Báo Công An Đà Nẵng

Xây dựng Đà Nẵng trở thành TP hiện đại, hội nhập: Phải có tầm nhìn chính xác, bước đi vững chắc

Thứ bảy, 17/03/2018 14:19

* Công Khanh (thực hiện)

Trò chuyện với phóng viên, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chia sẻ, dù trải qua một năm 2017 đầy khó khăn, thách thức, nhưng thành phố vẫn cán đích với việc đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra tại Nghị quyết số 83/NQ-HĐND. Đây cũng là tiền đề cho một năm 2018 với chủ đề “Đẩy mạnh thu hút đầu tư”...

Ông Huỳnh Đức Thơ 

Phóng viên: Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đà Nẵng đã cán đích năm 2017 với việc tăng trưởng ở nhiều chỉ số. Thành phố đã đạt được những thành tựu nổi bật nào và còn những khó khăn thế nào?

Ông Huỳnh Đức Thơ: Năm 2017, UBND TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Nghị quyết số 02-NQ/TU của Thành ủy và Nghị quyết số 83/NQ-HĐND của HĐND TP về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Kết thúc năm 2017, hầu hết các chỉ tiêu quan trọng đề ra trong Nghị quyết 83/NQ-HĐND đều đạt và vượt. Trong đó, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn đạt 58.597 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2016; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8,1%; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 7,9%; giá trị sản xuất thủy sản - nông - lâm ước tăng 3,7%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 12,4%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 23.379,35 tỷ đồng, đạt 111,9% dự toán HĐND TP giao, tăng 17,96% so với thực hiện năm 2016.

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức mà thành phố phải đối mặt đã khiến tình hình sản xuất, kinh doanh bị cản trở, một số chỉ tiêu tăng trưởng thấp, một số tồn tại trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường chưa khắc phục triệt để.

Lãnh đạo thành phố đã kịp thời chỉ đạo, lãnh đạo các cấp, các ngành tập trung ổn định tình hình KT-XH, từng bước giải quyết các khó khăn, vướng mắc, giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định so với năm 2016. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ. Chương trình thành phố “4 an” được triển khai tích cực gắn với các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị” và đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”. Thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước năm thứ 4 liên tiếp về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm thứ 5 liên tiếp về Chỉ số cải cách hành chính (Par index), năm thứ 9 liên tiếp về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) và liên tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất về Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Tình hình ANCT, TTATXH được giữ vững, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiểm tra hiện trường công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC.

Phóng viên: Những khó khăn mà Đà Nẵng phải đối mặt lại xảy ra trong năm thành phố đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC. Vào thời điểm đó, mọi sự chú ý đều dồn về Đà Nẵng. Chính quyền thành phố có lo lắng về việc mình không hoàn thành trọng trách mà Chính phủ giao phó?

Ông Huỳnh Đức Thơ: Thực tế thì đó là thời điểm mà thành phố chịu nhiều áp lực nhất. Nội câu chuyện “ai đi ai ở” cũng khiến bộ máy hoạt động của chính quyền thiếu lửa, cán bộ công chức đã có lúc bị xao nhãng, phân tâm. Bản thân tôi với tư cách Chủ tịch UBND TP là người chịu trách nhiệm đầu tiên về việc này. Nếu chỉ vì những chuyện như vậy mà ảnh hưởng đến sự kiện trọng đại như APEC thì thành phố sẽ tổn thương lắm. Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng bậc nhất của đất nước, chứ không phải của riêng Đà Nẵng.

Vào thời điểm khó khăn, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân đã vượt qua tất cả để chung tay tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao. Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước cũng như các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá rất cao vai trò của Đà Nẵng. Đà Nẵng đã hoàn thành trọng trách lịch sử, đóng góp tích cực cho dấu ấn đối ngoại của Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Thành quả này đã và đang nâng cao hình ảnh, vai trò, vị thế và tạo ra những cơ hội mới cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Tôi tin rằng, mỗi một người dân, cán bộ, chiến sĩ thành phố đều cảm thấy tự hào về những đóng góp của mình cho sự kiện lịch sử không chỉ của thành phố mà còn của cả đất nước. 

Phóng viên: Đà Nẵng đã xác định chủ đề của năm 2018 là năm “Đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Có phải đó là cách TP Đà Nẵng chủ động nắm bắt cơ hội sau thành công của APEC Việt Nam 2017?

Ông Huỳnh Đức Thơ: Năm 2017 hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước vẫn được chú trọng. Thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án đầu tư trong nước, tổng mức đầu tư 25.250 tỷ đồng, trong đó có 14 dự án đã khởi công xây dựng, tổng vốn đầu tư 13.413 tỷ đồng. Cũng trong năm qua, chúng ta có 96 dự án FDI được cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký 111,9 triệu USD (tăng 6,5 lần so với năm 2016), 5 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 844,2 nghìn USD và các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần. Bên cạnh đó là một số dự án lớn đang trong giai đoạn đẩy mạnh xúc tiến. Lũy kế đến nay, thành phố có 540 dự án FDI, tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD.

Đúng là khi chọn chủ đề năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, thành phố thể hiện quyết tâm chủ động nắm bắt cơ hội sau sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 làm bàn đạp chuyển thành động lực phát triển. Sự kiện được tổ chức thành công đã mang lại niềm tin, niềm hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp và tạo ra những cơ hội rất lớn cho thúc đẩy kinh tế. Thành phố sẽ tận dụng  cơ hội này để thu hút các nhà đầu tư lớn, qua đó nắm bắt cơ hội từ APEC 2017 để có thể vươn cao, vươn xa hơn nữa. Dĩ nhiên, chúng ta phải tiếp tục tập trung nguồn lực, phát huy tinh thần kiến tạo và năng động, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp. Thành phố cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành đẩy nhanh hoàn thiện đề án về cơ chế chính sách ưu đãi đột phá thí điểm áp dụng cho Cụm du lịch trọng điểm miền Trung, đề án thành lập và bổ sung Khu kinh tế ven biển Đà Nẵng vào Quy hoạch tổng thể phát triển các Khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 trình Chính phủ phê duyệt. Cạnh đó là nghiên cứu, đề xuất Chính phủ những cơ chế đặc thù phù hợp để hỗ trợ Đà Nẵng đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện và thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu Công nghệ cao.

Quốc kỳ Việt Nam và Hàn Quốc cùng tung bay trên chiếc chuyên cơ đưa Tổng thống Moon Jae-in tới dự APEC tại Đà Nẵng. Ảnh APEC.

Phóng viên: Với nhiều nội dung nêu ra tại kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021, nhiệm vụ trong năm 2018 sẽ là rất lớn. Thành phố sẽ ưu tiên những nhiệm vụ nào, thưa ông?

Ông Huỳnh Đức Thơ: Những kết quả tích cực của năm 2017 sẽ tạo tiền đề cho năm 2018 tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Mặc dù mình đã có Nghị quyết nhưng cần vạch ra bước đi, lộ trình, giải pháp, cân đối nguồn lực một cách phù hợp. Quan trọng là cần có sự chính xác trong hoạch định chiến lược. Thành phố hiện đại, hội nhập, thành phố 4.0, thành phố dịch vụ phải có tầm nhìn, lộ trình, bước đi hết sức chính xác. Đi sai là sau này sửa rất khó. Cho nên giờ không nói chung chung, phải có bức tranh tổng thể, từ tổng thể mới có quy hoạch các ngành.

Năm 2018 Đà Nẵng sẽ “vừa chạy vừa xếp hàng”. Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng cường quản lý trật tự, văn minh đô thị. Thành phố bây giờ phải xây dựng hoàn thiện các quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH với mục tiêu phát triển thành một trung tâm kinh tế lớn của khu vực và tăng cường khả năng liên kết vùng. Do đó, cần phải điều chỉnh quy hoạch chung về phát triển đô thị một cách dài hạn, theo hướng của một đô thị gắn kết dựa vào giao thông công cộng, phát triển các trung tâm mới khu vực phía Tây, khu vực vịnh Đà Nẵng và tái thiết  các khu đô thị cũ xuống cấp không đảm bảo về môi trường.

Còn các chương trình thành phố “4 an”, “5 không”, “3 có”, “thành phố môi trường” đã thành thương hiệu thì là nhiệm vụ lâu dài chứ không phải là một chiến dịch. Vì nó gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân.

Cầu Thuận Phước 

Phóng viên: Vậy theo ông, Đà Nẵng cần những gì để từng bước thực hiện các nhiệm vụ?

Ông Huỳnh Đức Thơ: Yếu tố tiên quyết là nâng cao năng lực điều hành của lãnh đạo, năng lực thực thi của bộ máy chính quyền các cấp. Đó cũng là nhiệm vụ mà thành phố sẽ quyết  liệt thực hiện trong năm 2018. Và quan trọng nữa là các chủ trương, quyết sách phải phù hợp với lợi ích của người dân và được nhân dân ủng hộ, đồng tình. Mọi thành công luôn được bắt đầu từ sự đồng thuận.

Như tôi đã nói trước kỳ họp HĐND cũng như các cuộc tiếp xúc cử tri, thành phố luôn mong muốn các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, HĐND, chính quyền, đoàn kết cùng sát cánh kề vai đồng thời tăng cường thực hiện chức năng góp ý, giám sát, đôn đốc để cùng xây dựng thành phố.

Phóng viên: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!