Báo Công An Đà Nẵng

Xây dựng và phát triển Đà Nẵng phải nhìn vào vị trí địa chính trị của thành phố

Thứ sáu, 26/06/2020 10:05

Rất nhiều ý kiến tâm huyết của các cán bộ lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo chủ chốt TP Đà Nẵng với mong muốn nhiệm kỳ tới, Đảng bộ TP nói riêng, cả nước nói chung sẽ phát triển nhanh và bền vững.

Toàn cảnh hội nghị.

Phấn đấu đưa cảng Đà Nẵng nằm trong top 5 các cảng biển hàng đầu Việt Nam

Ngày 25-6, Cty CP Cảng Đà Nẵng đã tổ chức Đại hội Đảng bộ Cảng Đà Nẵng lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025. Nhiệm kỳ qua, các đơn vị trực thuộc Đảng bộ Cảng Đà Nẵng đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Cụ thể, bình quân mỗi năm, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng tăng trên 13% (riêng năm 2019 tăng 21%), thu nhập của người lao động tăng 10%, phát triển thêm 45 đảng viên mới (tăng 5 đảng viên so với nghị quyết đề ra), 100% tổ chức đảng xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên...

Trong nhiệm kỳ mới 2020-2025, Đảng bộ Cảng Đà Nẵng đề ra nghị quyết xây dựng Cảng phát triển theo hướng là một cảng xanh thân thiện với môi trường (Green Port), đặc biệt là phát triển theo 2 trụ cột chính: khai thác cảng (chuyên khai thác tàu container, tàu khách du lịch có trọng tải lớn) và dịch vụ logistics (kinh doanh kho bãi, kho CFS, kho ngoại quan, vận tải đa phương thức...) nhằm phấn đấu đưa Cảng Đà Nẵng nằm trong Top 5 các cảng biển hàng đầu Việt Nam, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, có nội dung xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển. 

PHÚ NAM

Ngày 25-6, dưới sự đồng chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các cán bộ lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo chủ chốt TP vào dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng và Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố.

Trước khi đi vào nội dung hội nghị, thay mặt Thường trực Thành ủy, ông Nguyễn Văn Quảng đã gợi ý một số nội dung để các đại biểu góp ý vào Dự thảo, trong đó tập trung một số vấn đề chính, như chủ đề của Báo cáo chính trị; những thành tựu đạt được; hạn chế và nguyên nhân; đánh giá chung và những bài học kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ TP; những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong nhiệm kỳ ảnh hưởng đến tư tưởng, tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố...

Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, ông Quảng đề nghị cho ý kiến về dự báo tình hình, những thuận lợi, thách thức đối với TP Đà Nẵng trong nhiệm kỳ đến. Đặc biệt là về mục tiêu tổng quát đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc, phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại; hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”...

Nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ cho rằng, Báo cáo chính trị lần này trình bày gọn, rõ, kết cấu hợp lý, văn phong chuẩn, những nhận định, đánh giá và những nhiệm vụ, giải pháp sắp đến là sát với thực tế, về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu mà Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị đặt ra. Tuy nhiên, ông Thọ cũng có một vài góp ý liên quan đến yếu tố mang tính kỹ thuật, câu chữ, cách hành văn trong báo cáo.

Liên quan đến nhận định, đánh giá tình hình, theo ông Thọ có thể phân tích thêm một vài nội dung. Cụ thể là trong bối cảnh khó khăn, nhưng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên một số lĩnh vực, tuy vị trí thứ hạng mỗi năm có khác nhau nhưng cả nhiệm kỳ, TP Đà Nẵng luôn nằm trong top đầu của cả nước. Cho rằng, điều này không hề đơn giản, nếu Đà Nẵng không có quyết tâm chính trị cao, không phát huy được nội lực của thành phố thì sẽ không thể duy trì được vị thế của mình.

Trong phần đánh giá chung, có đoạn “Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung và của cả nước”, ông Thọ nhìn nhận đây là nhận định hết sức quan trọng, phù hợp với Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị mà thành phố đã làm; đồng thời phù hợp với định hướng Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị mà Đà Nẵng đang thực hiện.

Bên cạnh các ý kiến góp ý về nội dung mà Thường trực Thành ủy gợi ý, ông Thọ cũng đề nghị nên đánh giá thêm việc thực hiện chủ trương chiêu hiền đãi sĩ; đào tạo đại học và sau đại học ở nước ngoài; đào tạo chức danh bí thư và chủ tịch phường tại Đà Nẵng thời gian qua. “Chúng ta đã bỏ ra khoản tiền hơn 500 tỷ đồng để làm việc hết sức quan trọng này thì nên đánh giá, liệu rằng sau một nhiệm kỳ, sau 7-8 năm thì chủ trương vừa chiêu hiền, vừa đãi sĩ, vừa cho đi đào tạo ở nước ngoài hiệu quả như thế nào? Theo cá nhân tôi, về cơ bản là tốt. Nhiều đồng chí bây giờ giữ vị trí chủ chốt ở cấp quận, huyện, cấp sở, ngành, thậm chí ở thành phố. Đề án 89 phát huy khá tích cực ở địa bàn phường, xã”,  ông Thọ lưu ý và cho rằng, nên đánh giá nghiêm túc để thấy được đồng tiền bỏ ra, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố phát huy hiệu quả như thế nào và cần rút ra kinh nghiệm gì.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới được nêu trong báo cáo chính trị, ông Thọ đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng. Theo đó đề nghị mạnh dạn ghi rõ trong báo cáo chính trị một số công trình, dự án lớn có tính tác động đến phát triển thành phố vào Nghị quyết như dự án di dời ga Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu, đường vành đai phía Tây... để quyết tâm thực hiện.

Một nội dung quan trọng khác, theo ông Thọ là việc báo cáo chính trị đề cập quá ít về xây dựng thiết chế văn hóa, con người Đà Nẵng. Ông Thọ cho rằng nhiệm kỳ tới cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Công Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP cho biết, thực tế những năm qua, cả hệ thống chính trị tại Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng con người Đà Nẵng có lối sống văn hóa, văn minh đô thị, rõ nhất là trong Chương trình “3 có”. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu phát triển toàn diện con người Đà Nẵng về nhận thức tư tưởng chính trị, về đạo đức, về lối sống văn minh đô thị, về ý thức cộng đồng... cả về mức sống vật chất và tinh thần hiện tại thì cũng còn nhiều việc phải làm để thật sự đáp ứng yêu cầu chuẩn mực công dân của một thành phố văn minh, hiện đại. Vì những lý do trên, ông Minh mong muốn trong dự thảo cần bổ sung thêm cụm từ  “xây dựng và phát triển con người Đà Nẵng”. Cụ thể đề nghị bổ sung “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng; tạo nền tảng cho thành phố phát triển bền vững”...

Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ông Lê Tự Cường, nguyên Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng đề nghị cần cải cách mạnh mẽ thể chế chính trị và cơ chế quản lý trong mọi lĩnh vực đời sống chính trị, xã hội. Ông Cường cho rằng, thể chế chính trị là cách thức tổ chức và vận hành quyền lực của nhà nước làm sao hiệu quả nhất, thuận lợi nhất. Vì vậy, cải cách thể chế không phải là đánh mất chế độ mà để quản lý xã hội tốt hơn.

Ông Cường cũng đề nghị, trong phần đánh giá chung, cần đánh giá sự cố ở Đà Nẵng trong nhiệm kỳ vừa qua. Theo ông Cường, đây là sự cố chưa từng có trong lịch sử, nó ít nhiều tạo ra tâm lý lo lắng, phân vân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, nhờ bản lĩnh của tập thể lãnh đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, sau sự cố đã nhanh chóng ổn định tổ chức, củng cố tư tưởng, nội bộ, triển khai công việc hiệu quả, qua đó đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. “Đề nghị phần đánh giá chung nên phân tích đậm nét về vấn đề này để qua đó thể hiện bản lĩnh của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ vừa qua”, ông Cường nhấn mạnh.

Tại hội nghị, còn rất nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia góp ý vào dự thảo, cho rằng các ý kiến đều rất tâm huyết, đều vì sự phát triển của Đà Nẵng nên Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định sẽ tiếp thu, chọn lọc và bổ sung để hoàn thiện văn kiện đại hội. Đồng thời cho biết, bước vào nhiệm kỳ tới, Đà Nẵng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định, tuy nhiên, với tinh thần hết sức cầu thị, vì mục tiêu chung, và vì vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng của Đà Nẵng đối với cả nước, thành phố sẽ tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách của Trung ương và bằng nỗ lực từ nội tại, thành phố sẽ kiên định mục tiêu phát triển và tin tưởng sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn, vững chắc hơn.

DOÃN HÙNG