Xây dựng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đạt chuẩn quốc tế
(Cadn.com.vn) - Vừa qua, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đề xuất Bộ có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phối hợp với địa phương để xây dựng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng trở thành trường chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.
Yêu cầu bức thiết?
Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết: Hiện thành phố có 55 cơ sở dạy nghề, gồm 6 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 12 trung tâm và 33 cơ sở có đăng ký hoạt động dạy nghề với quy mô đăng ký đào tạo gần 50.000 học viên, sinh viên của 157 nghề.
Tuy nhiên, theo bà Hưng, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là trình độ giữa các loại hình đào tạo vẫn còn khoảng cách khá xa. Cụ thể, trình độ cao đẳng nghề chỉ chiếm hơn 12%, trung cấp chiếm trên 10% và gần 77% là trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Điều này cho thấy tỷ lệ lao động có trình độ cao vẫn còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và chủ trương của thành phố là “phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao”, mục tiêu đến năm 2020 có 55% tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề...
Còn theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, hiện trên địa bàn thành phố vẫn chưa có một trường nghề nào xứng tầm. Trong khi đó, Đà Nẵng là địa phương thu hút rất nhiều doanh nghiệp (DN) FDI, đồng thời là nơi tập trung nhiều loại hình dịch vụ, khu công nghiệp công nghệ cao nên tất yếu phải có một trường đào tạo nghề đóng vai trò chủ lực, động lực để đáp ứng nhu cầu lao động tay nghề cao như hiện nay. Vì vậy, Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng trường nghề chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Để cụ thể hóa mục tiêu này, thành phố đề xuất với lãnh đạo Bộ phối hợp đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng thành trường trọng điểm, chất lượng cao. Với quy mô tuyển sinh và số nghề đào tạo lớn nhất thành phố (3.000 học viên, 18 nghề), đào tạo nghề cho lao động tại Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung, vì vậy, ngoài việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1 trong 45 trường của cả nước đầu tư phát triển thành trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, thì theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, thành phố cũng có chủ trương tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đạt chuẩn khu vực Asean. Theo đó, với vị trí hiện tại không thể tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các công năng phục vụ cho giáo dục toàn diện, nên thành phố đã bố trí một khu đất 10ha tại P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn để đầu tư xây dựng mới, với dự toán kinh phí xây lắp 300 tỷ đồng (đã có dự án) và mua sắm thiết bị 9 nghề trọng điểm với kinh phí 250 tỷ đồng (đã có danh mục).
“Thành phố đã bố trí đất đai, vốn đối ứng và mọi thứ rồi, giờ chỉ cần thêm một ít nữa để có nguồn lực lớn hơn nhằm xây dựng trường theo định hướng. Nếu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có trường đào tạo nghề chất lượng quốc tế thì cứ cho Đà Nẵng xếp hàng vào đó luôn. Họ lên quốc tế rồi, còn Đà Nẵng đến nỗi gì đâu mà chỉ đến mức chất lượng cao”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nêu vấn đề, đồng thời mong muốn Bộ LĐ-TB&XH phối hợp, trợ giúp để thành phố biến đề án này thành hiện thực.
Một buổi học của thầy trò Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. |
Phải đạt chuẩn quốc tế!
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc thành phố xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao là phù hợp, đúng với tình hình thực tế. Bộ trưởng đề nghị Đà Nẵng phải đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động, mạnh dạn và chủ động trong phân luồng dạy học nghề. Theo Bộ trưởng, phân luồng học nghề ở Đà Nẵng phải gắn với 2 tiêu chí, đó là chú trọng dự báo thị trường lao động, từ dự báo thị trường lao động rồi sau đó mới phân luồng. “Có phân luồng mới khắc phục được tình trạng thất nghiệp của sinh viên hiện nay. Ở nhiều nước, học sinh học nghề nhiều hơn. Chúng ta phấn đấu đến lúc nào đó có những lao động có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ nghề. Ở nước ngoài họ tự hào lắm, tiến sỹ nghề chứ không phải tiến sỹ hàn lâm, ai có tay nghề cao thì họ quý trọng”. Theo Bộ trưởng, trong quý I-2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng đề án liên thông, cho các em học trung cấp nghề được học lên cao đẳng, đại học và thạc sỹ, tiến sỹ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đào tạo nghề tại Đà Nẵng phải gắn chặt với DN, để DN tham gia từ đầu với quá trình đào tạo nghề. “Vừa qua, tôi có đi khảo sát tại trường nghề Dung Quất. Tại đây, một năm họ đào tạo 3.000 học viên. Đầu năm học, khi tuyển sinh thì trường và các DN thực hiện ký kết nhận lao động sau đào tạo vào làm việc. Hằng tuần, đích thân cán bộ của DN vào trường giảng dạy, đến khi sinh viên đi thực tập thì thực tập tại DN luôn. Chính cách làm này mà có nhiều em học nghề không mất một xu nào, chưa ra trường đã có người nhận vào làm việc rồi, đi thực tập đã có lương, quá sướng”, Bộ trưởng gợi mở. Theo Bộ trưởng, hình thức đào tạo có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và DN đã mang lại hiệu quả rất cao, khi mà có tới 92% học viên của trường có việc làm ngay khi tốt nghiệp, thậm chí có những nghề lên đến 100% học viên. Bộ trưởng cho rằng các trường nghề của Đà Nẵng nói chung và Cao đẳng nghề nói riêng cũng phải đột phá vào hình thức này.
Liên quan đến kiến nghị, đề xuất của thành phố Đà Nẵng về xây dựng Trường Cao đẳng nghề, Bộ trưởng nhấn mạnh, không phải xây dựng thành trường chất lượng cao nữa, mà phải chuẩn quốc tế. “Chuẩn quốc tế là phải theo barem của nó, ví như tất cả các nghề đều phải đào tạo theo thỏa thuận chung, bộ giáo trình chung và được các nước trên thế giới thừa nhận. Tất nhiên còn nhiều việc phải làm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. Và để thực hiện được mục tiêu này, Bộ trưởng cho biết sẽ có buổi làm việc riêng với lãnh đạo thành phố, quan điểm là làm sao để Đà Nẵng có một trường thực sự xứng tầm, đạt chuẩn quốc tế như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
D.Hùng