Xét xử phúc thẩm vụ án thâu tóm nhà, đất công sản tại Đà Nẵng
Ngày 4-5, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hai nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và bị cáo Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ “nhôm”, nguyên Chủ tịch Công ty Bắc Nam 79) cùng đồng phạm trong vụ án thâu tóm nhà, đất công sản tại Đà Nẵng.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
20 bị cáo làm đơn kháng cáo
Dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ 6 - 8 ngày, phiên tòa xét xử phúc thẩm do Thẩm phán Ngô Anh Dũng - Chánh tòa chuyên trách, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội làm chủ tọa. Trong vụ án này, 21 bị cáo bị kết án về các tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Cụ thể, trừ bị cáo Nguyễn Văn Cán (nguyên Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) được miễn trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, 20 bị cáo còn lại trong vụ án đều làm đơn kháng cáo.
Nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại phần hình phạt và phần trách nhiệm dân sự. Trước đó, bản án sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Văn Hữu Chiến 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; 3 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Tổng hợp hình phạt chung về hai tội đối với bị cáo Văn Hữu Chiến là 12 năm tù.
Trong đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) kêu oan và nói mình làm đúng theo chủ trương của thành phố. Trước đó, bị cáo Trần Văn Minh bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Tổng hợp hình phạt chung về cả hai tội là 17 năm tù.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79) có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo này 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 8 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ là 25 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước đó, Phan Văn Anh Vũ phải chịu hình phạt là 30 năm tù.
Các bị cáo còn lại làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho rằng mình không phạm tội, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Trước đó, trong các ngày từ 2 đến 13-1-2020, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Bản án sơ thẩm nêu rõ, trong thời gian từ năm 2006-2014, bị cáo Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2006 - 2011) và bị cáo Văn Hữu Chiến (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014) là những người đứng đầu, có trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Tuy nhiên, các bị cáo Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã có hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các quy định về quản lý đất đai như: đồng ý chủ trương, ký ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc giao đất, thu hồi, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng nhà, đất công sản trên địa bàn Đà Nẵng; giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật đối với nhiều nhà, đất công sản và các dự án đầu tư xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ trục lợi cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng các nhà đất công sản trong các dự án này. Trong số 21 bị cáo, bị cáo Phan Văn Anh Vũ là người giữ vai trò đặc biệt trong vụ án và được hưởng lợi đặc biệt lớn.
Phan Văn Anh Vũ: “Bị cáo không phạm tội”
Trong phiên chiều 4-5, khi Hội đồng xét xử phúc thẩm xét hỏi về nội dung kháng cáo, tất cả các bị cáo đều giữ nguyên nội dung kháng cáo và bổ sung thêm một số chứng cứ mong Tòa phúc thẩm xem xét. Trong đó, nhiều bị cáo kêu oan, nói mình không phạm tội như Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt.
Bị cáo Trần Văn Minh không rút đơn kháng cáo kêu oan và cho biết bị cáo đã nộp cho Tòa phúc thẩm một số chứng cứ để Hội đồng xét xử làm rõ thêm. Bị cáo Văn Hữu Chiến vẫn giữ nguyên kháng cáo kêu oan đối với cả hai tội danh.
Khi Tòa hỏi về việc giữ nguyên hay thay đổi nội dung kháng cáo, bị cáo Phan Văn Anh Vũ nói ngắn gọn: “Bị cáo không phạm tội”. Bị cáo Vũ giữ nguyên đơn kháng cáo kêu oan.
Trong vụ án này 21 bị cáo bị kết án về các tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Trừ bị cáo Nguyễn Văn Cán, 20 bị cáo còn lại trong vụ án đều làm đơn kháng cáo.
Trong đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Văn Minh kêu oan và nói mình làm đúng theo chủ trương của thành phố.
Bị cáo Văn Hữu Chiến có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại phần hình phạt và phần trách nhiệm dân sự.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Các bị cáo còn lại làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho rằng mình không phạm tội, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Nhiều nội dung kháng cáo dân sự
Tại phiên xét xử phúc thẩm, ngoài xét kháng cáo của 20 bị cáo, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cũng xét kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án thâu tóm “đất vàng” tại Đà Nẵng. Cụ thể, theo đơn kháng cáo của bà Phan Anh Hạnh Trinh (em gái của bị cáo Phan Văn Anh Vũ), việc mua bán giữa Công ty IVC và Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng xuất phát từ yêu cầu của Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng nên các bên mới thỏa thuận để đi đến ký kết Hợp đồng kinh tế số 01-09/HĐKT ngày 22-1-2009, không phải là Phan Văn Anh Vũ đã thỏa thuận để Vũ mua nhà đất 34 Hoàng Văn Thụ theo hình thức chỉ định không qua đấu giá như cáo trạng nêu.
Theo đơn kháng cáo của bà Trinh, căn cứ vào các điều khoản đã thỏa thuận tại hợp đồng kinh tế giữa hai công ty cùng với Quyết định số 3841/QĐ-UBND ngày 23-5-2009 của UBND TP Đà Nẵng về việc phê duyệt giá bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ngôi nhà số 34 Hoàng Văn Thụ, thì việc Phan Văn Anh Vũ chuyển 2,5 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng để nộp tiền đặt cọc theo ủy nhiệm chi là phù hợp với quy định pháp luật.
Sau đó, UBND TP Đà Nẵng có quyết định cho phép bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại số 34 Hoàng Văn Thụ thì Công ty IVC đã chuyển tiếp hơn 8,8 tỷ đồng bằng ủy nhiệm chi vào tài khoản Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng. Như vậy, theo bà Trinh, việc Công ty IVC và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng thực hiện giao dịch mua bán nhà đất số 34 Hoàng Văn Thụ là không trái pháp luật. Ngoài ra, bà Trinh cũng trình bày trong đơn kháng cáo rằng Công ty IVC đã chuyển nhượng nhà, đất số 34 Hoàng Văn Thụ cho bà Trinh theo đúng quy định pháp luật và tài sản này không thuộc sự quản lý của Công ty IVC.
Với những lý do trên, bà Trinh đề nghị cấp phúc thẩm xem xét và tuyên hủy lệnh kê biên đối với tài sản là nhà, đất số 34 Hoàng Văn Thụ.
Liên quan đến nhà, đất số 20 Bạch Đằng, cũng tại đơn kháng cáo, bà Phan Anh Hạnh Trinh cho rằng giao dịch mua bán nhà, đất nêu trên giữa Công ty Cổ phần Cung ứng tàu biển Đà Nẵng và Nguyễn Quang Thành (cựu Giám đốc Công ty Minh Hưng Phát) là hợp pháp. Vì vậy, bà Trinh tiếp tục đề nghị hội đồng phúc thẩm xem xét để đảm bảo quyền lợi cho bà liên quan việc cơ quan điều tra kê biên tài sản nhà, đất số 20 Bạch Đằng, tòa án cấp sơ thẩm tuyên thu hồi.
Với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ của bị cáo Phan Văn Anh Vũ) có đơn kháng cáo đề nghị xem xét và tuyên hủy lệnh kê biên đối với tài sản là nhà, đất tại số 22 Cô Giang. Theo nội dung trình bày trong đơn kháng cáo, bà Hiền mua nhà đất số 22 Cô Giang bằng hình thức đấu giá trên phương tiện thông tin đại chúng theo đúng trình tự thủ tục pháp luật, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo đúng quy định pháp luật.
Trong vụ án này, ngoài vợ và em gái của bị cáo Phan Văn Anh Vũ kháng cáo, Công ty Cổ phần Đầu tư Nhất Gia Phúc cũng có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm; Công ty IVC, Công ty Phú Gia Compound, Công ty Phát triển nhà Đa Phước cũng có đơn kháng cáo. Trong đó, Công ty Phát triển nhà Đa Phước kháng cáo về việc tòa án cấp sơ thẩm ra Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm theo hướng bất lợi cho phía công ty. Cụ thể, theo phía Công ty Phát triển nhà Đa Phước, diện tích khu đất 29ha đã được UBND TP Đà Nẵng chuyển giao cho Công ty Xây dựng 79. Sau đó, Công ty Xây dựng 79 chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Đa Phước theo đúng trình tự thủ tục được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận.
QUỲNH NHƯ - XUÂN TÙNG
>> Truy tố các bị can trong vụ bán đất công sản tại Đà Nẵng liên quan Vũ nhôm
>> Kháng nghị giám đốc thẩm vụ Vũ 'nhôm' thâu tóm đất công sản
>> Đồng phạm khai cách Vũ ‘Nhôm’ thâu tóm đất công