Báo Công An Đà Nẵng

Xét xử phúc thẩm vụ án tại PVC: Làm rõ vai trò của ông Phùng Đình Thực

Thứ tư, 09/05/2018 07:40

Chiều 8-5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Cty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC. Hội đồng xét xử chủ yếu xét hỏi liên quan đến vai trò của bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN) trong vụ án.

Ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN, trả lời Hội đồng xét xử.

Trước đó, bị cáo Phùng Đình Thực bị tuyên 9 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bản án sơ thẩm nhận định, với cương vị là Tổng giám đốc PVN, mặc dù biết rõ PVC không đủ năng lực và kinh nghiệm nhưng bị cáo vẫn thực hiện sự chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng, chỉ đạo cấp dưới ký Hợp đồng EPC trái quy định; sau đó tạm ứng cho PVC trái quy định.

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Thực cho rằng, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo không chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định; đồng thời cũng không chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng. 

Theo bị cáo Thực, bản án sơ thẩm chưa xem xét bối cảnh là khi đó PVN là tập đoàn lớn, hoạt động đầu tư trên nhiều lĩnh vực, tập đoàn có hàng trăm dự án lớn nhỏ, trong đó có nhiều dự án trọng điểm. Trong bối cảnh đó, với vai trò là Tổng Giám đốc PVN, bị cáo còn quản lý nhiều dự án khác. Với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo đã phân công cho Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Khánh chủ trì chính, giao Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn phụ trách về tài chính. Với nhiệm vụ được phân công, các Phó Tổng Giám đốc được phép sử dụng ủy quyền của Tổng Giám đốc để giải quyết tất cả các công việc liên quan, chủ động hoàn toàn, chỉ phải báo cáo Tổng Giám đốc khi có sự việc phức tạp vướng mắc. Bên cạnh đó, vào thời điểm năm 2011, với khối lượng công việc hàng nghìn văn bản/ngày, thì theo quy chế văn thư của PVN, Chánh Văn phòng được chuyển trực tiếp đến các Phó Giám đốc các văn bản thuộc lĩnh vực phụ trách để trực tiếp xử lý.

Theo bị cáo Thực, bản án sơ thẩm chưa xem xét vấn đề này nên quy kết trách nhiệm cho bị cáo quá nặng với vai trò Tổng Giám đốc PVN. Bị cáo Thực cho rằng, nếu có sai phạm mà các Phó Tổng Giám đốc không báo cáo thì phải là người trực tiếp phải chịu trách nhiệm. Bị cáo Thực nhận trách nhiệm của mình với vai trò người quản lý khi đơn vị có vi phạm, tuy nhiên trách nhiệm đến đâu thì mong Hội đồng xét xử xem xét. Bị cáo tiếp tục nhấn mạnh mình không có hành vi cố ý làm trái quy định pháp luật về quản lý kinh tế.

Khi Chủ tọa đặt câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm chính về sai phạm tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Thực cho biết, về các cuộc họp liên quan đến dự án này, nếu họp Hội đồng Quản trị PVN, bị cáo Đinh La Thăng chủ trì; nếu Ban Giám đốc họp, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh chủ trì. Bị cáo Thực nói mình chỉ tham dự 1 cuộc họp duy nhất vào ngày 31-3-2011 liên quan dự án nhiệt điện Thái Bình 2 dưới sự chủ trì của bị cáo Đinh La Thăng. Các cuộc họp khác bị cáo không tham gia nên không nắm được tinh thần.

Khi Chủ tọa xét hỏi về cuộc họp ngày 31-3-2011, bị cáo Đinh La Thăng cho biết mình có tham gia và chủ trì cuộc họp này. Bị cáo Thăng xác nhận, cuộc họp này có rất nhiều nội dung nhưng không có nội dung về tính pháp lý của Hợp đồng EPC số 33. Chủ tọa đặt câu hỏi: Vì sao không bàn nội dung này nhưng trong thông báo kết luận cuộc họp lại kết luận cần rà soát lại hợp đồng và hoàn thiện các hồ sơ. Bị cáo Thăng cho biết, bị cáo quyết định chuyển chủ đầu tư dự án từ PVPower lên Tập đoàn PVN nên bị cáo yêu cầu phải rà soát hợp đồng cũ và ký hợp đồng mới vì có sự thay đổi nhà đầu tư, chứ hoàn toàn không phải vì biết Hợp đồng EPC số 33 có sai phạm nên phải ký lại.

P.V