Báo Công An Đà Nẵng

Xây dựng thành phố mẫu mực của an toàn, an tâm, hành chính thân thiện: Đà Nẵng cần đi trước...

Thứ bảy, 28/05/2022 08:34
Một góc khu vực trung tâm TP Đà Nẵng ngày nay.

Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 1.000 cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP, các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường, viện, hội, hiệp hội khoa học, kỹ thuật, doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Theo GS Trần Văn Thọ, thế giới hiện nay và trong tương lai gần có các trào lưu mới như: chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu; sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là công nghệ thông tin, kỹ thuật số; các đại dịch bệnh mà tiêu biểu thời điểm này là dịch COVID-19; biến động quan hệ chính trị, kinh tế như: tranh chấp kinh tế Trung - Mỹ, đối đầu giữa Nga và NATO, chiến tranh Nga – Ucraina, v.v… Các trào lưu mới này tác động rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu; làm cho cầu về lao động giảm, nhu cầu về lao động có kỹ năng cao và thường xuyên phải thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ; ảnh hưởng đến an ninh kinh tế toàn cầu… Trong đó, Việt Nam với các đặc điểm như: mức độ hội nhập thế giới rất cao, thu hút đầu tư nước ngoài phụ thuộc nhiều vào các nước mới nổi (nhất là Trung Quốc), có một lực lượng lao động khá đông mà phần lớn chưa đủ năng lực, chưa thích ứng với nhu cầu mới… nên dễ bị tác động, ảnh hưởng từ các trào lưu mới của thế giới.

Do vậy, để hạn chế những ảnh hưởng và tác động xấu, đồng thời tận dụng được các cơ hội từ các trào lưu mới của thế giới, về chiến lược dài hạn, Việt Nam cần thay đổi tư duy phát triển từ nông nghiệp sang công nghiệp rồi hậu công nghiệp, đô thị hóa, trọng tâm của an sinh xã hội chuyển từ văn hóa sang kinh tế; thành tư duy mới: nông, công nghiệp và dịch vụ đồng phát triển, “tập trung vừa phải” là từ khóa mới cho vấn đề đô thị hóa để vừa tập trung vừa giãn cách, hồi quy các giá trị truyền thống về an sinh xã hội… Hướng về năm 2045, Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế vững mạnh: thâm sâu công nghiệp hóa, xây dựng nền công nghiệp thực phẩm chủ lực, chú trọng khu vực y tế; phát triển doanh nghiệp trong nước để từng bước giảm tỷ lệ phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài (nhất là đầu tư nước ngoài từ các nước mới phát triển), trong đó, mũi đột phá là khu vực phi chính thức và SMEs (doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ); tiếp tục thực hiện đổi mới sáng tạo, trong đó, nội dung quan trọng và cơ bản của đổi mới sáng tạo liên quan đến tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và chất lượng quan chức các cấp; đẩy mạnh an ninh kinh tế: ngoài các chính sách củng cố nội lực, cần ban hành các đạo luật cần thiết trong quan hệ kinh tế với nước ngoài.

Với TP Đà Nẵng, cần hướng đến TP lý tưởng. Cụ thể, Đà Nẵng có tiềm năng phát triển to lớn về vị trí địa lý, thiên nhiên và con người để trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư và du lịch. Cho nên, Đà Nẵng cần nỗ lực xây dựng TP lý tưởng, khác biệt với các tỉnh, thành khác trong cả nước, đặc biệt là cần đi trước cả nước về việc xây dựng TP mẫu mực của an toàn, an tâm, hành chính thân thiện. TP cần lập các bót cảnh sát (ở Nhật gọi là koban) để can thiệp, xử lý kịp thời về các vấn đề an ninh trật tự, giao thông cũng như các vấn đề liên quan đến công dân, du khách; xây dựng thêm các nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ và văn minh tại khu vực đô thị, trường học, bệnh viện, v.v…; đẩy mạnh giáo dục, nâng cao ý thức, hành động của thị dân để họ trở thành những công dân văn hóa, thân thiện với người, với môi trường; thực hiện cuộc cách mạng hành chính, đi đầu trong đổi mới sáng tạo.

Cũng tại hội nghị này, giáo sư Trần Văn Thọ còn giới thiệu cuốn sách mới nhất của ông về “Kinh tế Nhật Bản – Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973” với mong muốn qua mô hình phát triển của Nhật Bản rút ra bài học kinh nghiệm phát triển Việt Nam nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng trong thời gian đến.

PHÚ NAM

Giáo sư Trần Văn Thọ.

GS Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại xã Điện Phước (TX Điện Bàn, Quảng Nam), hiện là GS danh dự Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản), nơi nổi tiếng thế giới về đào tạo nhiều chính khách, nhà khoa học và doanh nghiệp lớn. GS Trần Văn Thọ lấy bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Hitotsubashi (Nhật Bản), làm nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản. Năm 1990, ông là một trong ba người nước ngoài được mời tham gia Hội đồng tư vấn kinh tế nhiều đời của Thủ tướng Nhật và làm cố vấn cho nhiều cơ quan của Chính phủ Nhật Bản. Năm 1993, GS Trần Văn Thọ là thành viên của Tổ tư vấn cải cách kinh tế của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thành viên Ban nghiên cứu chính sách của cố Thủ tướng Phan Văn Khải và thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước). Ông cũng từng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Đà Nẵng.