Xây dựng pháp luật là thế mạnh của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Ngày 6-1 là ngày kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (1946 - 2016). Nhân sự kiện này, Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH, đơn vị TP Đà Nẵng về những điểm nhấn quan trọng đối với hoạt động của Đoàn ĐBQH TP trong nhiệm kỳ vừa qua.
Ông Huỳnh Nghĩa. |
P.V: Thưa ông, điều gì để lại ấn tượng nhiều nhất đối với ông trong vai trò của một ĐBQH khóa XIII?
Ông Huỳnh Nghĩa: Trước hết, tôi cho rằng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011-2016) là một nhiệm kỳ hết sức đặc biệt. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả, kinh nghiệm của các khóa trước, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng khóa XIII tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động trong việc thực hiện cả 3 chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, góp phần vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân thành phố.
P.V: Trong suốt nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII, theo ông đâu là thế mạnh của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng?
Ông Huỳnh Nghĩa: Điều mà tôi có thể khẳng định là, xây dựng pháp luật chính là thế mạnh của Đoàn ĐBQH thành phố. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH thành phố đã cùng với các đoàn ĐBQH cả nước tích cực tham gia thảo luận, xây dựng, biểu quyết thông qua 122 dự án luật, Hiến pháp mới, 30 Nghị quyết... Các đạo luật cơ bản của nước ta như Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự... đều được các vị ĐB trong đoàn tích cực nghiên cứu, tham gia phát biểu sôi nổi, tâm huyết; đề ra nhiều ý tưởng mới, có tính đột phá; kiến nghị đưa vào luật những nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo tính pháp chế XHCN, đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ trong xây dựng các thiết chế. Nhiều ý kiến phát biểu của ĐBQH thành phố đã thu hút công luận, tạo ấn tượng mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến nghị trường Quốc hội. Hầu hết ý kiến phát biểu xây dựng dự án luật của ĐBQH thành phố đều mang tính phản biện cao, tập trung vào những vấn đề lớn mà trong thực tiễn còn nhiều bức xúc nhưng chưa được chế định trong dự thảo luật cần được nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ý kiến của các vị ĐBQH trong Đoàn tại các kỳ họp đều được Chủ tọa phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo đánh giá cao, được cử tri thành phố và cả nước hoan nghênh, ủng hộ. Đoàn ĐBQH thành phố ngày càng thể hiện hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của mình trong việc làm luật và sửa đổi luật, xây dựng chính sách và sửa đổi chính sách của Nhà nước thông qua công tác xây dựng luật của Quốc hội.
P.V: Thưa ông, đối với những quyết sách lớn có ý nghĩa quan trọng, Đoàn ĐBQH thành phố đã có sự lựa chọn theo hướng nào?
Ông Huỳnh Nghĩa: Tại các kỳ họp, các vị ĐBQH thành phố đã thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm; chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; dự toán ngân sách Nhà nước; chính sách dân tộc; an ninh-quốc phòng; đối ngoại... đã góp phần vào việc duy trì sự ổn định và phát triển đất nước. Các vị ĐBQH thành phố còn tích cực tham gia nghiên cứu, thảo luận, thận trọng trước khi bấm nút biểu quyết thông qua hàng loạt vấn đề quan trọng của quốc gia như Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bố trí 225.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho cả giai đoạn 2011-2015 để tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh; miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
P.V: Ông có thể nói rõ hơn về vai trò giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố liên quan đến các mặt của đời sống xã hội được cử tri quan tâm?
Ông Huỳnh Nghĩa: Nhìn nhận một cách khách quan, giám sát cũng là hoạt động nổi trội của Đoàn ĐBQH TP. Nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn đã tham gia 27 Đoàn giám sát, khảo sát của UBTV Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về giám sát tại thành phố những vấn đề lớn, hệ trọng của quốc gia mà dư luận quan tâm như tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan; việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh; việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai... Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH thành phố cũng đã tổ chức giám sát độc lập 26 chuyên đề, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà cử tri thành phố và công luận quan tâm. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác giám sát nhiệm kỳ này của Đoàn ĐBQH thành phố thực sự đã có nhiều khởi sắc, đổi mới và cải tiến, ngày càng phát huy tính dân chủ và khắc phục dần tính hình thức.
Chính những hình thức giám sát đa dạng của Đoàn ĐBQH thành phố đã góp phần quan trọng giải quyết nhiều vấn đề từ thực tiễn đặt ra mà dư luận, cử tri quan tâm, bức xúc. Qua giám sát và đeo bám thực hiện kiến nghị sau giám sát của Đoàn đã thúc đẩy các cơ quan, tổ chức tập trung giải quyết, khắc phục dần những hạn chế, vướng mắc, nâng cao chất lượng hoạt động, tiến đến một nền hành chính vì dân, phục vụ nhân dân.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.
Phương Kiếm
(thực hiện)