Xây dựng dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Sáng 3-5, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV họp phiên toàn thể lần thứ 8, để thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thượng tướng Tô Lâm, Trưởng Ban soạn thảo đã đọc Tờ trình của Chính phủ về việc đề nghị sửa đổi Luật CAND, nêu rõ: Việc ban hành Luật CAND sửa đổi là cần thiết, cấp bách nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn CAND trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật...; sắp xếp tổ chức bộ máy Công an phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sắp xếp, bố trí lực lượng...
Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào những vấn đề trong tổ chức và hoạt động của lực lượng CAND. Trong đó, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của CAND; xây dựng Công an xã chuyên nghiệp; xác định vị trí, phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng cấp Công an; cơ cấu tổ chức của lực lượng Công an. Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, dự án Luật CAND sửa đổi là dự án Luật đặc biệt quan trọng có liên quan trực tiếp đến tổ chức, hoạt động của lực lượng CAND, vì vậy cần phải đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật... Đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh lý các ý kiến đóng góp tại phiên họp; khẩn trương hoàn thiện để dự án Luật CAND sửa đổi kịp trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.
Ngọc Lan