Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố lành mạnh
Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng tặng quà lưu niệm cho đại diện Tổ chức Đông Tây hội ngộ. |
Ngày 13-12, Lễ ký kết thỏa thuận viện trợ về việc thực hiện dự án “xây dựng thành phố lành mạnh” (dự án BHC) tại TP Đà Nẵng đã chính thức diễn ra tại TP Đà Nẵng. Dự án BHC được tài trợ bởi Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (UDSAID), được tổ chức Đông Tây hội ngộ phối hợp với Sở ngoại vụ, Sở Thông tin và truyền thông TP Đà Nẵng triển khai nhằm góp phần thúc đẩy mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố thông minh và lành mạnh.
Dự án BHC đã và đang triển khai các sáng kiến TP thông minh và các cấu trúc điều phối y tế đô thị ở ba thành phố: Indore (Ấn Độ), Makassar (Indonesia) và Đà Nẵng. Dự án BHC đưa mục tiêu đảm bảo sức khỏe của người dân dựa vào bối cảnh xây dựng thành phố thông minh, giảm thời gian và chi phí khi hỗ trợ ra quyết định trên dựa trên dữ liệu; và khuyến khích người dân tham gia đề xuất yêu cầu đối với các dịch vụ liên quan đến sức khỏe tốt hơn. Tổng ngân sách dự kiến cho dự án BHC giai đoạn 2019- 2020 là gần 410.000 USD từ các nguồn tài trợ của USAID. Toàn bộ kinh phí dự án do tổ chức EMWF trực tiếp quản lý, triển khai và chi trả. Trong đó, tổng giá trị các sản phẩm thành phố Đà Nẵng dự kiến nhận giai đoạn 2019-2020 là 57.000 USD. Các lĩnh vực sau đã được lựa chọn để thực hiện dự án gồm: an toàn vệ sinh thực phẩm (bao gồm nỗ lực cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em), giám sát sức khỏe và giáo dục, du lịch lành mạnh (tập trung vào ô nhiễm không khí và quản lý chất thải đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và du lịch).
Quy hoạch thành phố thông minh gắn liền với sức khỏe: giao thông, môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, giáo dục, giải trí, công nghệ và môi trường tạo dựng. Tất cả các lĩnh vực này đều ảnh hưởng đến sức khỏe của dân cư đô thị. Khi các hệ thống dữ liệu và quyết sách trong các lĩnh vực này thống nhất với nhau trong việc hướng đến việc tiếp cận lối sống lành mạnh thì người dân sẽ được hưởng lợi từ việc cải thiện khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế. Những yếu tố rủi ro do môi trường và lối sống gây ra các căn bệnh mãn tính sẽ giảm thiểu. Và điều đó cũng gắn liền với việc giảm gánh nặng từ các căn bệnh truyền nhiễm.
Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng đánh giá cao việc ký kết lần này, khi công tác phát triển TP với định hướng TP thông minh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Dự kiến sau khi dự án kết thúc sẽ tạo cơ hội cho các công dân địa phương tham gia góp ý về thành phố lành mạnh, tăng tính khả dụng của dữ liệu có ảnh hưởng đến việc ra quyết định chính sách, tạo mô hình quản lý đa ngành, quản lý nhận thức về sức khỏe cho môi trường, khả năng nhân rộng và bền vững của mô hình quản lý này được dẫn chứng bằng tài liệu một cách chặt chẽ.
LÊ ANH TUẤN