Báo Công An Đà Nẵng

Xe ôm sau 0 giờ

Thứ sáu, 20/09/2013 10:55

Người ta ngủ, mình mưu sinh

(Cadn.com.vn) - Ông Văn là người có tuổi tác cao nhất trong số những người hành nghề xe ôm ở bến xe phía Nam Huế. Tuổi đã cao và thức trắng đêm liên tục khiến tóc ông bạc trắng, mắt thâm quầng. Nhướng đôi lông mày, ông Văn bộc bạch: "Nói ri cho dễ hiểu này. Nhà tui còn hai đứa con đang đi học, vợ thì không có nghề ngỗng gì với lại sức khỏe yếu rồi. Tui là trụ cột chính, tui không gắng thức đêm thì mần răng lo cơm áo, gạo tiền cho cả nhà được". Nói vừa dứt, chợt ánh mắt ông lóe lên niềm phấn khởi: "Cũng may là trời thương tui, một đêm ri cũng kiếm được trăm ngàn. Nghề mô cũng giống nghề mô, có tâm với nghề là trời thương, trời vẽ đường cho mà đi...".

" Chú ni hỏi chi lạ rứa hè. Có ai lại thích sống, mần việc về đêm mô. Lái xe ôm từ nửa đêm trở đi như tụi tui, khổ, nguy hiểm lắm, vì mưu sinh nên cắn răng mà mần nghề thôi"

 (Ông Phạm Anh Văn,           60 tuổi, P. An Cựu, TP Huế)

Có hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn ông Văn, ông Nam (53 tuổi, P. Vĩnh Ninh, Huế) đã gần 3 năm nay theo nghề chạy xe ôm về đêm. Gặp ông trên cầu An Cựu, gặng hỏi mãi ông mới chịu tâm sự: "Tôi trước đây làm thợ chụp ảnh, nhưng từ ngày vợ bị bệnh tâm thần tôi phải lo chạy vạy, bán cả máy ảnh để chữa trị. Vợ dần khỏi cũng đồng nghĩa với việc tui khỏi luôn nghề cũ, chuyển sang chạy xe ôm đêm".

Thường thì sau bữa cơm tối cùng gia đình, ông Nam lại cùng chiếc xe Dream ra đứng ở cầu An Cựu đón khách. Mưa thì núp ở chợ, nắng thì ngồi trên xe để khách biết mà gọi. Cứ như thế 5-6 giờ sáng ông mới trở về nhà nghỉ ngơi, đến đêm lại tiếp tục...

Anh Dương Quang Vinh (34 tuổi, P. An Đông) trẻ nhất trong số những xe ôm sau 0 giờ mà tôi gặp. Người anh gầy guộc, mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Anh thường đứng đón khách ở vòng xuyến trên trục đường Hùng Vương. Lúc gặp tôi, anh mới chở được một hành khách lên bến xe phía Bắc với giá 20 ngàn đồng, nên gắng thức kiếm thêm. Chân trái anh bị teo tóp bẩm sinh, đứng lâu là tê buốt, song vẫn cố gắng đứng đón khách từ chập tối cho đến 4 - 5 giờ sáng mới về. "Bấy lâu nay tui ế khách thấy vợ con mình thiếu thốn cái ăn cái mặc, thương quá...", anh Vinh ngậm ngùi.

Từ 7 giờ tối đến 2 giờ 15, anh Vinh chỉ kiếm được cuốc xe 20 ngàn đồng.

Phận "ôm" cũng bị quỵt tiền

Bị quỵt tiền hay hứng chịu dọa dẫm là chuyện xảy ra như cơm bữa đối với cánh xe ôm sau 0 giờ. Nói kiểu cánh xe ôm ở Huế, họ "ớn" nhất là những kẻ nghiện ngập, lưu manh, say xỉn... "Chở mà tim cứ "nhảy" thình thịch, lòng ngơm ngớp lo chúng giở trò. Nhưng lỡ chở rồi biết mần răng? Đành thôi phó mặc cho trời vậy...", anh Thành (P. Xuân Phú) mới vào nghề gần 2 tháng tâm sự.

Ông Văn nói, trải nghề đã 9, 10 năm nay nên ông nếm đủ các chiêu trò quỵt tiền của những "vị khách không địa chỉ" hay những thằng mặt cơng cơng, giọng gằn gằn: "Ui da, chuyện bị khách chạy làng mần răng đếm xuể. Sợ nhất là mấy đứa choai choai, nó quỵt miết. Có khi chở tới địa điểm chúng nói, vừa dừng xe, nó bước xuống giả vờ lấy tiền rồi vọt chạy. Trong đêm biết tìm hắn chỗ mô? Có thằng thì ngoác mồm bảo: "Chừ không có tiền mần răng? Buồn không ông xe thồ?". Thằng thì nhìn tui bằng nửa con mắt,  gằn: "Nợ nghe". Tui ú ớ kể khổ, nó quát: "Biến"...

Ông Văn có  khách.

Anh Vinh kể : "Vu lan năm ngoái tui bị lừa một vố. Đang đứng trên trên đường Bà Triệu, một người đàn ông nom cỡ bằng tuổi tui thôi. Ăn mặc sơ-vin đàng hoàng, đeo cặp xách bên hông. Bảo tui chở ra Đông Hà với giá thỏa thuận là 400 nghìn đồng. Tui đồng ý, thế là đi. Ra tận Đông Hà, hắn bảo tui giữ cặp xách để vào nhà lấy tiền. Ai ngờ chờ mãi không thấy hắn ra. Tui hỏi mấy người đi đường thì họ bảo có ai đó vừa chở đi rồi. Mở cặp xách ra xem chỉ thấy có cái quần đùi, 1 dây dầu gội đầu, 1 cái bấm móng tay. Tui khóc. Trong bọc áo chỉ còn 15 ngàn đồng, không biết mần răng về Huế. Cuối cùng người dân ở cạnh đó thương tui, mỗi người cho một ít, cộng tất cả được 175 ngàn đồng. Chừ nhắc lại tui vẫn còn thấy khiếp".

Anh Minh không cưỡng được cơn buồn ngủ đành lấy yên xe làm giường.

Bị lừa thường xuyên nên cánh xe ôm thường bảo ban nhau: khách trong nhà nghỉ, khách sạn ra là khác; khách trên xe khách xuống là khác; khách từ trong kiệt, hẻm đi ra cũng là khác. Nhìn người mà chở. Nhất quyết phải cẩn thận, không được ham tiền kẻo mà phải tốn công, mất xăng, phí sức. Khách vào quán mời mình ăn hay hút điếu thuốc cũng phải dè dặt, họ đi tiểu mình cũng đi theo...

Trong nhóm 8 người chạy xe ôm đón khách thâu đêm ở bến xe phía Nam Huế của ông Văn, họ sống với nhau tình nghĩa lắm. Hễ có ai hư xe dọc đường chẳng hạn, nếu "a-lô" gọi giúp đỡ họ sẽ sẵn sàng đến ngay, dù xa đến mấy đi chăng nữa. Còn lúc đau ốm, tai nạn, góp tiền nuôi bệnh, nuôi gia đình bạn nghề là chuyện thường không phải nói. Vì miếng cơm manh áo, hay vì cái tình như thế, nên dù bị cướp giật, quỵt tiền hay thậm chí bị đánh đập vô cớ, mà cánh xe ôm sau 0 giờ vẫn hiện diện trong bóng đêm Huế u tịch?

Đức Nghĩa - Đắc Thành