Báo Công An Đà Nẵng

Xây dựng công trình trái phép ở bờ sông An Cựu

Thứ năm, 09/04/2015 09:01

(Cadn.com.vn) - Nhiều hộ dân ở P. An Đông (TP Huế, TT-Huế) đã phải di dời, giải tỏa để xây dựng chỉnh trang bờ sông An Cựu và xây dựng công viên để bộ mặt đô thị được khang trang, hiện đại. Vậy nhưng, sau khi thu hồi đất của người dân để thực hiện dự án, chính quyền địa phương "bật đèn xanh" cho một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh cà-phê, giải khát. Điều đáng nói, một công trình nhà rường 2 tầng kiên cố ở bờ sông An Cựu đang được thi công rầm rộ dù chưa được cấp phép. Việc làm này của chính quyền địa phương và chủ đầu tư công trình kinh doanh khiến rất nhiều hộ trong diện giải tỏa rất bức xúc.

Địa phương "nói 2 lời"?

Năm 2012, để thực hiện dự án chỉnh trang bờ sông An Cựu và xây dựng công viên, Nhà nước có quyết định di dời 113 hộ dân sống dọc bờ sông An Cựu ở đường Đặng Văn Ngữ và đường Hải Triều (P. An Đông). Theo người dân, trước khi di dời, chính quyền địa phương nói, toàn bộ khu đất sau này sẽ được xây dựng công viên và công trình công cộng phục vụ cho nhu cầu, lợi ích của người dân. Vì vậy, khi giải tỏa, nhiều hộ dân dù thiệt thòi vẫn chấp nhận vì lợi ích chung và sớm bàn giao mặt bằng cho Nhà nước để chỉnh trang bờ kè sông An Cựu

Sau khi các hộ dân di dời đến nơi ở mới, tháng 4-2014, UBND P. An Đông có tờ trình gửi Thường trực UBND TP Huế xin xã hội hóa công viên cây xanh dọc bờ sông An Cựu. Lý do được UBND phường đưa ra: Hiện trạng khu vực giải tỏa đang trở nên nhếch nhác, một số hộ có dấu hiệu lấn, chiếm để kinh doanh, buôn bán nhỏ. Để đảm bảo cho quá trình quản lý được thuận lợi, tránh tình trạng tái lấn chiếm đất và đảm bảo mỹ quan độ thị, UBND phường đề nghị UBND TP Huế cho chủ trương xã hội hóa hình thành công viên cây xanh tại khu vực giải tỏa bờ sông An Cựu. Hình thức xã hội hóa mà P. An Đông đưa ra là cho một số cá nhân, tổ chức trồng các thảm cỏ, trưng bày cây kiểng, cây xanh tạo không gian xanh đô thị và xây dựng một số nhà lục giác để kinh doanh cà-phê, giải khát phục vụ nhân dân. Chủ trương của UBND P. An Đông được UBND TP Huế đồng thuận.

Công trình đang được xây dựng kiên cố ở bờ sông An Cựu nhưng vẫn chưa được cấp phép.

Ngày 22-1-2015, UBND P. An Đông đã lập hợp đồng hợp tác khai thác khu đất dọc bờ sông An Cựu với Cty TNHH MTV sinh vật cảnh An Đông. Phương thức hợp tác, UBND P. An Đông giao toàn bộ mặt bằng khu đất (bao gồm cả hạ tầng và cây xanh hiện có) nằm dọc bờ sông An Cựu, phía đường Đặng Văn Ngữ đến cống Phát Lát cho doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng điểm xanh, kết cấu hạ tầng và các công trình phục vụ công cộng, khai thác dịch vụ. Ngay sau khi ký hợp đồng, công trình này được triển khai xây dựng.

Trước việc công trình bờ sông An Cựu được giao cho DN xây dựng, trong đó có điểm kinh doanh giải khát khiến rất nhiều hộ dân bức xúc, bởi theo họ trong quyết định thu hồi đất nói rõ: "Thu hồi đất thuộc dự án giải tỏa, chỉnh trang và xây dựng bờ kè dọc sông An Cựu". Bà Trần Thị Phước (75 tuổi), nói: "Chính quyền nói di dời để làm công viên nên chúng tôi chấp nhận đi mà không đòi hỏi hỗ trợ tái định cư. Ai ngờ chính quyền sau khi yêu cầu chúng tôi đi lại đưa DN vào xây hàng quán kinh doanh". Ông Ngô Minh, một người dân khác cho rằng, lúc đầu chính quyền nói do phục vụ công trình công cộng nên người dân chấp hành, nếu giải tỏa đất để cho doanh nghiệp lấy làm nơi đầu tư thì giá đền bù phải cao hơn, người dân phải được lợi hơn.

Quyết định thu hồi đất của UBND TP Huế là để chỉnh trang, xây dựng bờ kè dọc sông An Cựu nhưng UBND P. An Đông lại "làm khác".

Công trình không phép

Ông Nguyễn Đình Nghị, Chủ tịch UBND P. An Đông cho biết, thời hạn ký hợp đồng khai thác dọc bờ sông An Cựu của phường với DN là 20 năm. Đơn giá hợp đồng giao khoán mà DN nộp vào ngân sách UBND phường là 40 triệu đồng/năm. Trong hợp đồng cũng nêu rõ, nếu hết thời hạn hợp tác, nếu phía DN có nhu cầu tiếp tục hợp tác để khai thác sử dụng đúng mục đích và trong điều kiện cho phép thì UBND P. An Đông sẽ xem xét ưu tiên, chấp thuận gia hạn hợp đồng theo từng kỳ thời gian với đơn giá mới do 2 bên tự thỏa thuận.

Theo ông Nghị, kinh phí ban đầu xây dựng công trình trên theo báo cáo của DN là 6,5 tỷ đồng kể cả khu nhà rường 2 tầng và 2 trường lang. Nhưng, hiện, kinh phí đầu tư đã tăng lên do trước đây, dự định làm đường đi trong khuôn viên là đường bê-tông nhưng bây giờ chuyển qua lót gạch. Cũng theo ông Nghị, sau khi công trình công viên này hoàn thành, thì người dân vẫn có quyền đến vui chơi, đi lại.

Tuy nhiên, người dân cho rằng, công trình này là tiền của DN bỏ ra đầu tư với quy mô lớn, nhiều xây xanh giá trị và để khai thác kinh doanh thì e rằng người dân muốn vào đây để tập thể dục, hoặc vui chơi nhưng không uống nước giải khát thì rất khó không như ở công viên. Điều đáng nói, mặc dù công trình khai thác dọc bờ sông An Cựu đã được xây dựng gần 2 tháng nay, trong đó có nhà rường 2 tầng kiên cố nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Theo ghi nhận của P.V, ngày 8-4, tại công trình này vẫn có hàng chục công nhân đang tiến hành thi công xây dựng. Có ý kiến cho rằng, công trình nhà rường 2 tầng mọc lên giữa bờ sông An Cựu có vị trí hơi cao, choáng mặt tiền bờ sông... không phù hợp với thẩm mỹ kiến trúc.

Như vậy, việc công trình xây dựng trái phép trên bờ sông An Cựu, ngoài trách nhiệm của DN thì UBND P. An Đông cũng phải chịu trách nhiệm, bởi theo hợp đồng thì cả 2 bên đều có quyền lợi hợp tác khai thác. Việc chính quyền UBND P. An Đông "bật đèn xanh" cho DN thi công khi công trình chưa được cấp phép đang khiến dư luận rất bất bình.

Hải Lan