Báo Công An Đà Nẵng

Xét xử phúc thẩm Hà Văn Thắm và đồng phạm: Hà Văn Thắm xin giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo

Thứ sáu, 20/04/2018 07:00

Tiếp tục Phiên xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT)  Ngân hàng Đại Dương- OceanBank) cùng các đồng phạm xảy ra tại OceanBank, sáng 19-4, HĐXX phúc thẩm bắt đầu phần xét hỏi các bị cáo và các bên liên quan.

Quang cảnh phiên tòa.

Khi được xét hỏi liên quan đến hành vi "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", các bị cáo là nguyên lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch (PGD) của OceanBank xin miễn xử lý trách nhiệm hình sự, giảm hình phạt đều lấy lý do họ là những người làm công ăn lương, chỉ làm theo sự chỉ đạo của lãnh đạo ngân hàng, không được hưởng lợi từ việc chi lãi ngoài. Trong đó, các bị cáo như: Trịnh Xuân Hà (nguyên Giám đốc PGD Long Biên), Nguyễn Phan Trung Kiên (nguyên Giám đốc PGD Đông Đô, Nguyễn Thị Loan (nguyên Giám đốc PGD Trung Yên), Trần Anh Thiết (nguyên Giám đốc PGD Hà Nội)... là những người đã khắc phục toàn bộ số tiền vi phạm. Bên cạnh đó, nhiều bị cáo thừa nhận, biết quy định của Thông tư số 02/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam và cho rằng hành vi chi lãi ngoài vượt trần chỉ bị xử lý về hành chính, các bị cáo bị xử lý hình sự là hình phạt quá nặng, đề nghị Tòa phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội.

Tuy nhiên, bị cáo Hà Văn Thắm lại xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các nữ phó giám đốc, giám đốc khối và kế toán trưởng của Hội sở  OceanBank vì cho rằng, xét về hành vi giúp sức, những người này còn "ít đồng phạm" hơn vai trò của các giám đốc chi nhánh, PGD. Theo bị cáo Thắm, HĐXX sơ thẩm đã rất nhân văn khi đã xử 34 giám đốc chi nhánh, khối kinh doanh không phải chịu án tù giam, tuy nhiên các nữ phó giám đốc, giám đốc khối và kế toán trưởng sẽ thấy "tủi thân" khi bị xử nặng hơn. Từ đó, bị cáo Thắm xin giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo này.

Cũng tại phiên phúc thẩm, một số bị cáo vẫn thắc mắc: Từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự năm 1999 hết hiệu lực; đồng thời, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi năm 2017 có hiệu lực thi hành. Theo đó, tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" sẽ không còn tuy nhiên các bị cáo vẫn bị truy tố, xét xử về tội danh trên.

Giải thích về vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát cấp cao cho biết: Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong giai đoạn 2011 - 2014, khi đó Bộ luật Hình sự năm 1999 đang có hiệu lực. Thời điểm điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo có thêm Bộ luật Hình sự năm 2015, sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017. Thời điểm xét xử các bị cáo tại phiên tòa, hành vi của các bị cáo thực hiện trước năm 2015; do vậy, khi áp dụng Luật, các cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng 3 Bộ luật Hình sự 1999, 2015 và 2017. Việc truy tố, xét xử các bị cáo theo điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 là hoàn toàn chính xác, đúng quy định theo Nghị quyết 41/2017/QH14 của Quốc hội.

TTXVN