ghi nhận giá xăng Ron 92 ngày 8-1 tại các cây xăng là 20.800 đồng/lít, giảm 400 đồng/lít, giá dầu Diesel hiện tại là 17.800 đồng/lít, giảm 200 đồng/lít, các điểm bán lẻ xăng dọc đường trên đảo vẫn giữ ở mức 23.000 đồng/lít. |
Tình trạng việc giảm giá xăng trên địa bàn Lý Sơn không đáng kể so với việc giảm giá sâu của mặt hàng xăng dầu, khiến người tiêu dùng ở đây bất bình. Chính quyền H. Lý Sơn cũng đang thực hiện các biện pháp để quản lý giá xăng tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng KT&HT-NT H. Lý Sơn cho biết, huyện đã báo cáo với Sở Công Thương về giá bán xăng ở huyện do các đại lý cung cấp. Địa phương không thể can thiệp được vì không có chuyên môn, thiết bị... vì không có thẩm quyền quản lý giá xăng. Sở Công Thương, Sở Tài chính và cơ quan Quản lý thị trường cần đến kiểm tra, xác minh việc hạch toán giá xăng dầu ở đây để có cơ sở điều chỉnh hợp lý. Quan điểm của huyện là không để đại lý phải phải chịu lỗ, nhưng cũng không để người dân chịu thiệt khi phải mua xăng với giá cao.
Huyện đảo Lý Sơn, với dân số trên 2 vạn dân, lại là địa phương có nhiều tàu thuyền, nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu rất lớn. Tuy nhiên, trên huyện đảo chỉ có 2 đơn vị kinh doanh xăng dầu, nên người dân phụ thuộc hoàn toàn vào giá bán của 2 đơn vị này. Để tránh tình trạng lệ thuộc vào nguồn cung xăng dầu, chính quyền H. Lý Sơn kêu gọi các đơn vị tham gia kinh doanh mặt hàng này phải thực hiện việc kinh doanh theo qui định, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, nhằm có nguồn nhiên liệu dự trữ phục vụ người dân trong mùa biển động.
Anh Thư