Báo Công An Đà Nẵng

Xây dựng quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện, năng động và gắn kết

Thứ sáu, 01/12/2017 09:32

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 30-11, diễn ra cuộc họp Hội đồng các Thống đốc Quỹ Á – Âu (ASEF) lần thứ 37 và buổi Tọa đàm chính sách “Xây dựng tầm nhìn quan hệ đối tác Á – Âu toàn diện trong thế kỷ XXI”, với sự tham dự của các Thống đốc đến từ 53 thành viên ASEM, gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) cùng Ban Thư ký ASEAN. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tham dự buổi Tọa đàm.

Các đại biểu tham dự cuộc họp chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu khai mạc, bà Eva Biaudet, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Quỹ ASEF cho biết, ASEF được thành lập năm 1997 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ nhất, tổ chức tại Singapore. Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác ASEM đồng đều trên cả ba trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác; Quảng bá – tuyên truyền của ASEM thông qua trang thông tin aseminfoboard.org. Ngoài ra, ASEF cũng phối hợp với các thành viên tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá và nâng cao vị thế và hình ảnh ASEM.

Bà Eva Biaudet đánh giá cao chủ nhà Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc họp và dành sự đón tiếp nồng hậu các đại biểu. Đồng thời, chúc mừng Đà Nẵng vừa tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC với nhiều dấu ấn quan trọng trong mắt bạn bè quốc tế.

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Thống đốc Việt Nam tại ASEF, việc Việt Nam đăng cai cuộc họp có ý nghĩa: Tiếp tục chuyển đi thông điệp về chủ trương Đại hội lần thứ XII của Đảng về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả đối ngoại đa phương; tiếp tục đề cao đóng góp của Việt Nam cho ASEM, tham gia kỷ niệm 20 năm thành lập ASEF và đề ra phương hướng hoạt động của Quỹ trong thời gian tới; tranh thủ ASEF, ủng hộ triển khai các dự án hợp tác tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho nhân dân Việt Nam tham gia vào các hoạt động của ASEF; góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập trong Năm APEC 2017.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nêu rõ trước chuyển biến nhanh chóng của cục diện với nhiều thách thức đang nổi lên đối với các khu vực và hợp tác đa phương, ASEM đang đứng trước thời khắc chuyển đổi và ASEF càng có vai trò quan trọng trong nỗ lực nâng cao vị thế và hình ảnh của ASEM.

“Trước chuyển biến nhanh chóng của cục diện với nhiều thách thức đang nổi lên đối với các khu vực và hợp tác đa phương, ASEM đang đứng trước thời khắc chuyển đổi và ASEF càng có vai trò quan trọng trong nỗ lực nâng cao vị thế và hình ảnh của ASEM. Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng ASEM và ủng hộ vai trò quan trọng của ASEF trong nỗ lực tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa nhân dân hai châu lục, thúc đẩy quan hệ đối tác Á – Âu”, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga khẳng định.

Tại cuộc họp, các Thống đốc cho rằng, ASEF sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng, thúc đẩy sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, đóng góp vào nỗ lực của ASEM trong tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu năng động và gắn kết hơn trong thập kỷ thứ ba...

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, diễn ra buổi Tọa đàm chính sách “Xây dựng tầm nhìn quan hệ đối tác Á – Âu toàn diện trong thế kỷ XXI”. Trong đó, tập trung trao đổi về các xu thế lớn trong cục diện quốc tế và khu vực; Hợp tác ASEM: Cơ hội và thách thức nổi lên; Hợp tác ASEM trong thập niên thứ 3 và giai đoạn tiếp theo “tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác Á – Âu toàn diện”...

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, trong cục diện “đa trung tâm” và xu thế dân chủ hóa, nhiều cơ chế hợp tác khu vực được củng cố song song với việc hình thành các cơ chế, liên kết hợp tác mới, đa dạng và linh hoạt hơn. Á – Âu chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các quan hệ đối tác và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Các cơ hội và thách thức đang nổi lên đòi hỏi ASEM cần đổi mới, nâng tầm hợp tác, nhằm khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn. Đó là yêu cầu khách quan trước những biến động không ngừng của thế giới và khu vực. Đó cũng là nhu cầu nội tại của một ASEM ngày càng mở rộng với các quan tâm và lợi ích đa dạng hơn. Trong nỗ lực đó, với việc triển khai chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và đối ngoại đa phương chủ động, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong ASEM để xây dựng tầm nhìn cho Diễn đàn ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng trong cục diện đang định hình”, Thứ trưởng Sơn khẳng định.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị các Thống đốc ASEF tập trung thảo luận một số vấn đề cụ thể. Thứ nhất, châu Á và châu Âu cần tiếp tục đi đầu duy trì hòa bình và ổn định thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung. Thứ hai, là những động lực chính của tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo trong thế kỷ XXI, Châu Á và Châu Âu có đầy đủ khả năng và trách nhiệm để tiên phong trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững 2030. Thứ ba, ASEM cần tiếp tục khẳng định sự ủng hộ trước sau như một đối với việc thúc đẩy quản trị kinh tế toàn cầu công bằng và cân bằng, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ. Thứ tư, ASEM cần tiếp tục tiên phong trong triển khai hợp tác kết nối...

XUÂN ĐƯƠNG