Báo Công An Đà Nẵng

Xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB

Thứ ba, 05/03/2024 15:06

Quang cảnh phiên xét xử sáng ngày 5-3

HĐXX gồm Thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP Hồ Chí Minh) làm chủ tọa; Thẩm phán Lê Công Huân và 3 Hội thẩm nhân dân. 10 Kiểm sát viên Viện KSND tối cao và Viện KSND TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại phiên tòa. Gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan, trong đó riêng bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật sư bào chữa.

Thẩm phán Phạm Lương Toản- Chủ tọa phiên tòa.

Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản,” “Đưa hối lộ” và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". 85 bị cáo còn lại bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản,” “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng,” “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng,” “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa.

HĐXX cũng đã triệu tập hơn 2.400 người liên quan gồm: Nhóm người là các cá nhân thuộc nhóm cán bộ SCB (316 người); nhóm người liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp rút tiền (1153 người); nhóm người liên quan là các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB (692 người); nhóm người liên quan là các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước (42 người) và nhóm người liên quan khác (201 người). HĐXX cũng quyết định triệu tập một số người phiên dịch do bị cáo Chu Nap Kee Eric (tức Chu Lập Cơ- chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) có quốc tịch Trung Quốc.

Trong phiên xét xử buổi sáng 5-3, HĐXX TAND TP HCM đã kết thúc phần thẩm tra lý lịch của 86 bị cáo. Chiều nay đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa sẽ công bố cáo trạng.

Các bị cáo liên quan đến vụ án tạo phiên tòa.

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, bà Trương Mỹ Lan là người điều hành “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp lớn và nhỏ, trong và ngoài nước. Để có nguồn vốn duy trì họat động hệ thống doanh nghiệp khổng lồ này, bà Lan đã tìm cách thâu tóm Ngân hàng SCB, nhằm biến ngân hàng này thành công cụ tài chính của mình.

Mặc dù không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB nhưng bằng cách thu gom cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên hộ, bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu tới hơn 91,5% cổ phần SCB. Với tỷ lệ cổ phần trên cùng việc bố trí nhân sự là những người thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB, nên bà Lan chi phối, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của ngân hàng này từ khi hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân đến khi khởi tố vụ án. Thiệt hại tính đến ngày 17-10-2022 với số tiền đặc biệt lớn, dư nợ của các tổ chức, cá nhân thuộc nhóm Trương Mỹ Lan là 677.286 tỷ đồng.

Vụ án trên được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 tập trung điều tra, truy tố, xét xử 86 bị cáo về các tội danh: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Giai đoạn 2 tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Dự kiến phiên tòa xét xử giai đoạn 1 này tập trung xét xử các bị cáo để thu hồi tài sản và làm tiền đề giải quyết cho giai đoạn 2.

T.H