Báo Công An Đà Nẵng

Xét nghiệm là biện pháp chủ đạo để phát hiện ca bệnh trong cộng đồng

Thứ năm, 06/08/2020 07:00

* 43 ca nhiễm mới, trong đó 42 ca liên quan đến Đà Nẵng

* 33 y bác sĩ từ Hải Phòng đã đến Đà Nẵng

Ngày 5-8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã làm việc với Bệnh viện (BV) 199 (Bộ Công an) để nắm tình hình điều trị, theo dõi cách ly, sàng lọc bệnh nhân của Bệnh viện 199.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại BV 199.

Đưa thêm phòng xét nghiệm Realtime – PCR vào hoạt động

Theo Ts.Bs Quách Hữu Trung – Giám đốc BV 199, hiện đơn vị đang thực hiện hai nhiệm vụ đó là giảm tải bệnh nhân từ các bệnh viện trên địa bàn và thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Trong đó, BV đã tiếp nhận 398 bệnh nhân từ các bệnh viện bị phong tỏa chuyển vào, đặc biệt có 34 bệnh nhân chạy thận. BV hiện có 409 bệnh nhân và 167 người nhà thuộc diện (F1). Tổng số bệnh nhân đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là 367 trường hợp, phát hiện 12 ca dương tính với COVID-19 trong đó có 7 bệnh nhân và 5 người nhà; còn lại 42 bệnh nhân, 92 người nhà chưa làm xét nghiệm. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, BV đã triển khai phòng xét nghiệm Realtime - PCR. BV cũng nhận được sự hỗ trợ bổ sung lực lượng y bác sĩ từ các BV khác  và nhiều tình nguyện viên. Hiện các trang thiết bị của BV đã được tập trung và tiếp tục bổ sung.

 Ths.Bs Nguyễn Tiên Hồng – Phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: “Sở Y tế đã đề nghị BV 199 khi nhận bệnh nhân chuyển qua từ BV Đà Nẵng phải bố trí nằm khu vực riêng. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu BV hoàn tất thủ tục cho tất cả những bệnh nhân nhẹ của BV xuất viện, để tiến hành thu dung, điều trị những bệnh nhân của BV Đà Nẵng chuyển qua”. 

Ts.Bs Hoàng Quốc Cường – Phó phân viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, sau 4 ngày làm việc, đơn vị đã hỗ trợ xong tất cả về mặt kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhân sự, trang thiết bị cũng như các sinh phẩm chẩn đoán cho phòng xét nghiệm Realtime PCR tại BV 199. Bắt đầu từ ngày 5-8, phòng xét nghiệm này đã có thể tiến hành nhận các mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo, từ các đơn vị có liên quan. Ts Cường nói: “Hi vọng trong thời gian tới đây sẽ là một phòng xét nghiệm hỗ trợ thêm cho TP Đà Nẵng trong việc chẩn đoán, xét nghiệm Covid-19”.

Theo Ths Nguyễn Trong Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), việc đầu tiên phải làm sau khi “set up” phòng xét nghiệm tại BV 199 là tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà còn lại trong bệnh viện để từ đó có thể đánh giá tình hình cụ thể. “Với 12 ca dương tính như vậy thì chúng ta cũng rất lo. Nếu không khéo có khi lại phát hiện thêm. Nếu chúng ta không cách ly ngay thì cũng là nguy cơ cao”, Ths Khoa nói.

Ths Khoa cho rằng, số bệnh nhân từ BV Đà Nẵng chuyển qua, có rất nhiều bệnh nhân nặng. Vì vậy nếu BV 199 thấy cần hỗ trợ thêm nhân lực về điều trị, đánh giá bệnh nhân cũng như theo dõi bệnh nhân thì cứ đề xuất. Cục có thể điều phối một số cán bộ chuyên môn vào đây để giúp bệnh viện vì số lượng bệnh nhân như thế thì cũng khá lớn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay thì số ca mắc mới chắc chắn sẽ tăng lên. Vì vậy BV  phải luôn trong tâm thế xác định khi bệnh nhân vào viện có thể là Covid-19 dương tính. BV phải hết sức quan tâm đến các quy trình phân luồng, cách ly bệnh viện; triển khai thêm các khu cách ly trên các khoa lâm sàng. Đối với các bệnh nhân hô hấp, khi vào viện thì tiến hành làm các xét nghiệm để chẩn đoán càng sớm càng tốt.

Hiện tại chúng ta có một công cụ rất tốt đó là phòng xét nghiệm Realtime - PCR tại chỗ. Vì vậy, bệnh viện nhanh chóng tiến hành tầm soát SARS-CoV-2 cho tất cả nhân viên, bệnh nhân, và người nhà bệnh nhân đang ở trong khuôn viên bệnh viện. Bệnh viện phải tích cực triển khai ngay từ giờ, để đến ngày 7-8 thì hoàn tất công tác đánh giá. “Nếu âm tính hết thì tốt quá nhưng nếu có trường hợp dương tính thì phải chuẩn bị các phương án để tổ chức cách ly từ hồi sức, từ cấp cứu, từ các khoa phòng nhận bệnh…”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị.

Trong giai đoạn hiện nay tại Đà Nẵng, xét nghiệm là một trong những biện pháp chủ đạo để chúng ta có thể phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng.

Tích cực truy vết

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong giai đoạn hiện nay bên cạnh việc sử dụng những công cụ truy xét các bệnh nhân, người tiếp cận gần (F1) để cách ly thì xét nghiệm là một trong những biện pháp chủ đạo để chúng ta có thể phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng…

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, xét nghiệm SARS-CoV-2 có 2 loại, đó là xét nghiệm Realtime-PCR và xét nghiệm kháng thể. Đối với Đà Nẵng hiện nay 2 loại xét nghiệm này đang rất cần thiết. Thứ nhất, do bệnh dịch đã lây lan tương đối lâu trong cộng đồng nên việc tìm ra những người mang kháng thể rất cần thiết. Bên cạnh đó thì vẫn còn những bệnh nhân nguy cơ, bệnh nhân mới, bệnh nhân tiềm tàng, cần phải sử dụng xét nghiệm Realtime-PCR để phát hiện kịp thời. “Việc xét nghiệm tại TP Đà Nẵng mặc dù UBND TP và Sở Y tế đã tăng công suất lên, đạt được mức từ 8.000 – 10.000 xét nghiệm/ngày. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá vẫn còn những nhu cầu về mặt xét nghiệm nên phải tăng thêm lực lượng xét nghiệm. Việc Viện Pasteur TPHCM đã cử 1 đội, đem máy móc, thiết bị ra hỗ trợ cho BV 199 là rất cần thiết. Bước đầu đã đem lại những kết quả tốt. Tôi hi vọng hệ thống xét nghiệm này tại BV 199 sẽ được tiếp tục đưa vào trong công tác xét nghiệm tìm ra những ca Covid-19 dương tính để phục vụ công cuộc phòng chống dịch của Đà Nẵng”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn cho biết, những ca dương tính ở Đà Nẵng trong đợt này là rất đặc biệt, có rất nhiều bệnh nhân nặng và việc truy vết trong cộng đồng cũng đòi hỏi của sự tham gia của rất nhiều chuyên gia. Vì thế, bên cạnh sử dụng nguồn nhân lực tại thành phố thì rất cần sự chi viện từ Trung ương, từ các bệnh viện bạn đến để tham gia vào công tác hỗ trợ cho điều trị, xây dựng cơ sở để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19… 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, công tác truy vết ở trong cộng đồng, bên cạnh nỗ lực rất lớn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, Bộ Y tế cũng đã cử một đội của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các chuyên gia đến và hỗ trợ cho thành phố trong công tác xây dựng các kế hoạch, phân khu cách ly trong khu dân cư; đồng thời truy vết những trường hợp  nghi ngờ nhiễm Covid-19 tại địa bàn trong cộng đồng… PGS-TS Nguyễn Trường Sơn khẳng định: “Mục tiêu truy vết F0 đầu tiên tại Đà Nẵng hiện không còn là mục tiêu chủ yếu nữa. Mục tiêu của chúng ta giờ là sử dụng xét nghiệm kháng thể phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng. Những trường hợp dương tính kháng thể có nghĩa là những trường hợp đã nhiễm lâu rồi và chúng ta sẽ phải truy vết xung quanh trường hợp đó bằng xét nghiệm RT-PCR để tìm xem quanh đó có những trường hợp nào bị lây nhiễm trong thời gian gần đây hay không”.

Có thể gộp mẫu xét nghiệm

Trước thông tin TP Đà Nẵng sẽ tiến hành áp dụng phương pháp gộp nhóm xét nghiệm Covid-19 tại một số khu vực cộng đồng dân cư, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, có nhiều bài báo trên thế giới đã công bố cách gộp mẫu kiểu gì, như thế nào, đặc biệt cả đối với trong vấn đề của xét nghiệm SARS-CoV-2. Vì vậy, Việt Nam cũng đã có những chuẩn bị bước đầu cho tình huống sắp tới nếu như chúng ta xét phải nghiệm quá nhiều. “Chúng ta cần phải có chính sách, chiến lược xét nghiệm để đảm bảo, thứ nhất vẫn là chất lượng của xét nghiệm đặt lên hàng đầu, tiếp đến là độ tin cậy, chính xác, tức là chất lượng của xét nghiệm. Thứ hai là đảm bảo tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm về sinh phẩm hóa chất, tiết kiệm tất cả các vật tư tiêu hao cũng như là nguồn dự trữ để chúng ta có thể làm việc lâu dài, nên việc gộp mẫu cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên, chúng ta gộp như thế nào và cách tiến hành với những đối tượng nào, những đối tượng nào có thể gộp được. Vấn đề này cũng đang được xây dựng một quy trình để chúng ta có thể thực hiện một cách sớm nhất”, Ts Mai nói.

Ts Mai cho biết thêm: Thật ra chúng tôi cũng đã có thử nghiệm rồi. Qua thử nghiệm chúng tôi nhận thấy, kết quả của việc gộp mẫu xét nghiệm và xét nghiệm đơn lẻ hầu như không có sự khác biệt. Chỉ có khác biệt về vấn đề thời gian. “Ví dụ như gộp thì chắc chắn phải thực hiện việc gộp các mẫu lại, điều này sẽ mất một thời gian dài. Và nếu trường hợp số mẫu gộp mà dương tính thì chúng ta lại phải quá mất thời gian để tách rời mẫu đó ra. Đó là vấn đề thời gian còn đến giờ phút này thì cũng chưa có cái nói là sai lệch giữa 2 phương pháp gộp và đơn lẻ”, Ts Mai chia sẻ.

Theo PGS.TS Mai, bất kỳ một chiến lược nào thì cũng cần phải suy xét từng điều kiện mới tiến hành thực hiện. Với Đà Nẵng thì tùy đối tượng mà làm việc đó. Nếu trường hợp ở cộng đồng chẳng hạn thì có thể áp dụng, với những trường hợp bệnh nhân nghi ngờ cần thiết phải cách ly thì không nên, cần phải làm từng mẫu. Khi làm gộp thì chúng ta phải chia rõ ràng đối tượng nào và áp dụng như thế nào thì bắt buộc phải có…

Liên quan đến vấn đề Đà Nẵng triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, PGS Mai cho rằng đó là xu thế chung rồi. “Trên thế giới người ta cũng đã triển khai việc xét nghiệm trên diện rộng. Việc xét nghiệm rộng nhằm kịp thời phát hiện ca nhiễm sớm nhất để tổ chức cách ly, cũng như tìm ra kháng thể để xem xét dịch trong cộng đồng như thế nào. Vấn đề xét nghiệm diện rộng tôi nghĩ là chủ trương đúng, rất nhiều nơi trên thế giới người ta đã áp dụng chứ không chỉ riêng gì trên địa bàn Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trương Sơn nhấn mạnh: Hi vọng trong thời gian Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, với sự nỗ lực của chính quyền TP Đà Nẵng, của ngành y tế, của các lực lượng Công an, Quân đội… thì chúng ta sẽ làm giảm bớt được số ca mắc mới trên địa bàn Đà Nẵng. Tôi hi vọng đến 14 ngày thì chúng ta có thể kiểm soát được và thành phố sẽ có những bước chuyển có thể từ Chỉ thị 16 qua Chỉ thị 19 của Chính phủ trong tình thế hiện nay.

LÊ HÙNG

43 ca nhiễm mới, trong đó 42 ca liên quan đến Đà Nẵng

Ngày 5-8, Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết đã ghi nhận thêm 43 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 34 ca tại Đà Nẵng, 4 ca tại Lạng Sơn, 2 ca tại Bắc Giang, 2 Quảng Nam, 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tính đến 18 giờ ngày 5-8, Việt Nam có tổng cộng 713 ca mắc Covid-19, trong đó 309 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25-7 đến nay: 264 ca.Theo Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày có 3 bệnh nhân được công bố khỏi. Như vậy, đến thời điểm này đã có 381/713 ca bệnh Covid-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm tổng số ca bệnh Covid-19 trong cả nước. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Tính đến chiều 5-8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế, hiện có 33 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 253 bệnh nhân dương tính với virus gây Covid-19. Số trường hợp tử vong: 8 ca.

Dự kiến, Bệnh viện C Đà Nẵng mở cửa vào ngày 7-8

Liên quan đến vấn đề làm sạch 3 bệnh viện (BV Đà Nẵng, BV C Đà Nẵng, BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng) đang bị phong tỏa, ngày 5-8, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau khi làm sạch bệnh viện xong, chúng ta phải làm sao đảm bảo đó là nơi an toàn để cho người bệnh đến khám chữa bệnh và điều trị. “Từng bệnh viện sẽ được đánh giá về chỉ số an toàn, về bộ tiêu chí an toàn bệnh viện trong dịch Covid-19 mà Bộ Y tế đã ban hành. Sau đó đề nghị phải xây dựng những quy trình phân luồng bệnh nhân, kiểm soát chặt chẽ tất cả các bệnh nhân mà có triệu chứng hô hấp để không thể lây bệnh nhân Covid-19 vào trong bệnh viện...  Theo PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, thời gian mở cửa lại của BV C Đà Nẵng (Bộ Y tế) sẽ là 7-8 nếu đáp ứng yêu cầu. Riêng BV Đà Nẵng và BV Chỉnh hình – Phục hồi chức năng thuộc thẩm quyền của thành phố nên thành phố sẽ xem xét…

Triển khai phương án xét nghiệm diện rộng

Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, ngày 5-8, trên địa bàn TP Đà Nẵng ghi nhận 34 ca dương tính SARS-CoV-2. Tính đến 18 giờ ngày 5-8, Đà Nẵng ghi nhận 193 ca, trong đó có 7 ca tử vong. Hiện các BV trên địa bàn Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam đang điều trị cho 186 bệnh nhân. Tính từ ngày 25-7 đến chiều 5-8, đã xác định được 8.656 đối tượng F1, 6.512 đối tượng F2 liên quan đến các trường hợp nhiễm SAR-CoV-2. Đang cách ly 4.241 trường hợp F1 tại các cơ sở y tế; 4.315 trường hợp F1 tại khu cách ly tập trung; 100 trường hợp F1 cách ly tại nhà; 562 trường hợp nhập cảnh. Từ 25-7 đến 4-8 đã thực hiện lấy 22.670 mẫu, trong đó 21.101 mẫu có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. CDC Đà Nẵng và các đơn vị xét nghiệm tiếp tục thực hiện xét nghiệm đối với các mẫu còn lại.

Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, CDC Đà Nẵng triển khai phương án tổ chức xét nghiệm SAR- CoV-2 diện rộng.

Khử khuẩn, tẩy độc tại 26 khu vực

UBND TP Đà Nẵng cho biết đang phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tiến hành khử khuẩn, tẩy độc và xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao, không để cho dịch Covid-19 lây lan, bùng phát trên diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất lây nhiễm chéo trong cộng đồng trên địa bàn thành phố. Thời gian tiến hành từ ngày 5-8, địa điểm bao gồm: Q.Hải Châu (4 khu vực), H.Hòa Vang (3 khu vực), Q.Ngũ Hành Sơn (5 khu vực), Q. Cẩm Lệ (4 khu vực), Q.Thanh Khê (2 khu vực), Q.Liên Chiểu (8 khu vực). UBND TP tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố tiếp tục thiết lập thêm 4 cơ sở cách ly tập trung tại: Khách sạn Prague Hotel; Khách sạn Bay Sydney; Khách sạn Maison Phuong Hotel & Apartment; Khách sạn OrchiDées.

LÊ HÙNG

Nhiều ca nhiễm Covid-19 tại BVT.Ư Huế diễn tiến bệnh xấu

TT-HUẾ- Ngày 5-8, Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh đã lên phương án giảm tải cho Bệnh viện (BV) T.Ư Huế trong cách ly, điều trị những trường hợp liên quan đến dịch Covid-19. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các trường hợp test nhanh dương tính với Covid-19 thì tạm cách ly tại trung tâm y tế cấp huyện và khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm PCR. Những trường hợp này nếu xét nghiệm PCR dương tính thì chuyển đến BVT.Ư Huế cơ sở 2 để điều trị. Hiện, có 20 ca mắc Covid-19 đang được điều trị tại BVT.Ư cơ sở 2. Tất cả những bệnh nhân (BN) này đều chuyển đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam. Trong số những BN trên, nhiều người diễn tiến bệnh xấu do các bệnh lý nền nặng. Cụ thể, hiện có 5 ca bệnh phải thở máy, 2 ca phải dùng tim, phổi nhân tạo (ECMO), 3 ca lọc máu liên tục, 9 ca chạy thận kèm bệnh lý nền rất nặng như suy tim, thiếu máu, tăng huyết áp, đái tháo đường... Ngoài ra, nhiều BN cũng bị bệnh ung thư giai đoạn cuối kháng trị mắc SASR-CoV-2.

Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cũng yêu cầu tất cả các công dân đến từ Đà Nẵng và Quảng Nam, Quảng Ngãi phải cách ly tại các khu cách ly tập trung, xét nghiệm nhanh và được giám sát dịch tễ. Bên cạnh đó, phải có phương án để không bỏ sót các trường hợp người đã đến vùng dịch rồi đi các tỉnh thành khác mới trở về Huế. “Các đối tượng này không được cách ly tại nhà. Địa phương nào để các đối tượng đi về từ vùng dịch cách ly tại nhà, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm”- ông Thọ nhấn mạnh. Đến nay, tổng số người từ vùng dịch trở về địa bàn TT-Huế chưa qua 14 ngày là 22.866 người. Hiện tỉnh đã thực hiện xét nghiệm 21.156 mẫu, trong đó đã có kết quả 14.732 mẫu, tất cả đều âm tính.

H.LAN

>>Thêm 4 ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng

>>Đà Nẵng cách ly đối với Trung tâm Y tế Q.Hải Châu

>>Lịch trình, sinh hoạt của 20/23 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Đà Nẵng được công bố vào ngày 4-8