Xem bói từ phố về quê (2)
* KỲ CUỐI: Về quê xem bói truyền thống và hiện đại!
(Cadn.com.vn) - Chẳng kém gì ở phố thị, ra Giêng, các vùng quê Quảng Nam cũng nhộn nhịp bói toán, với nhiều kiểu xem kim, cổ.
Từ xưa đến nay, tục cúng gà đầu năm và xem giò gà là một trong những phong tục ngày Tết của người Việt. Hiện nay, người biết xem bói thì nhiều nhưng những người coi được giò gà rất ít. Coi và chỉ ra được vận số hiển hiện trên cặp chân gà một cách hợp lý lại càng ít người biết. Những ông “thầy” này thường là những người già cả có kinh nghiệm và am hiểu về phong thủy, vận mạng, hoàn toàn không liên quan đến mê tín dị đoan. Họ dựa vào những kinh nghiệm dân gian để phán đoán.
“Đầu năm ra mắt mùng 3
Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh
Bói giò phải bói cho tinh
Xem tường màu sắc chân hình rủi may”
Đúng như câu thơ trên, bói giò gà thì mắt phải tinh để nhìn ra được sự khác biệt trong từng bộ giò tiên ứng với vận số trong năm của cả một gia đình. Giò gà này là của con gà cúng đầu năm được giữ lại, có gia đình còn cố ý chừa lại miếng huyết gà để xem cho rõ. Bởi lá huyết cũng được xem như một lá bài. Nổi tiếng nhất ở Duy Xuyên (Quảng Nam) về xem giò gà phải kể đến thầy Nhãn. Năm nào cũng vậy, ra Tết là mỗi ngày có hàng chục người tìm đến nhờ thầy xem vận khí của gia đình trong năm. Quan sát thầy phán mỗi bộ chân gà với màu sắc, hình thái khác nhau xem chừng rất hấp dẫn. Nhiều người quan niệm nhà nào có được bộ giò “ngà voi” xem là có phúc. Ngà voi là những cặp giò đều màu, các ngón chân chụm đều vào với nhau vừa khít, đó là tượng trưng cho sự đoàn kết sum vầy của các thành viên trong gia đình. Năm đó làm việc gì cũng tròn trịa, chỉn chu. Thầy Nhãn còn “bật mí”: “Coi chân gà không khó nhưng phải đi coi để biết mà phòng tránh tai vạ. Chân gà mà tỏa ra 5 hướng khác nhau thì thể nào trong năm cũng có chuyện lục đục”.
Thầy Nhãn đang lý giải về giò gà cho người đến xem. |
“Khe chân gà hở tơi bời
Tiền vô phút chốc cũng rời tay không
Ngón chân rời rạc thân hình
Thiếu người giúp đỡ, thiếu tình hữu giao”.
Cầm cặp giò gà đi xem đầu năm, chị Nguyệt (H. Quế Sơn) chia sẻ trong lúc ngồi chờ: “Năm nào tôi cũng đi coi để biết đường làm ăn của gia đình. Năm nay coi giò hỏi luôn thầy ngày nào cưới vợ cho con thì tốt”.
Nếu như bói giò gà là một phong tục độc đáo thì hiện nay nhiều người cũng đi xem bói đầu năm nhưng lại tìm đến những thầy bà ứng đồng với những cách bói phù hợp với “thị hiếu” từng người như bói bài, bói hạt đậu, bói chỉ tay...Mục kích những địa điểm xem bói này mới thấy chúng ra đời nhan nhản chỉ vì sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người. Không hiếm những trường hợp vì tin lời thầy bói mà mang họa vào thân.
Một cặp giò gà được xem là “ngà voi”. |
Ngồi trong sân nhà của thầy bói V. (thị trấn Nam Phước, Quảng Nam) là hơn 10 lượt khách. Dù phải đợi lâu nhưng ai cũng cho rằng phải đợi lâu thì mới có lòng thành và thầy xem mới linh (!?). “Thầy” V. chừng 50 tuổi đang cầm một bộ bài chia ra nhiều lá rồi hỏi người xem muốn coi gì. Cô bé nhờ “thầy” xem bói chừng còn là học sinh cấp ba, nhỏ nhẹ: “Dạ, con muốn xem tình duyên”. Nhìn vào lá bài “thầy” phán, cô bé và bạn trai hiện nay rất khắc khẩu, phải qua 3 năm tam tai mới có thể tìm được người tâm đầu ý hợp, nếu cứ tiếp tục cố chấp thì mang đến đau khổ cho cả hai người”. Nghe xong cô bé mặt mày buồn bã đến bàn luận cùng hai người bạn gái đi cùng rồi cả ba ra về. Trước khi đi không quên “kính thầy” 50 ngàn đồng. Khách hàng của “thầy” V. đa phần đều là những bạn trẻ tuổi teen. Nắm được tâm lý giới trẻ, “thầy” V. thường vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp hoặc phán những câu sinh ly tử biệt tùy vào hoàn cảnh của từng cặp đôi. Và dù bói vui hay buồn thì “thầy” vẫn nổi tiếng bói tình yêu trúng “phóc”. Cứ thế, “thầy” vẽ hươu vẽ nai còn người coi bói thì cứ xem những lời phán ấy như định mệnh của mình không thể nào đổi được.
Dao Minh