Báo Công An Đà Nẵng

Xét xử hai nguyên lãnh đạo TP Đà Nẵng: Viện Kiểm sát đề nghị thu hồi tài sản về cho Nhà nước

Thứ tư, 08/01/2020 09:18

Ngày 7-1, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và đồng phạm về các tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục kê biên nhiều nhà đất, để đảm bảo thi hành án, thu hồi triệt để tài sản về cho Nhà nước. Đồng thời, các hướng xử lý dân sự cũng nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của bên thứ ba.

Các bị cáo nghe Viện kiểm sát đề nghị mức án.

Cụ thể, đối với 11 nhà đất là tài sản của Nhà nước bị các đối tượng phạm tội dịch chuyển trái pháp luật bằng các quyết định hành chính, hợp đồng chuyển nhượng trái pháp luật, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên theo hướng: Giao cho UBND TP Đà Nẵng hủy bỏ các quyết định trái pháp luật; hợp đồng mua bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật; hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà liên quan đến 11 nhà đất này để thu hồi, xử lý theo quy định pháp luật.

Đối với 2 nhà, đất có liên quan: số 17 Lê Duẩn và số 86 Bạch Đằng, Viện Kiểm sát nêu quan điểm, đây là các nhà đất công sản, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có lệnh kê biên tài sản để thu hồi tài sản cho Nhà nước. Do vậy, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên tiếp tục kê biên để bảo đảm thi hành án.

Riêng với Dự án 29 ha thuộc Dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê và phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Một thành viên Phát triển nhà Đa Phước cho ông Võ Ngọc Châu và ông Võ Ngọc Châu đã chuyển khoản thanh toán tiền vào tài khoản của Công ty Cổ phần Xây dựng 79 của bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Viện Kiểm sát cho rằng, việc chuyển nhượng phần góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với diện tích 29 ha nêu trên giữa bị cáo Phan Văn Anh Vũ và ông Võ Ngọc Châu là không ngay tình vì tại thời điểm UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định giao quyền sử dụng đất phần diện tích 29 ha cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ, giá trị quyền sử dụng đất nêu trên là hơn 4.788 tỷ đồng, trong khi bị cáo Phan Văn Anh Vũ chỉ phải nộp số tiền 87 tỷ đồng vào ngân sách thành phố Đà Nẵng. Do vậy, để bảo đảm thu hồi tài sản cho Nhà nước đề nghị Hội đồng xét xử tuyên theo hướng: Giao UBND thành phố Đà Nẵng hủy bỏ các Quyết định trái pháp luật liên quan đến việc giao quyền sử dụng đất phần diện tích 29 ha để thu hồi diện tích đất đã giao trái pháp luật, bảo đảm thu hồi tài sản cho Nhà nước. Đồng thời, UBND thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của ông Võ Ngọc Châu và 189 khách hàng đã mua, nhận chuyển nhượng 189 lô đất biệt thự, diện tích 16.630m2 liên quan đến dự án theo quy định của Luật Đất đai.

Về 5 nhà đất liên quan đến bên thứ ba gồm: Số 158 Bạch Đằng, 106 Trần Phú, 36, 38 Bạch Đằng và 38 Bạch Đằng mở rộng, 121 Phan Châu Trinh, 57 Lê Duẩn, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, giao UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích của bên thứ ba.

Đối với các khu đất ký hiệu A2, A4, A6, A8 thuộc Khu phức hợp đô thị, thương mại và dịch vụ cao tầng tại phường Nại Hiên Đông và phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng (Dự án Habour Ville), sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã bán chuyển nhượng 525/527 lô đất cho các cá nhân, tổ chức thu được tổng giá trị là gần 417 tỷ đồng. Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 2.853 tỷ đồng.

Về hai lô đất còn lại do bị cáo Phan Văn Anh Vũ đứng tên đã bị Cơ quan điều tra kê biên và định giá hơn 10,6 tỷ đồng, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên giao UBND thành phố Đà Nẵng hủy bỏ các quyết định trái pháp luật liên quan đến dự án, ra quyết định thu hồi.

Tại Dự án An cư 2 và An Cư 3 mở rộng, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã bán chuyển nhượng toàn bộ cho các cá nhân khác, do vậy, không có căn cứ để thu hồi dự án. Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 2.873 tỷ đồng, giao UBND thành phố Đà Nẵng hủy bỏ các quyết định trái pháp luật liên quan đến dự án.

Xét Dự án 3,77 ha hiện vẫn đang đứng tên Công ty TNHH I.V.C, đã được kê biên để thu hồi tài sản cho Nhà nước, Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên theo hướng: Giao UBND thành phố Đà Nẵng hủy bỏ các quyết định trái pháp luật liên quan đến dự án để thu hồi 30.000m2 thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn để trả lại Nhà nước.

Đối với các nhà đất công sản, dự án gồm: Nhà đất 319 Lê Duẩn, nhà đất số 16 Bạch Đằng, khu đất tại đường Ngô Quyền (Công viên An Đồn cũ), dự án tại Vệt du lịch ven biển từ Vegas Resort đến Khu du lịch Bến Thành Non Nước, đã được kê biên trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Bản án số 346/2019/HS-PT ngày 13-6-2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên: Thu hồi giao cho UBND thành phố Đà Nẵng xử lý để thu hồi tài sản cho Nhà nước nên không đề cập xem xét giải quyết tại vụ án này.

Với 3 Dự án Khu dịch vụ du lịch Nhà hàng-cà phê-bar và bến du thuyền tại bờ Tây sông Hàn, khu đất mặt tiền đường 2/9 - Phan Thành Tài và Dự án Khu biệt thự sinh thái ven sông Cẩm Lệ, các công ty của Phan Văn Anh Vũ chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa được bàn giao đất nên Viện Kiểm sát không đề cập xem xét trách nhiệm của các bị cáo tại 3 dự án này.

Về 32 tài sản, bất động sản khác đứng tên bị cáo Phan Văn Anh Vũ và vợ là Nguyễn Thị Thu Hiền, Cơ quan điều tra đã quyết định kê biên, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án. Hai khoản tiền gồm: 1 tỷ đồng của gia đình bị can Nguyễn Điểu và số tiền 2.350.000.000 đồng của gia đình bị cáo Đào Tấn Bằng nộp trong quá trình điều tra vụ án, đề nghị Tòa án xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Viện Kiểm sát cũng nêu rõ, đối với 2 ngôi nhà số 20 Bạch Đằng, 34 Hoàng Văn Thụ hiện đứng tên Phan Anh Hạnh Trinh (em gái bị cáo Phan Văn Anh Vũ), hiện đã được kê biên, vì vậy Viện Kiểm sát đề nghị Tòa án xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

TTXVN

Đề nghị mức án đối với các bị cáo

Sáng 7-1, VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án đối với nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trần Văn Minh là 17-18 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; từ 8-9 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Tổng hợp hình phạt chung về 2 tội đối với bị cáo Trần Văn Minh là từ 25 - 27 năm tù.

Mức án đề nghị đối với nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Văn Hữu Chiến là 13-14 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; từ 5 - 6 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Tổng hợp hình phạt chung về 2 tội đối với bị cáo Văn Hữu Chiến là từ 18 - 20 năm tù.

Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79) bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 17 đến 18 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; từ 8 đến 9 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Tổng hợp hình phạt chung về 2 tội đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ là từ 25 năm tù đến 27 năm tù.

4 bị cáo còn lại bị truy tố về cả 2 tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” bị Viện Kiểm sát đề nghị tổng hợp các mức án là: Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) từ 10 năm tù đến 12 năm tù, Phan Xuân Ít (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng) từ 14 đến 16 năm tù, Nguyễn Quang Thành (nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Hưng Phát) và Phan Minh Cương (nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn I.V.C, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 79) cùng bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 7 đến 9 năm tù.

7 bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", các mức án đề nghị như sau: Nguyễn Thanh Sang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng) từ 8 đến 9 năm tù; Nguyễn Thị Thu Hà (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng) từ 7 đến 8 năm tù; Nguyễn Công Lang (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng) từ 9 đến 10 năm tù. 4 bị cáo: Huỳnh Tấn Lộc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ phẩm Đà Nẵng); Phan Ngọc Thạch (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Đà Nẵng); Trần Phi (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đà Nẵng) và Lê Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Đà Nẵng) cùng bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án là từ 2 đến 3 năm tù.

7 bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" bị Viện Kiểm sát đề nghị các mức án như sau: Nguyễn Điểu (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng) từ 5 đến 6 năm tù; ba bị cáo: Trần Văn Toán (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng), Nguyễn Đình Thống (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng), Lê Cảnh Dương (nguyên Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng) cùng bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 4 đến 5 năm tù; ba bị cáo: Nguyễn Văn Cán (nguyên Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng), Đào Tấn Bằng (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng), Nguyễn Viết Vĩnh (nguyên chuyên viên, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị thuộc Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Cảng vụ năm tù đường thủy nội địa, Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng) cùng bị đề nghị từ 3 đến 4 năm tù.

TTXVN