Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (Bộ TN&MT) vừa khởi công Dự án đầu tư “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam” và triển khai xây dựng Trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh đầu tiên tại Trạm Khí tượng nông nghiệp Mộc Châu, H. Mộc Châu (Sơn La). Đây là một trong số 65 trạm thuộc mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh thuộc Dự án trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết, Dự án “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam” là một trong những dự án trọng điểm của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020. Với việc triển khai Dự án này, công nghệ và hạ tầng kỹ thuật của ngành đo đạc, bản đồ Việt Nam sẽ có bước ngoặt lớn góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tăng năng suất lao động trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ; phục vụ tích cực cho công tác xây dựng hệ thống quy chiếu động, tham gia vào hệ thống lưới địa động lực quốc tế. Đồng thời hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đo đạc và bản đồ.
Triển khai xây dựng trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh đầu tiên tại Trạm Khí tượng nông nghiệp Mộc Châu, H. Mộc Châu, tỉnh Sơn La. |
Đặc biệt, cùng với việc thu nhận số liệu, cấp phát số liệu cho đo lưới khống chế trắc địa, cung cấp dịch vụ cho đo đạc chi tiết bản đồ trên phạm vi rộng bằng công nghệ định vị vệ tinh theo phương thức mới, sẽ hướng công nghệ đo đạc và bản đồ của Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, kỹ thuật truyền dẫn số liệu cũng như tạo ra những bước tiến mới của các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên thế giới.
Ngày 10-12, tại TP Huế, Đại học Huế tổ chức hội thảo “Ứng dụng GIS toàn quốc 2016” với chủ đề “Vì một trái đất bền vững”. Hội thảo thu hút 300 nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ giảng viên các trường Đại học, các Viện và các Trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước. Tại hội thảo, các nhà khoa học quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ những kết quả nghiên cứu ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám trong các lĩnh vực: Biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên bền vững; Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững; Phát triển đô thị và công nghiệp; Công nghệ GIS… Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Từ năm 2005, Thừa Thiên Huế đã bắt đầu khởi động dự án xây dựng hệ thống thông tin địa lý GISHue. Đến nay, hệ thống GISHue đã trở thành một hệ thống tập trung nhằm quản lý, cập nhật nhằm khai thác dữ liệu địa lý của tất cả các lĩnh vực, ứng dụng liên quan. Hiện tại trên hệ thống này đã tích hợp hơn 180 bản đồ của 14 sở, ngành của tỉnh với hơn 322 lớp dữ liệu, đã tích hợp 8 bản đồ quy hoạch đô thị, 8 đồ án quy hoạch ngành, lĩnh vực và các kết quả từ đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến GISHue. Hệ thống GISHue đã dần tiến tới trở thành công cụ thẩm định quy hoạch và cấp phép trực tuyến. |
Dự án được xây dựng với tổng số 65 trạm thu tín hiệu vệ tinh liên tục 24/24 (Trạm CORS), trong đó có 24 trạm Geodetic CORS, 41 trạm NRTK CORS (Network Real Time Kinematic CORS). Các trạm CORS được phân bố đều trên toàn lãnh thổ Việt Nam, liên tục thu tín hiệu vệ tinh từ các hệ thống định vị toàn cầu và truyền về trạm trung tâm để xử lý dữ liệu. Tại trạm trung tâm, số liệu được kiểm tra, đánh giá và xử lý để tạo ra các sản phẩm số liệu dịch vụ như số liệu xử lý sau, số liệu hiệu chỉnh thời gian thực cấp cho người dùng, đồng thời lưu trữ số liệu sẵn sàng tại máy chủ phục vụ người sử dụng truy cập và sử dụng theo quyền truy cập được phân cấp.
Với 24 trạm Geodetic CORS được xây dựng phân bố đều trên phạm vi toàn quốc sẽ làm cơ sở xây dựng khung tham chiếu quốc gia, cũng như cung cấp số liệu độ chính xác cao phục vụ cho các mục đích nghiên cứu dịch chuyển bề mặt trái đất, cảnh báo những biến động theo thời gian của lớp vỏ trái đất trên lãnh thổ Việt Nam và khu vực. Cùng với đó, việc kết hợp 24 trạm Geodetic CORS với 41 trạm NRTK CORS được bố trí phủ trùm các vùng kinh tế trọng điểm tạo nền tảng cho việc tính toán, cung cấp số liệu hiệu chỉnh phục vụ các ứng dụng đo động thời gian thực với độ chính xác cao từ 2- 4cm trên thực địa.
Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ tập trung phân công đơn vị quản lý, cán bộ phụ trách cụ thể từng hạng mục; tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công; tích cực phối hợp với cơ quan quản lý Trạm khí tượng thủy văn, cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường tại địa phương theo đúng chất lượng, tiến độ về yêu cầu thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt. Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người, thiết bị và cơ sở hạ tầng trạm khí tượng thủy văn đã có tại các vị trí xây dựng trạm định vị vệ tinh.
Nhật Minh – Tường Vi