Báo Công An Đà Nẵng

Xem xét dùng thuốc nổ phá sập các hầm mỏ vàng Bồng Miêu

Thứ tư, 27/12/2017 14:40

Mỏ vàng Bồng Miêu thuộc Cty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu quản lý nay đã đóng cửa, nhưng hiện vẫn có hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh đổ xô đến đây khai thác vàng trái phép. Trước tình trạng phức tạp trên, vừa qua tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX, lãnh đạo tỉnh đã ra “tối hậu thư” yêu cầu địa phương và các ngành chức năng  xử lý dứt điểm “điểm nóng” trên trước ngày 15-1-2018, trong đó có việc xem xét dùng thuốc nổ để phá sập các đường hầm tại đây.

Lực lượng chức năng thường xuyên truy quét nhưng mỏ vàng Bồng Miêu vẫn luôn phức tạp. 

Điểm nóng Bồng Miêu

Ông Nguyễn Thế Vinh- Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh (H. Phú Ninh, Quảng Nam), nơi có mỏ vàng Bồng Miêu cho biết, trước đây diện tích Cty vàng Bồng Miêu được cấp đến 365ha, sau khi nhà máy này đóng cửa có hàng nghìn người dân tập trung về đây để khai thác vàng trái phép. Người dân đến khai thác nhiều nhưng lực lượng địa phương  mỏng nên vấn đề quản lý địa bàn không được chặt chẽ. Bên cạnh đó, các đối tượng dùng hóa chất độc hại đào đãi vàng, gây mất ANTT, rồi tệ nạn ma túy, cướp bóc… khiến tình hình ở khu vực này rất phức tạp. Hầu hết nguồn nước sinh hoạt của địa phương đã bị ô nhiễm do hóa chất ngấm từ sông suối vào.

“Ở vùng vành đai bên ngoài chính quyền và lực lượng chức năng có thể quản lý được phần nào, còn diện tích hàng trăm héc-ta bao gồm cả khu vực hầm lò của mỏ vàng Bồng Miêu thì đành chịu. Địa phương không đủ lực lượng, trang thiết bị để kiểm soát và đẩy đuổi các đối tượng ở khu vực này nên luôn cần lực lượng chức năng của huyện, tỉnh tăng cường truy quét”, ông Vinh nói.

Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX vừa qua, giải trình về vấn nạn trên đang diễn ra tại Bồng Miêu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho biết: “Tình hình ANTT tại khu vực Bồng Miêu rất phức tạp khi có hàng nghìn người từ các nơi tập trung về khai thác vàng trái phép. Tỉnh sẽ xem xét việc dùng thuốc nổ để phá sập hầm, sau khi công bố công khai các nội dung có liên quan”. Cũng theo ông Toàn, quan điểm của tỉnh là đóng cửa mỏ vàng này và sẽ mời các ngành, địa phương liên quan để bàn giải pháp giải quyết căn cơ. Cũng tại kỳ họp này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cũng bày tỏ chia sẻ với những bức xúc của cử tri về tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực giáp ranh của hai huyện Tiên Phước và Phú Ninh, nhất là tại khu vực Bồng Miêu. Đồng thời cho rằng, việc giải quyết tình trạng khai thác vàng trái phép tại Bồng Miêu cần được công khai rộng rãi và tỉnh ra “tối hậu thư” đến hết ngày 15-1-2018 sẽ cho xử lý dứt điểm.

“Các trường hợp có liên quan phải di dời lán trại, thiết bị máy móc ra khỏi địa bàn trước thời điểm tỉnh thành lập đoàn đi kiểm tra, xử lý. Tỉnh làm đúng theo luật và trách nhiệm quản lý địa bàn, không để tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực Bồng Miêu tiếp diễn, kéo dài gây bức xúc trong dư luận, cử tri”, ông Quang thẳng thắn nói.

Các hầm tuyển vàng bằng hóa chất cyanua dọc hai bên bờ sông Quế Phương.

Ô nhiễm sông Quế Phương

Bên cạnh đó, cử tri H. Tiên Phước cũng bức xúc trước các đối tượng vàng ngang nhiên dựng lều trại bên dòng sông Quế Phương trên địa bàn giáp ranh giữa xã Tam Lãnh (H. Phú Ninh) và xã Tiên Lập (H. Tiên Phước) để khai thác vàng trái phép. Ông Lê Trí Hiệu- Phó Chủ tịch UBND H. Tiên Phước cho biết, dòng sông Quế Phương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng do các đối tượng vàng tặc dùng chất độc cyanua để tuyển vàng. Dòng nước sông này ngày càng bị ô nhiễm khiến nhân dân địa phương lo lắng về chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Thời gian qua, H. Tiên Phước tập trung tổ chức nhiều cuộc khảo sát, truy quét các đối tượng làm vàng trái phép tại xã Tiên Lập. Tuy nhiên, do chưa có sự phối hợp đồng bộ với H. Phú Ninh nên việc đẩy đuổi các đối tượng làm vàng trái phép trong khu vực giáp ranh không hiệu quả.

Được biết, tại khu vực này các đối tượng đa số người dân địa phương khai thác vàng chở đất quặng từ mỏ vàng Bồng Miêu đến bờ sông Quế Phương để lấy nước lọc tuyển vàng bằng hóa chất cyanua. Các hồ chứa xái ngâm cyanua để tách lọc vàng đều nằm sát hai bên bờ sông Quế Phương, nước xả thải trực tiếp chảy xuống sông. Từ đầu năm 2017 đến nay, các ngành chức năng của H. Tiên Phước cùng xã Tiên Lập đã tổ chức nhiều đợt truy quét, phá hủy 33 hồ chứa xái, 2 máy nổ, 3 lán trại...

“UBND tỉnh cần chủ trì cuộc họp để hai địa phương Tiên Phước và Phú Ninh cùng ngồi lại, có các giải pháp phối hợp hiệu quả trong việc chấn chỉnh tình trạng khai thác vàng trái phép tại vùng giáp ranh. Chứ để như tình hình hiện nay thì việc sử dụng cyanua tuyển vàng không chỉ gây ô nhiễm môi trường cho riêng địa bàn Tiên Phước mà các địa phương khác cũng sẽ bị ảnh hưởng”, Bí thư Huyện ủy Tiên Phước Phạm Văn Đốc đề xuất.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian đến UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, CA tỉnh tiếp tục chỉ đạo CA Phú Ninh, Tiên Phước tăng cường tuyên truyền và truy quét, kiểm tra xử lý số đối tượng khai thác vàng trái phép khu vực Tam Lãnh - Tiên Lập. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc CA tỉnh tổ chức truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép nhằm ổn định tình hình ANTT và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường tại địa phương.

B.BÌNH