Xây dựng các IFC nói riêng, Việt Nam nói chung ngày càng trở thành một phần quan trọng của kinh tế thế giới
Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 350 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại sứ, tổng lãnh sự các nước; các tổ chức, định chế và quỹ đầu tư tài chính nước ngoài; hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên lĩnh vực tài chính; các đơn vị tư vấn độc lập; các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia phản biện, diễn giả trong nước và quốc tế cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Đà Nẵng…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh việc Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 47 về việc xây dựng IFC toàn diện tại TPHCM và IFC khu vực TP Đà Nẵng nhằm tạo chiến lược đột phá góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế, chuẩn bị cho kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Do vậy, việc tổ chức hội thảo này nhằm tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước; các nhà đầu tư chiến lược; các tổ chức, định chế tài chính; các quỹ đầu tư; các công ty tư vấn (luật, tài chính, kế toán, kiểm toán…); cơ sở đào tạo cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các IFC tại Việt Nam.
Trong phần phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết Việt Nam đang có năm yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành các IFC. Cụ thể, thứ nhất, tổng quy mô GDP năm 2024 khoảng 470 tỉ USD. Quy mô nền kinh tế xếp hạng 33 - 34 thế giới. Bình quân GDP đầu người khoảng 4.600 - 4.700 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, phấn đấu đạt mức hai con số trong những năm tới.
Thứ hai, đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Thứ ba, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỉ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt hai con số, cao nhất khu vực. Thứ tư, Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 FTA với hơn 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỉ USD, gấp 1,7 lần GDP.
Thứ năm, Việt Nam có chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh bình, có môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển. Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, mục tiêu phát triển IFC tại TPHCM và Đà Nẵng dựa trên điều kiện nền tảng chung của cả quốc gia với tình hình chính trị ổn định, quy mô nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng cao, độ mở lớn và hội nhập với nền kinh tế thế giới...
Đặc biệt là vị trí chiến lược có múi giờ khác biệt với 21 IFC toàn cầu, cũng như vị trí địa chính trị quan trọng nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới. Từ lợi thế của quốc gia là điều kiện nền tảng, TPHCM và Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển IFC.
Thay mặt UBND TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực Hồ Kỳ Minh đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như sau: thứ nhất, là nhóm nhiệm vụ triển khai kế hoạch hành động của Chính phủ bao gồm các nhiệm vụ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về IFC; tham gia dự thảo quyết định thành lập tổ công tác về xây dựng tổ chức bộ máy quản lý, điều hành IFC; thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc của Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng và phát triển IFC Đà Nẵng; xây dựng hướng dẫn tuyên truyền, tổ chức nghiên cứu, quán triệt việc triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW trên địa bàn TP.
Thứ hai là nhóm nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động trọng tâm trong việc chủ động phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng IFC khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Nghị định của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND TP; thiết lập và vận hành bộ máy quản lý IFC; bố trí, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng hỗ trợ hình thành và phát triển IFC; tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân để phát triển hạ tầng phục vụ IFC; tăng cường đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực bao gồm cả ở khu vực công và khu vực tư; nghiên cứu xác định cơ chế tài phán trong IFC và tổ chức thực hiện sơ kết, tổng kết kế hoạch để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả…
Để Việt Nam xây dựng và phát triển thành công các IFC tại TPHCM và Đà Nẵng, tại Hội thảo, nhiều đại biểu tham dự đã góp ý, hiến kế, đề xuất nhiều vấn đề như: cần tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển IFC, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số); cần tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại IFC; cần tập trung vào 3 trụ cột chiến lược gồm: tài chính xanh, đổi mới fintech và tài chính thương mại…
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đánh giá cao hội thảo này rất quan trọng và chất lượng, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế; đồng thời bày tỏ cám ơn các phát biểu của các diễn giả rất chuyên nghiệp, nghiên cứu rất kỹ về tình hình Việt Nam, về tài liệu phục vụ tại Hội nghị, đặc biệt là đánh giá cao tốt về quyết định của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam về xây dựng và phát triển các IFC nói riêng, Việt Nam nói chung ngày càng trở thành một phần quan trọng của kinh tế thế giới…
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị lãnh đạo TPHCM, TP Đà Nẵng và các bộ, ngành hữu quan trong thời gian đến bám sát chương trình, kế hoạch mà Chính phủ đã đặt ra trong việc xây dựng và phát triển IFC, trong đó, tập trung vào các vấn đề như xây dựng pháp luật và cơ chế chính sách ưu đãi, hạ tầng pháp lý; học hỏi, tiếp thu các bài học kinh nghiệm từ các IFC thành công trên thế giới để lựa chọn hướng đi độc đáo, đặc thù, hấp dẫn cho hai IFC tại Việt Nam; chuẩn bị hạ tầng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, môi trường sống; phát triển nguồn chất lượng chất lượng cao, đặc biệt là xây dựng đội ngũ chuyên gia về quản trị, vận hành, xử lý rủi ro, tranh chấp liên quan đến hoạt động của IFC…
Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo và thay mặt lãnh đạo TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã bày tỏ cám ơn và tiếp thu sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị, đồng thời cám ơn, ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất, hiến kế của các đại biểu tại Hội nghị. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng mong rằng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng và đặc biệt là của cá nhân Phó Thủ tưởng Thường trực Nguyễn Hòa Bình Chính phủ; mong muốn nhận được sự quan tâm, cam kết, tiếp tục đồng hành của các đại biểu tham dự hội thảo này đối với việc phát triển hai IFC tại TPHCM và Đà Nẵng…
Nhân dịp diễn ra Hội thảo, UBND TP Đà Nẵng đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác với các đối tác để triển khai các nội dung liên quan đến việc xây dựng và phát triển IFC khu vực tại TP Đà Nẵng; Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các trường đại học quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ IFC.
PHÚ NAM