Báo Công An Đà Nẵng

Xây dựng nông thôn mới – những điều trông thấy

Thứ bảy, 19/08/2017 11:46

Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã đẩy mạnh hỗ trợ xóa đói giảm nghèo (XĐGN) cho người dân.  Những năm qua nhiều chương trình, dự án giảm nghèo đã được triển khai ở Quảng Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình phát  huy hiệu quả, cũng có không ít mô hình vừa mở ra đã “chết yểu”, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Xây dựng nông thôn mới tại xã Tam An (H. Phú Ninh).

Chưa thể thoát nghèo

Dù chi cho XĐGN hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh Quảng Nam vẫn còn rất cao. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2016, tại tỉnh Quảng Nam vẫn còn 45.330 hộ nghèo (chiếm 11,13% dân số, giảm 1,77% so với năm 2015) và 24.808 hộ cận nghèo (chiếm 6,09%, giảm 0,12% so với năm 2015). Trong đó, một số huyện miền núi có số hộ nghèo chiếm trên 50% dân số như Nam Trà My (64,4%), Nam Giang (52,3%). Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ các mô hình sinh kế với con giống không có tính khả thi, không phù hợp điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của người dân thời gian qua ở một số địa phương chưa thật sự góp phần làm chuyển biến đời sống của người dân. Bên cạnh đó trong quá trình hỗ trợ con vật nuôi nhiều địa phương còn lúng túng hỗ trợ “nhầm” đối tượng. Là một trong số những hộ “nghèo bền vững” của xã Duy Hòa (H. Duy Xuyên) sau 2 năm được nhận con bò giống, gia đình anh Phan Văn Hộ vẫn chẳng khấm khá hơn. Vợ chết sớm lại phải nuôi mẹ già và 2 con nhỏ nên anh Hộ cần có nguồn tiền hằng tháng để trang trải trong gia đình. “Để được nhận bò thì xã đi khảo sát gia đình tôi phải có chuồng mới cấp. Nuôi được gần 1 năm thì mẹ tôi ốm nặng không ai chăm sóc nên tôi phải bán bò đi làm phụ hồ trở lại. Nuôi bò thì kinh tế đó nhưng phải có đất rộng trồng cỏ, rồi phải có người chăm nom trong khi chỉ có 1 con bò mà mất nhiều thời gian cho nó quá”, anh Hộ cho biết. Anh Hộ cho biết thêm những hộ được nhận bò như anh một phần đã bán, phần khác thì nuôi nhưng không hiệu quả.

Nhiều hộ dân vẫn loay hoay thoát nghèo.

Tại thôn Thanh Sơn, xã Bình Định Nam, H. Thăng Bình, gia đình ông Trần Hà là hộ hiếm hoi có được sinh kế ổn định từ nuôi gà. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Quỹ hỗ trợ nông dân Quảng Nam trong vòng 4 năm qua, gia đình ông Hà đã đầu tư mô hình nuôi gà thả vườn. Tuy nhiên trong 10 hộ nghèo ở Bình Định Nam vay vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân Quảng Nam để phát triển kinh tế thì chỉ có hộ ông Hà là còn duy trì những hộ còn lại chỉ sau một thời gian lại phải  tái nghèo. Lý do bởi họ không kiên trì, khi chăn nuôi có lợi thì không trả nợ mà lại dùng tiền đi làm việc khác dẫn đến nợ chồng nợ. Thực tế cho thấy hiệu quả từ mô hình hỗ trợ nuôi bò, gà trên địa bàn tỉnh chỉ thành công ở một số hộ còn lại đều chết yểu. Điển hình như ở xã Bình Lãnh, H. Thăng Bình là xã đặc biệt khó khăn với trên 18% hộ nghèo, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi để giảm nghèo. Vào năm 2015, xã Bình Lãnh được phân bổ hàng chục con bò giống sinh sản từ Chương trình 135 của Chính phủ để cấp cho hộ nghèo với kỳ vọng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo ở địa phương. Thế nhưng, trong tổng số 62 hộ được cấp bò giống, đến nay có 17 hộ đã bán bò những hộ còn lại thì vẫn nuôi cầm chừng.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam vừa qua, vấn đề thực hiện các chương trình chính sách giảm nghèo ở Quảng Nam đã được đưa ra mổ xẻ. Ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, riêng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng kinh phí đã phân bổ từ ngân sách Nhà nước và kinh phí huy động hơn 731 tỷ đồng. Còn tính riêng số tiền đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giảm nghèo khu vực miền núi từ năm 2013-2016, tỉnh Quảng Nam đã chi tổng cộng 6.102 tỷ đồng. Nhận thấy việc áp dụng các đề án giảm nghèo không sát thực tế dẫn đến không phát huy hiệu quả nên tỉnh Quảng Nam đang tiến hành khảo sát đời sống của 28.627 hộ nghèo tại 102 xã trong tỉnh. “Thông qua cuộc khảo sát sẽ có thể nắm bắt kỹ hơn nhu cầu thực tế của các hộ, biết được người nghèo cần gì và có điều kiện phát huy những gì để từ đó tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ phù hợp”, ông Triều cho biết.

Nhiều địa phương ở Quảng Nam đang phải gồng gánh số nợ đọng xây dựng NTM.

Ì ạch trả nợ

Xuất phát điểm thấp nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam đã gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn vốn. Bên cạnh đó nhiều địa phương đã “quá tay” trong xây dựng dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài. Tỉnh Quảng Nam đang tập trung xử lý rốt ráo tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM kể từ năm 2017. Tính đến cuối năm 2016, nợ đọng xây dựng NTM của Quảng Nam là 157 tỷ đồng chủ yếu là ở cấp xã. Tuy con số này so với nhiều địa phương khác trên cả nước là không cao nhưng đây là gánh nặng của địa phương.  Xã Quế Bình (Hiệp Đức) là một trong 3 xã được chọn triển khai thí điểm chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Khởi điểm, Quế Bình chỉ đạt 2 tiêu chí, đến cuối năm 2015 đã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí, chính thức được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Để đạt được kết quả “thần tốc” này, giai đoạn 2011 - 2015, địa phương đầu tư hơn 43 tỷ đồng cho chương trình, trong đó phần lớn nguồn kinh phí ưu tiên thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu. Điều này đã dẫn đến số nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 3,5 tỷ đồng. Trong đó, phần nợ của ngân sách trung ương, tỉnh, huyện khoảng 2,3 tỷ đồng; còn lại khoảng 1,2 tỷ đồng là phần nợ của xã. Sau khi đạt chuẩn NTM, xã Quế Bình bắt đầu gồng gánh trả nợ. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 1,2 tỷ đồng nợ đọng chưa trả được bởi nguồn thu của xã quá hạn hẹp.  H. Hiệp Đức là một trong những huyện đang tồn tại số nợ đọng NTM cao trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng số nợ đọng xây dựng NTM tại 3 xã điểm của huyện gồm Quế Bình, Quế Thọ, Bình Lâm là hơn 10 tỷ đồng. Thời gian qua, phần nợ hơn 7 tỷ đồng của ngân sách trung ương, tỉnh, huyện đã trả xong; hiện nay, còn lại hơn 3 tỷ đồng là nợ của những xã trên thì chưa thể giải quyết. Còn tại TP Tam  Kỳ, 2 xã Tam Thăng và Tam Ngọc đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nợ xây dựng cơ bản hơn 14 tỷ đồng. Trong đó, cấp trung ương và tỉnh nợ 150 triệu đồng, thành phố nợ hơn 8,9 tỷ đồng và cấp xã nợ hơn 5,2 tỷ đồng. Còn tại H. Phú Ninh, đã đạt chuẩn huyện NTM từ năm 2016, nay chính quyền địa phương đã kiên quyết chỉ đạo không để phát sinh nợ đọng thêm từ năm 2017. Ông Nguyễn Phi Thạnh – Chủ tịch UBND H. Phú Ninh cho biết sắp tới huyện sẽ tập trung khai thác quỹ đất theo phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh cho cấp xã đối với các dự án có quy mô dưới 3.000m2.

Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng BCĐ Chương trình MTQG Xây dựng NTM tỉnh Quảng Nam nhìn nhận: “Nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2011 - 2015 tại một số địa phương còn nhiều. Nguyên nhân bởi lúc đó mới bắt tay xây dựng NTM, tỉnh chưa có nghị quyết, cơ chế về đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó, cấp xã xây dựng cơ sở hạ tầng vượt mức, nhiều công trình đầu tư quá lớn. Đặc biệt, có không ít nơi như Phú Ninh, Đại Lộc, Tây Giang, Thăng Bình, Tam Kỳ để nợ đọng quá lớn, chưa xác định nguồn để thanh toán, nhất là nợ của cấp xã. Hiện nay tỉnh đang cùng với các địa phương xử lý rốt ráo vấn đề trên. Mục tiêu trước mắt là hạn chế và không để phát sinh thêm nợ đọng trong năm nay”.

ĐỒNG DAO