Báo Công An Đà Nẵng

Khai mạc kỳ họp thứ 15 - Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng khóa X

Xem xét, thông qua nhiều quyết sách quan trọng với thành phố

Thứ ba, 12/12/2023 06:40
Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển trở thành Trung tâm tài chính qui mô khu vực.

Người dân mong muốn gì?

Mong muốn và kiến nghị của cử tri, nhân dân thành phố đã được UBMTTQVN thành phố tổng hợp, gửi tới Kỳ họp HĐND TP lần này. Theo đó, người dân kiến nghị thành phố có giải pháp để các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay, phát triển kinh tế, góp phần ổn định đời sống, việc làm. Hiện khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn do siết chặt cho vay của các ngân hàng, dòng tiền huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản bị thu hẹp, không có nhiều sản phẩm mới… Điều này ảnh hưởng lớn nguồn cung và thanh khoản của thị trường, làm cho hoạt động kinh doanh bất động sản giảm sâu. Một số dự án nhà ở xã hội thiếu vốn đầu tư, hiện đã đáp ứng đủ điều kiện để được vay theo chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng nhưng việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn. Cử tri đề nghị thành phố xem xét, cân nhắc việc điều chỉnh hệ số giá đất tại các khu công nghiệp trên địa bàn; có chính sách hỗ trợ về hạ tầng để chia sẻ một phần những khó khăn hiện nay doanh nghiệp đang đối mặt… Cần có các giải pháp tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tháo gỡ khó khăn về vốn, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.

Cử tri cũng kiến nghị thành phố có giải pháp xử lý các bất cập trong xây dựng và khớp nối hệ thống hạ tầng đô thị, giải quyết tình trạng ngập úng. Thời gian qua thành phố đã triển khai nhiều dự án lớn về cơ sở hạ tầng, một số công trình đã và đang triển khai như đường 14B, đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, đường La Sơn - Túy Loan, các tuyến đường vành đai, các khu tái định cư… tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch về không gian đô thị, không gian kinh tế, kiến tạo hình ảnh đô thị hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề thiết kế, đánh giá tác động môi trường của một số dự án, công trình nảy sinh những bất cập trong thực tế. Hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ, liên kết yếu, chưa bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và có dấu hiệu quá tải tại các tuyến đường nội thị và huyện Hòa Vang. Từ đó, dẫn đến tình trạng sạt lở, ách tắc nhiều tuyến đường cũng như tình trạng ngập úng nhiều khu vực trên địa bàn. Cử tri đề nghị thành phố tiếp tục kiểm tra toàn bộ và có biện pháp xử lý triệt để tình trạng ngập úng trước dự báo tình hình mưa lớn cục bộ thời gian đến. Trong đó, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thi công đường vành đai phía Tây, vành đai phía Tây 2 có phương án xử lý tình trạng ngập úng cục bộ; kiểm tra, đánh giá, có giải pháp gia cố, chống sạt lở; khảo sát, nghiên cứu đề xuất mở tuyến đường mới; sớm có chủ trương lập dự án bạt đồi núi, hạ thấp cao trình nhằm chống sạt lở; có giải pháp khắc phục chống ngập đồng bộ, hiệu quả tại các khu vực.

Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị thành phố tăng cường giám sát việc giải ngân đầu tư các dự án, có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc kéo dài nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các công trình trọng điểm. Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc về đất đai, tài nguyên… chưa được xử lý dứt điểm, dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, phát sinh vốn, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân đầu tư công. Có những dự án vướng mắc mặt bằng triển khai trên dưới 20 năm vẫn chưa xong, như dự án Trục 1 Tây Bắc quận Liên Chiểu, dự án Làng Đại học quận Ngũ Hành Sơn). Hiện một số khu vực thấp trũng, nhà cửa tạm bợ do vướng quy hoạch hoặc do chưa khớp nối, chưa bàn giao hạ tầng... có nguy cơ mất an toàn về người và tài sản nếu có mưa lũ và bão lớn xảy ra, gây khó khăn, bức xúc trong dân. Tại Hòa Vang, tình trạng nợ đất tái định cư kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết. Nhiều hộ dân đã bàn giao mặt bằng trên 5 năm nhưng đến nay vẫn còn 647 lô chưa có đất tái định cư thực tế để bố trí cho dân làm nhà ổn định cuộc sống. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.

Xem xét các dự án trọng điểm

Bên cạnh việc đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, bàn giải pháp cho năm 2024, tại kỳ họp này HĐND TP cũng xem xét nhiều báo cáo về các dự án lớn, mang tính động lực, lâu dài, tạo đột phá cho thành phố. Cụ thể đó là dự án Khu phi thuế quan, Đề án Trung tâm tài chính quy mô khu vực, các dự án trọng điểm giao thông (Cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, Nâng cấp sân bay Đà Nẵng…). Theo báo cáo của UBND TP, Đề án thành lập Khu phi thuế quan đã được thẩm định với ý kiến 14 bộ ngành, vị trí nghiên cứu bố trí nằm trên các tuyến giao thông liên khu vực kết nối khu logistics, cảng biển, sân bay (nút giao đường Hoàng Văn Thái và tuyến liên khu vực). Vị trí các điểm bố trí đất cho việc phát triển Khu phi thuế quan là các vị trí có đường bao 4 mặt đảm bảo cho yêu cầu là các khu vực hình thành hàng rào cứng và tách biệt với các khu dân cư. Do tính chất nằm tại nút giao của đường Hoàng Văn Thái và tuyến liên khu vực nên được phân bố làm 3 vị trí liền kề, với tổng diện tích hơn 132ha. Trong đó, có khoảng 86,3ha là đất thương mại dịch vụ thuần, còn lại là đất bãi đậu xe, giao thông nội bộ quy định các nút đấu nối, cây xanh. Với 3 vị trí này sẽ được thiết kế thông nhau bởi các đường ngầm dưới lòng đất hoặc cầu vượt để đảm bảo việc xây dựng hàng rào cứng của khu phi thuế quan. Việc thành lập khu phi thuế quan về thương mại dịch vụ (gắn với khu đô thị sườn đồi) sẽ gắn với một số cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực, bước phát triển đột phá cho kinh tế -xã hội của thành phố. Khu phi thuế quan sẽ được thực hiện qua 4 giai đoạn, đến năm 2027 thì hoàn thành, đưa vào khai thác.

Về đề án Trung tâm tài chính quy mô khu vực, Đà Nẵng xác định gồm 3 cấu phần. Đó là Trung tâm tài chính offshore, tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế để thành lập các định chế tài chính và tổ chức thị trường cung cấp các dịch vụ offshore tài chính mang tính tích hợp dịch vụ trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước và khu vực. Trung tâm Fintech sẽ ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù của trung tâm tài chính, kết nối dịch vụ Fintech và tài trợ các startups trong các lĩnh vực kinh doanh khác. Các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong Trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích khác. Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, khi sở hữu vị trí địa lý và khả năng kết nối; nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản, xét về nhiều mặt vượt trội so với các đô thị lớn khác trong cả nước. Ngoài ra, Đà Nẵng được định hướng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, có nền tảng và lợi thế về hạ tầng để hình thành một trung tâm Fintech. Có quỹ đất sạch khá lớn (diện tích 6,17 ha) được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng tốt.

Cử tri kiến nghị thành phố sớm giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, triển khai các công trình, dự án trọng điểm (trong ảnh là dự án Trục I- Tây Bắc).

Nhiều chính sách an sinh đặc thù

Tại Kỳ họp lần này, HĐND TP sẽ xem xét, quyết định nhiều chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính chất đặc thù. Cụ thể như chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn. Chính sách này sẽ thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng lao động là thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, học sinh bỏ học, lao động là người hoạt động mại dâm hoàn lương, lao động trong các hộ thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất, đây được xem là cơ sở quan trọng để thành phố kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu có việc làm cho người dân. Xem xét, sửa đổi, bổ sung chính sách về trợ giúp xã hội theo hướng nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng hỗ trợ với người cao tuổi (từ 75-80 tuổi) không có lương hưu; người mắc bệnh ung thư, suy thận mãn chạy thận nhân tạo có giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền mà không có lương hưu, tiền lương; người khuyết tật nhẹ là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Cũng tại Kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét ban hành chính sách mới thay thế cho các nghị quyết trước đây không còn phù hợp về người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo hướng sắp xếp lại các chức danh và tăng mức hỗ trợ. Tại dự thảo nghị quyết lần này, chính sách của người hoạt động không chuyên trách phường, xã được tăng lên so với trước đây, ngoài mức phụ cấp hàng tháng theo quy định của Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, nguồn ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ chi trả chế độ phụ cấp tăng thêm hàng tháng để bảo đảm tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức phường, xã có cùng trình độ đào tạo. Đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở có vai trò quan trọng, nhiệm vụ, áp lực công việc tăng nhiều nhưng thu nhập không đảm bảo đời sống, việc tăng mức hỗ trợ giúp họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

HẢI QUỲNH