Báo Công An Đà Nẵng

Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trên lĩnh vực phòng cháy chữa cháy

Thứ ba, 25/02/2025 06:43
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì Hội nghị.

Không để tiếp tục phát sinh

Hội nghị chuyên đề này do Thường trực Thành ủy Đà Nẵng tổ chức nhằm tìm hiểu thực trạng công tác quản lý an toàn PCCC tại các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ được thiết kế xây dựng nhiều tầng, nhiều căn hộ để bán, cho thuê, công trình khác có nguy cơ cao về cháy nổ trong khu dân cư; Tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 19 của Chính phủ và Chỉ thị 43 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Theo đó, nhiều đại diện các sở, ngành địa phương trình bày những khó khăn vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý trước đây như Nghị định 50/2024 của Chính phủ; Luật Nhà ở năm 2014 chưa ràng buộc về công tác đảm bảo PCCC như Chỉ thị 19 của Chính phủ. Từ đó dẫn đến tình trạng các nhà trọ, cơ sở kinh doanh cho thuê căn hộ, nhà nhiều tầng, nhà ở kết hợp kinh doanh… không đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định. Những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong công tác cấp phép xây dựng, công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý về PCCC cũng được phản ánh để Ban thường vụ Thành ủy bàn giải pháp thực hiện trong thời gian đến.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc Công an TP đề nghị Đảng ủy UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện thực hiện ngay các giải pháp không để tiếp tục phát sinh các cơ sở nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn về xây dựng, PCCC và CNCH. Trong quá trình cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ có ngăn chia thành nhiều căn hộ, phòng phải tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở an toàn, trách nhiệm hình sự liên quan và đề nghị chủ đầu tư cam kết không tự ý chuyển đổi công năng công trình từ nhà ở riêng lẻ sang căn hộ, nhà trọ cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ lưu trú khi chưa có sự cho phép của cơ quan quản lý về xây dựng. Nên cạnh đó, cần chấn chỉnh, tăng cường thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, theo dõi hậu cấp phép xây dựng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, nhắc nhở, xử lý, kiên quyết không để tiếp tục phát sinh các dự án, công trình xây dựng không phép, trái phép ngay trong thời điểm thi công, xây dựng…

Đại tá Phan Văn Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo: Một cửa và tại chỗ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: "An toàn phòng cháy, chữa cháy không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Các cấp, các ngành cần triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân".

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá, thời gian qua, công tác cấp phép xây dựng, quản lý và kiểm tra an toàn PCCC trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại không ít bất cập, đặc biệt là tình trạng một số công trình chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về PCCC ngay từ khâu thiết kế, thi công đến nghiệm thu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không kịp thời chấn chỉnh.

Trước thực trạng trên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu cấp ủy các quận, huyện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ khắc phục các vi phạm. Cần có biện pháp hành chính mạnh mẽ để xử lý dứt điểm; các cơ sở không khắc phục vi phạm về PCCC sẽ buộc phải đình chỉ hoạt động. "An toàn tính mạng, sức khỏe của người dân phải được đặt lên hàng đầu và phải thực hiện nghiêm túc", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh đồng thời giao Đảng ủy UBND TP tổng hợp báo cáo trình Thường trực Thành ủy trước ngày 30-4, trong đó cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Sở Xây dựng phối hợp với Công an TP tiến hành phúc tra, đánh giá việc khắc phục sai phạm và rà soát các vấn đề phát sinh.

Về công tác đầu tư xây dựng và cấp phép cho các dự án mới, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định mục tiêu của công tác quản lý Nhà nước là phục vụ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng 10%. Do đó, Đảng ủy UBND TP được giao nhiệm vụ xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm nâng cao hiệu quả thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu các công trình liên quan đến PCCC để hỗ trợ doanh nghiệp.

Quy chế này cần tập trung vào các giải pháp cụ thể như rút ngắn thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình phối hợp. "Sau khi có quy chế, cần triển khai theo mô hình một cửa, thực hiện tại chỗ để doanh nghiệp không phải đi lại lòng vòng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác hậu kiểm đối với các công trình", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.

Thống nhất cao với ý kiến của các cơ quan về việc thực hiện quy chế theo hướng có trọng tâm, ưu tiên các công trình trọng điểm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng Công an TP cần tham gia góp ý ngay từ giai đoạn đầu, đồng thời có thể thực hiện nghiệm thu từng phần trước khi tiến hành nghiệm thu tổng thể. Đối với một số chính sách hỗ trợ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Đảng ủy Công an TP cần có tờ trình gửi Đảng ủy UBND TP để Thường trực Thành ủy cho ý kiến trước khi HĐND TP xem xét. Việc này cần tham khảo các Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội và TPHCM về quy định mức chi hỗ trợ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nhằm đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với điều kiện thực tế của Đà Nẵng.

MAI VINH