Báo Công An Đà Nẵng

Xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn V ạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB

Thứ tư, 06/03/2024 08:00
Bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại phiên xét xử sáng 5-3.

Trong phiên xét xử ngày 5-3, HĐXX TAND TP HCM đã thẩm tra lý lịch của 86 bị cáo và đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa công bố cáo trạng. Dự kiến phiên tòa diễn ra từ ngày 5-3 đến ngày 29-4-2024

Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan) bị truy tố về tội: “Tham ô tài sản”. 84 bị cáo còn lại bị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”

HĐXX cũng đã triệu tập hơn 2.400 người liên quan gồm: Nhóm người là các cá nhân thuộc nhóm cán bộ SCB (316 người); nhóm người liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp rút tiền (1153 người); nhóm người liên quan là các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB (692 người); nhóm người liên quan là các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước (42 người) và nhóm người liên quan khác (201 người).

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, bà Trương Mỹ Lan là người điều hành “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp lớn và nhỏ, trong và ngoài nước. Hệ sinh thái còn chia thành nhiều tầng lớp với hàng trăm người được thuê đứng tên là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo Trương Mỹ Lan đã giao cho bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột) quản lý, điều hành nhiều công ty thuộc hệ sinh thái của tập đoàn này. Từ đó, Trương Huệ Vân đã giúp sức tích cực, tiếp tay cho Trương Mỹ Lan rút ruột của Ngân hàng SCB hơn 1.088 tỷ đồng.

Mặc dù không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB nhưng bằng cách thu gom cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên hộ, bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu tới hơn 91,5% cổ phần SCB. Bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền từ SCB sử dụng cho nhu cầu cá nhân mình. Từ ngày 9-10-2018 đến ngày 7-10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.000 tỷ đồng. Tổng thiệt hại của các tổ chức, cá nhân thuộc nhóm Trương Mỹ Lan gây ra trong vụ án này là 677.286 tỷ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng bị xét xử về tội: “Đưa hối lộ” vì đã có hành vi hối lộ Đoàn thanh tra của Ngân hàng nhà nước để che giấu, bưng bít các sai phạm của bị cáo và Ngân hàng SCB, tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu. Trương Mỹ Lan chi số tiền lớn 5,2 triệu USD để hối lộ và chi tiền "lót tay" mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ. Liên quan đến hành vi này, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước) bị xét xử về tội: “Nhận hối lộ” vì đã nhận 5,2 triệu USD để tiếp tay che giấu thực trạng yếu kém của SCB. Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng là bị hại trong vụ án bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xét xử về tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vì có hành vi tìm cách chiếm đoạt của bị cáo Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng.

Cũng theo cáo trạng, quá trình điều tra, công tố đối với vụ án đã cho thấy nhiều sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật, trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo.

Vụ án trên được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 tập trung điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 đồng phạm từ ngày 5-3 đến ngày 29-4-2024 để thu hồi tài sản. Giai đoạn 2 tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

T.H