Báo Công An Đà Nẵng

Xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng: Một con bạc ở Đà Nẵng khai nhận thua 3 tỷ đồng

Thứ sáu, 16/11/2018 06:00

Ngày 15-11, ngày làm việc thứ tư của phiên xét xử 92 bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng internet tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo tham gia đánh bạc và các đại lý của đường dây đánh bạc. Trong gần 40 con bạc được xét hỏi từ ngày 13-11 đến sáng 15-11, rất ít người khai có thắng. Họ nói ban đầu chơi có thắng, nhưng sau đó bắt đầu thua, rồi lại ham hố gỡ, nhưng càng gỡ càng mất nhiều. Trong phiên xét xử sáng 15-11, bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa vẫn ngồi ghế bị cáo, nhưng vì lý do sức khỏe, hai bị cáo này được chủ tọa đồng ý cho vào phòng chăm sóc y tế.

Qua lời khai của các bị cáo trong nhóm đánh bạc cho thấy, họ là công nhân, nhân viên công ty, làm nghề kinh doanh, lao động tự do, sinh viên mới ra trường... và một số bị cáo đã từng có tiền án về tội đánh bạc. Lý do kéo họ đến với đường dây đánh bạc nghìn tỷ này một phần do tò mò, bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia. Kết quả thẩm vấn các bị cáo là con bạc cho thấy, khi tham gia vào trò chơi đánh bạc trên mạng, các con bạc có thắng, có thua, nhưng hầu như là thua và thua với số tiền rất lớn. Người thua nhiều đến hàng tỷ đồng, người thua ít cũng vài trăm triệu hoặc vài chục triệu đồng.

Nhiều bị cáo có những tên tài khoản đánh bạc mà khi khai báo khiến cả Hội đồng xét xử và những người có mặt tại phiên tòa đều bật cười. Người chơi bạc Trần Thiện Tiến (1987, trú Thái Nguyên) tham gia đánh bạc với tên tài khoản “Thongminhhon” (thông minh hơn). Bên cạnh đó, bị cáo này lại có thêm tài khoản khác là “Matnhieu0123” (mất nhiều). Và thực tế, bị cáo này khai mất nhiều hơn được.

“Bannhachoirik” (bán nhà chơi Rik) là tên tài khoản đánh bạc của bị cáo Phạm Quang Thành (1988, trú Q. Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đã có vợ con, sống cùng bố mẹ già. Thành khai bắt đầu chơi game bài trên trang Rikvip từ đầu tháng 6-2016 đến giữa năm 2017, đặt tên tài khoản là bannhachoirik do thua quá nhiều. Ban đầu chơi, Thành mua thẻ cào điện thoại rồi nạp vào tài khoản, sau đó thêm cả chuyển tiền trực tiếp cho đại lý. Trước lời khai này, Chủ tọa hỏi: Bị cáo đã bán nhà chơi bạc hay sao mà đặt tên như vậy? Thành cho biết mới chỉ bán ô-tô gần hai tỷ đồng để chơi bạc, chưa bán hay cầm cố nhà. Thành cho biết, quá trình chơi bạc chủ yếu là thua, ước chừng mất hơn 3 tỷ đồng.

Chủ tọa cho biết: “Hội đồng xét xử muốn biết bị cáo thua thế nào để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người dân biết mà tránh xa”. Bị cáo Thành cho biết đã nhận thức rõ là mình vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến gia đình. Sau vài câu hỏi để biết Thành vẫn còn ở với vợ con, Chủ tọa nói đó là “điều may mắn” với bị cáo này, bởi nhiều người vì sa vào cờ bạc mà tan nát gia đình. Cũng như Thành, nhiều người bị truy tố tội đánh bạc đều khai càng chơi càng thua nhưng không gỡ được. Trong gần 40 con bạc được xét hỏi, rất ít người khai có thắng. Nhiều trường hợp tan cửa nát nhà vì cờ bạc.

Trong vụ án này, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo theo quy định hiện hành, cơ quan tố tụng chỉ xử lý hình sự đối với người đánh bạc từ 5 triệu đồng trở lên. Các phiên đánh bạc theo dữ liệu thu giữ kế tiếp nhau về mặt thời gian nên coi là 1 lần đánh bạc. Do đó, các cơ quan tố tụng chỉ xem xét lần đặt cược cao nhất của bị cáo để định tội và định khung hình phạt. Trường hợp nhiều lần đặt cược có số tiền trong cùng một khung hình phạt sẽ không bị coi phạm tội nhiều lần, nhưng bị xem xét đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi.

Kết quả thẩm vấn nhóm bị cáo là đại lý cấp 1 và đại lý cấp 2 cho thấy, họ được hưởng lợi từ việc mua bán Rik để tham gia đánh bạc trực tuyến trong cổng game bài Rikvip. Game bài Rikvip có tổng cộng 54 hình thức đánh bạc gồm: Tài xỉu, ba cây, tá lả, xì tố, sâm lốc, bầu cua, chắn, tiến lên miền Nam, tiến lên miền Bắc... Số tiền hưởng lợi của các bị cáo này không cố định. Tùy theo từng đại lý lôi kéo, tuyên truyền được nhiều hay ít người mua Rik mà được hưởng lợi nhuận theo tỷ lệ.

P.V