Báo Công An Đà Nẵng

“Xe dù” lộng hành (3)

Thứ bảy, 25/02/2017 13:22

* Bài cuối: "Không xóa "xe dù", tuyến cố định sẽ "chết"

(Cadn.com.vn) - Thời điểm cuối năm 2016, hàng loạt đầu xe khách có phiên chuyến cố định chạy tuyến Đà Nẵng - Huế và một số nhà xe đi Tam Kỳ, tuyến đường dài vào Nam đã phải bỏ việc, đồng loạt làm đơn kêu cứu gửi Bộ GTVT, lãnh đạo thành phố và ngành GTVT bởi sự hoạt động của hàng chục “xe dù” đón khách giữa thanh thiên bạch nhật. Không có phiên chuyến, không tốn phí bến bãi vẫn công khai đón khách giữa trung tâm thành phố. Cách cạnh tranh không lành mạnh này đã đẩy những đầu xe có tuyến cố định rơi vào cảnh sống dở chết dở, trên đường đi đến phá sản.

Nhà xe Hạnh cà-phê hoạt động công khai nhưng thanh tra giao thông trả lời là khó xử lý.

Như nấm sau mưa!

Khi được liên hệ để trao đổi về vấn nạn xe dù trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Trung Nghĩa - Chánh Thanh tra Sở GTVT ủy quyền cho cấp phó làm việc. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề với ông Nguyễn Trần Hoàng - Phó Chánh Thanh tra được ủy quyền thì ông Hoàng hỏi ngược là “Anh làm việc hay nắm thông tin? Nếu nắm thông tin thì phải xuống gặp anh Nghĩa!”.

Tại buổi làm việc, cả ông Nghĩa và ông Hoàng đều cho rằng xử lý xe dù khó lắm, vì các nhà xe đều tìm cách lách luật bằng các hợp đồng vận chuyển khách du lịch. “Khó nhất bây giờ là phát hiện ra lỗi vi phạm của nó. Biết bản chất của nó là vi phạm nhưng để lập cái lỗi, chứng minh lỗi vi phạm rất khó. Như nhà xe HAV, nó vi phạm 7 lần rồi đó, chúng tôi kiến nghị Sở GTVT TT-Huế thu hồi giấy phép kinh doanh. Nhưng dễ gì xử lý được. Nó núp bóng du lịch mình mới thả tay đó” - ông Nghĩa nói. Hỏi về thủ thuật hợp thức hóa hồ sơ bằng việc lấy một CMND bất kỳ khai cho hành khách đi xe để biến việc chở khách trái quy định thành vận chuyển hợp đồng, ông Hoàng nói thanh tra giao thông chỉ quan tâm hình thức giấy tờ chứ sai lệch về người đi và số CMND là không quan tâm. “Tôi cũng như anh rứa thôi, tôi đâu cần biết anh là ai. Đâu phải như vô sân bay đâu mà đòi nhận dạng. Anh làm sai anh bắt tôi vô cái thế cải trang để xử lý nớ đâu có được. Làm rứa đôi lúc họ cho mình cố tình làm hại họ” - ông Hoàng nói, rồi giải thích thêm “đại loại tôi nói với anh ri nè, như HAV Travel là người ta làm du lịch, còn cái xe chở HAV họ kêu không có chi vi phạm hết! Đây là khách du lịch của hãng lữ hành, người ta đăng ký qua xe tui, tui chở cho Cty ni chứ tui không bắt khách. Chết mình! Mình đừng cố cài người để luận tội cho họ. Trong công việc hành chính họ không thể kiểm tra được từng con người cụ thể. Anh đổi người như thế vô tình là anh cài người vô”.

Hỏi giải pháp nào để xử lý nạn xe dù tuyến Đà Nẵng - Huế, ông Nguyễn Trung Nghĩa cho rằng, đầu tư tuyến xe buýt hoặc nâng cấp xe tuyến cố định mới là căn cơ. “Giờ không phải là thời Nhà nước bao cấp nữa, phải đầu tư chứ các loại xe chạy tuyến này đã xuống cấp, giá vé thấp nhưng chất lượng kém thì người ta chọn xe ngoài đi thôi, giá có đắt tí nhưng chất lượng cao, phục vụ tốt” - ông Nghĩa nói.

Dù bị xử lý nhiều lần nhưng nhà xe HAV vẫn nhờn luật, thách thức cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp vận tải rối bời

Ông Lê Viết Hoàng - Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định Đà Nẵng - Huế với 81 đầu xe có nguy cơ phá sản vì hàng trăm xe dù núp bóng hợp đồng, chở khách du lịch hoạt động với tần suất ngày một nhiều. Với việc đưa số điện thoại, quảng cáo dịch vụ lên mạng cộng với việc “gọi đâu đón đó”, các nhà xe chạy ngoài bến đã hút lượng lớn khách của những doanh nghiệp đóng thuế, hoạt động đúng quy định của pháp luật. Thực tế, nếu không xóa sổ được xe dù, tuyến cố định lâm cảnh phá sản chỉ là sớm hay muộn mà thôi. “Trong các cuộc họp hoặc trao đổi về vấn đề này, có đại diện của cơ quan chức năng nói rằng đó là nhu cầu thực tế, nơi nào thuận tiện, phù hợp thì hành khách chọn lựa. Tôi hỏi họ như vậy thì thành lập bến xe để làm gì? Có bến mà xe dù cứ chạy lung tung trong thành phố làm mật độ giao thông cao hơn, gây phức tạp tình hình chỉ vì thói quen của người dân thì bến xe có ý nghĩa gì nữa” - ông Hoàng bức xúc.

Chúng tôi đặt vấn đề các xe hoạt động trong bến dù có giá rẻ hơn xe dù nhưng đã quá cũ, vì sao doanh nghiệp không thay mới xe, nâng cao chất lượng dịch vụ như ý của ông Nguyễn Trung Nghĩa? ông Hoàng trả lời “doanh nghiệp họ muốn lắm, nhưng không dám mạo hiểm vì chủ trương thiếu rõ ràng”.

Qua tìm hiểu được biết, hiện Bộ GTVT có chủ trương khuyến khích các địa phương hình thành tuyến xe buýt liên tỉnh trong phạm vi dưới 100km để phục vụ người dân. Vấn đề này cũng đã được các doanh nghiệp đề xuất, đưa ra bàn thảo tại rất nhiều cuộc họp của Sở GTVT Đà Nẵng và TT-Huế. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức nào từ chính quyền hai địa phương. Ông Hồ Văn Tùng - Giám đốc Cty Vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân cho biết, nếu có chủ trương xây dựng tuyến xe buýt liên tỉnh, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư. Hoặc nếu không thì cơ quan chức năng cũng nên có văn bản trả lời để các nhà xe yên tâm nâng cấp, trang bị xe mới phục vụ hành khách. Còn bây giờ không có chủ trương rõ ràng thì chậm đầu tư cũng thất bại mà đầu tư xe rồi lại hình thành tuyến xe buýt thì tài sản sắm ra cũng bỏ đó. “Chúng tôi đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng chưa biết phải làm sao. Mong chính quyền và ngành chức năng sớm có chủ trương rõ ràng” - ông Tùng kiến nghị.

Đối với các “siêu xe dù” hoạt động rầm rộ trở lại trên đường Điện Biên Phủ, khi được hỏi về tần số đăng ký hoạt động trong bến ra sao trong khi các nhà xe chạy ngoài, lập bến cóc phức tạp thì lãnh đạo Phòng Quản lý Vận tải và phương tiện, Sở GTVT trả lời là hồ sơ nhiều lắm, chưa nắm hết được.

Vấn nạn xe dù, xe ma tại Đà Nẵng đang có dấu hiệu hoạt động rầm rộ trở lại nhưng công tác quản lý, xử lý “kiểu đá ném ao bèo” và không loại trừ có “đụng chạm” khiến các nhà xe nhờn luật. Người dân và các doanh nghiệp vận tải hoạt động theo đúng pháp luật vẫn đang đặt vấn đề, liệu trong Chương trình “thành phố 4 an”, Đà Nẵng có thể xử lý kiên quyết các hình thức vận tải chui, coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến ANTT, ATGT và đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị làm ăn chân chính cũng như hạn chế “chảy máu” tiền thuế trong lĩnh vực vận tải hành khách?

Phóng sự: NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ