Báo Công An Đà Nẵng

Xe ôm bãi vàng

Thứ ba, 14/07/2020 08:00

Xe ôm bãi vàng - cái tên khiến nhiều người ngỡ chỉ tồn tại ở những bãi vàng vùng cao thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Thế nhưng ngày nay, loại hình xe ôm độc đáo trên vẫn còn ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn (Quảng Nam). Có cầu ắt có cung vì những bãi vàng ở nơi thâm sơn cùng cốc còn tồn tại thì dịch vụ xe ôm này còn đất sống.

Đường vào bãi vàng nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. 

Những cuốc xe tiền triệu

Mới đây, trở lại vùng cao Phước Sơn, tôi có dịp trải nghiệm chuyến đi vào bãi vàng trên chiếc xe ôm độc đáo trên. Đoạn đường chỉ tầm hơn 10km cho cả chiều về, nhưng có giá đến 1 triệu đồng. Như người ta vẫn thường nói “cái gì cũng có giá của nó”, có đi mới cảm nhận hết được giá trị của chuyến xe ôm này.

Hơn 10 năm tác nghiệp, có dịp gắn bó với núi rừng, với những bãi vàng ở vùng cao Quảng Nam, nhưng có lẽ đây là con đường vào bãi vàng gian truân, hiểm trở nhất mà tôi từng trải qua. 7 giờ 30 sáng một ngày cuối tháng 5, như đã hẹn trước, chúng tôi tập trung tại trụ sở UBND xã Phước Đức (H. Phước Sơn). Sau khi kiểm tra đầy đủ những vật dụng thiết yếu cho chuyến đi trong ngày, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó trưởng Phòng TN&MT H. Phước Sơn làm trưởng đoàn bắt đầu ra hiệu xuất phát. 10 chiếc xe ôm, tất cả đều là loại xe Win bắt đầu nổ máy, 10 chiếc chở 10 người gầm rú thẳng hướng vào phía Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.

Nhằm tránh “rò rỉ thông tin”, địa điểm bãi vàng của đợt truy quét lần này chỉ mỗi ông Hiếu biết. Sau khi đoàn xe chạy khoảng 5km, ông Hiếu cho dừng xe lại, nói: Hôm qua tôi nói với mấy anh em dự định đi vào bãi Vàng Nhẹ, Suối Bùn, tuy nhiên vì yếu tố bí mật, giờ tôi chuyển hướng vào bãi khác. Tôi chạy đường nào mọi người cứ bám theo tôi. Vừa nói xong, người điều khiển xe cứ thế chở ông Hiếu lao đi vun vút. Cả đoàn bám theo.

Qua cổng bảo vệ của nhà máy vàng Phước Sơn, ông Hiếu cho xe rẽ phải và bắt đầu cuộc hành trình xuyên rừng. Xe theo con đường mòn nhỏ chỉ rộng chừng vài chục centimet. Lối đi theo kiểu lòng chảo, trên rộng dưới hẹp. Do là độc đạo, nhưng tần suất xe lưu thông nhiều nên đường mòn ngày càng hằn sâu, nhiều đoạn hẹp chỉ vừa bánh xe chạy. Người ngồi trên xe phải ép sát hai chân vào trong để khỏi đụng phải cây cối, đá bên đường. Đặc biệt, con đường này chỉ có xe Win mới lưu thông được nhờ gầm cao. Nhông của những chiếc xe ôm này cũng được đôn lên để phù hợp với địa hình. Nếu loại xe Win này ở đồng bằng sẽ chạy nhông 14, nhưng các xe ở đây đều đi nhông 8, nhông 10...

Tác giả ngồi sau xe ôm trong chuyến hành trình vào khu vực bãi vàng. 

Nghề hiểm nguy

Khi chuẩn bị đến khu vực Khe Rỉ, cả đoàn dừng lại để lắp xích vào lốp. “Đoạn này trở vào đường rất trơn, nên phải lắp xích vào nếu không xe dễ bị trượt bánh, lao xuống hố. Đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trên cung đường này do lái xe chủ quan hoặc không rành đường”- ông Nguyễn Hải Ngư, người có thâm niên hơn 20 năm chạy xe ôm ở các bãi vàng cho hay. Tâm sự thêm với chúng tôi, ông Ngư cho biết, trước đây thời hưng thịnh, đội quân xe ôm ở đây rất đông. Nhiều người “ăn nên làm ra”, nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn cũng nhờ nghề này. Nhưng đó là giai đoạn của hàng chục năm về trước, khi mà các bãi vàng trái phép mọc như nấm ở khắp các cánh rừng già của Phước Sơn. Hiện nay, vàng ngày càng cạn kiệt, người chạy xe ôm cũng vì thế mà bỏ nghề dần. Khu vực Phước Đức này giờ chỉ còn chưa đến 10 người theo đuổi nghề, nhưng cũng chỉ là nghề tay trái, khi có ai gọi mới chạy, thời gian còn lại họ kiếm việc khác để làm.

Đường đi trơn trượt nên xe ôm phải gắn xích vào.

“Nghề này cũng lắm hiểm nguy. Phải cẩn thận trên từng vòng quay của bánh xe. Ở Phước Sơn có nhiều bãi vàng phải di chuyển bằng xe Win này mới vào được, nhưng khu vực này thuộc dạng khó đi nhất. Dọc tuyến đường có những địa danh như Khe Rỉ, Dốc Đá, Dốc Bàn Thờ, Dốc Bãi Gõ... nếu không phải người rành đường và chuyên nghiệp thì rất dễ xảy ra tai nạn. Thậm chí, nhiều người có thâm niên, nhưng chỉ vì một sơ suất mà phải bỏ nghề. Như trường hợp ông Trung, trong lần chở khách vào bãi vàng, không may ông này gặp nạn gãy quẹo cả chân, giờ bị tật phải bỏ nghề; hoặc trường hợp anh Xuân chở một người khách tên Thanh, khi xe đang chạy bất ngờ có một đoạn cây thọt vào xe khiến cả xe và người bay xuống hố trọng thương...”, vừa lắp xích vào lốp xe, ông Ngư vừa tâm sự. Lắp xích vào lốp xong, cả đoàn tiếp tục hướng vào bãi vàng Hòa Sơn 3. Lúc này, đoàn mới biết địa điểm mình sắp đến. Đây là khu vực nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, giáp ranh giữa 3 xã Phước Năng, Phước Đức (H. Phước Sơn) và xã Đắc Pring (H. Nam Giang). Sau hơn 1 giờ ngồi trên xe ôm, trải qua những cung đường hiểm trở khó diễn tả hết bằng lời, cuối cùng chúng tôi cũng đến điểm tập kết. Tại đây, xe ôm không thể đi tiếp nên các bác tài cho xe tấp vào tán cây ven đường nghỉ ngơi, còn đoàn cán bộ tiếp tục lội bộ vào bãi vàng.

Lúc này trời đã xế trưa, các tài xế xe ôm lấy từ tư trang ra những ổ bánh mì, hộp xôi... chia nhau lót dạ. Họ vừa ăn vừa tâm sự, chia sẻ những chuyến đi đầy kỷ niệm. Trong số 10 người lái xe trong đoàn, có những người tóc đã bạc trắng, như ông Ngư, ông Vinh, ông Chính. Cũng có những người trẻ nhưng đều thâm niên lâu năm trong nghề. Vừa ăn, vừa nói chuyện, đồng thời họ cũng không quên “bảo dưỡng” xe. Phát hiện xe của Lành lốp sau bị thủng, cả nhóm bỏ dở bữa ăn để cùng nhau tìm cách bơm, vá lốp cho xe này.

Phút nghỉ ngơi, ăn trưa giữa rừng của nhóm xe ôm xã Phước Đức. 

Lành có lẽ là thành viên trẻ tuổi nhất trong đoàn nên được nhiều người quan tâm. Sinh ra tại Huế, sau đó ba mẹ Lành vào Phước Sơn lập nghiệp. Cách đây 5 năm, sau khi học xong phổ thông, Lành vào ở với ba mẹ và lập gia đình tại đây. Vốn vóc dáng cao lớn, xét thấy nghề xe ôm hợp với mình nên Lành cũng tạo cho mình một “con Win” rồi hành nghề ở các bãi vàng. Tâm sự với Lành, tôi hỏi: “Gần đây nhiều thanh niên địa phương xin vào làm công nhân cho Cty vàng Phước Sơn, lương mỗi tháng cũng 7-8 triệu đồng, sao em không xin vào đó làm? Lành thật thà nói: “Chừng đó sao đủ sống anh. Em còn nuôi vợ và hai đứa con nhỏ nữa. Nghề này nếu mỗi tháng mình chạy 15 ngày thì cũng đã có 15 triệu đồng rồi, thời gian còn lại mình có thể làm việc khác. Chứ làm ở công ty mỗi tháng chưa đến 10 triệu đồng thì không đủ lo cho vợ con”.

Chính vì thu nhập cao từ nghề này mà những năm trước, nhiều người hành nghề xe ôm ở các bãi vàng đã phải bỏ mạng vì ma túy, nghiện ngập. “Thời điểm huy hoàng của nghề này mỗi tháng tôi thu nhập không dưới 30 triệu đồng. Chở khách vô, có khách mình chở quay đầu ra liền. Mà mỗi ngày chạy vài cuốc chứ không phải lâu lâu mới có cuốc như chừ. Có tiền nó xử mình hư. Chơi bời các kiểu. Chưa kể đến chuyện khi mình chở các ông chủ vào bãi, ổng mời mình ăn nhậu, nhậu xong tê tê ổng còn bày ma túy lên mâm để đãi mình nữa. Do vậy, thời điểm đó cánh xe ôm 10 người thì có đến 8-9 người nghiện rồi...”, một lão xe ôm tên T. tiết lộ.

Tâm sự của ông T. cũng là nỗi niềm chung của cánh xe ôm ở bãi vàng này. Nó như một nốt lặng khiến họ nhớ lại quá khứ huy hoàng nhưng không kém phần bi kịch... Có đi mới có thể cảm nhận, nếm trải những cung bậc cảm xúc của nghề xe ôm bãi vàng này. Nguy hiểm luôn rình rập trên những cung đường, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ chấp nhận đánh đổi, thậm chí trả giá bằng chính mạng sống, sức khỏe của mình.

BÃO BÌNH