Xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật
Bạn đọc hỏi: Ông Trần Văn A., trú tại TP Đà Nẵng, hỏi: Tôi đã khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế, tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên án. Theo phán quyết của tòa phúc thẩm, tôi không còn quyền kháng cáo, bản án (BA) có hiệu lực ngay khi tuyên án. Tuy nhiên, tôi nhận thấy cả 2 cấp tòa đều không xem xét các chứng cứ tôi cung cấp nên đã ban hành BA không đảm bảo quyền lợi cho tôi. Vậy, tôi có cách nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay không?
Luật sư Phạm Văn Thanh- Phó Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS): BA, quyết định (QĐ) của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Khác với BA và QĐ sơ thẩm, BA và QĐ phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay kể từ ngày tuyên án, các đương sự không có quyền kháng cáo. Do đó, đối với BA phúc thẩm trên, ông A. buộc phải thi hành.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 17 BLTTDS, nếu xét thấy BA, QĐ phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Cụ thể, đối với trường hợp của ông A., trong thời hạn 1 năm kể từ ngày BA phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, ông có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 BLTTDS để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu BA phúc thẩm có một trong các căn cứ sau: kết luận trong BA, QĐ không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra BA, QĐ không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Theo nội dung ông A. trình bày, cả 2 cấp tòa đều không xem xét các chứng cứ ông cung cấp nên đã ban hành BA không đảm bảo quyền lợi cho ông. Đây có thể được xem là căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi kết luận trong BA, QĐ không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 332 BLTTDS, trong quá trình xem xét việc kháng cáo theo thủ tục giám đốc thẩm, người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 BLTTDS còn có quyền hoãn/tạm đình chỉ thi hành BA đã có hiệu lực.
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày tòa án phúc thẩm tuyên án, ông A. có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 BLTTDS để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và đề nghị xem xét việc hoãn/tạm đình chỉ thi hành BA phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật trên.
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn
của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138