Xét xử vụ buôn lậu Iphone từ Hồng Kông về Đà Nẵng: Không đủ chứng cứ buộc tội các cán bộ hải quan
Ngày 9-1, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử đối với 2 bị cáo Trần Đình Việt (1986, trú P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, TP Hà Nội) và Nguyễn Văn Cường (1988, trú P.Trương Định, Q.Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) về tội “Buôn lậu”. Trong một thời gian ngắn, nhóm buôn lậu do Việt cầm đầu đã vận chuyển một số lượng lớn điện thoại iPhone từ Hồng Kông về Đà Nẵng tiêu thụ.
Các bị cáo Cường và Việt. |
Theo lời khai của Trần Đình Việt, tháng 8-2017, Việt thuê một người tên Hùng (chưa rõ lai lịch) làm hồ sơ thành lập Công ty TNHH kinh doanh TM&DV Tiến Mạnh (Cty Tiến Mạnh) và Hùng đã thuê Lê Văn Mạnh (1990, trú Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) đứng tên làm giám đốc, tuy nhiên mọi sự điều hành, quản lý Cty đều do Việt đảm nhiệm. Đồng thời, Việt thuê Nguyễn Văn Cường làm nhân viên kinh doanh của Cty và mở tờ khai Hải quan với mục đích nhập lậu ĐTDĐ Iphone từ Hồng Kông về Việt Nam, qua Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Đà Nẵng để tiêu thụ.
Về đầu mối bán điện thoại tại Hồng Kông, thông qua một số bạn hàng kinh doanh ĐTDĐ ở Hà Nội nên Việt biết được một người phụ nữ tên Xuân đang sinh sống và làm việc ở Hồng Kông, Việt đã trực tiếp liên lạc với Xuân để thỏa thuận việc mua bán ĐTDĐ hiệu Iphone, cách thức thanh toán, cách thức vận chuyển và nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Việt nhờ người chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng do bên bán cung cấp. Sau khi bên bán nhận tiền thì Việt gửi thông tin Cty Tiến Mạnh để bên bán xuất hóa đơn và lập vận đơn. Tuy nhiên, Việt yêu cầu bên bán phải ghi thông tin hàng hóa trên hồ sơ là bộ lưu điện UPS với mục đích trốn thuế GTGT (vì bộ lưu điện UPS có giá trị thấp hơn so với điện thoại Iphone nên thuế GTGT khi nhập khẩu cũng thấp hơn).
Sau khi nhận được hình ảnh của vận đơn và thông tin lô hàng được bên bán gửi qua email, Việt gửi cho Cường và chỉ đạo Cường dùng tư cách pháp nhân của Cty Tiến Mạnh làm các thủ tục mở tờ khai hải quan với thông tin hàng hóa nhập khẩu là bộ lưu điện UPS. Từ việc kê khai gian dối này, Việt đã trốn được nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu cho Nhà nước. Và sau khi hàng được thông quan, Cường liên hệ làm thủ tục nhận rồi báo lại cho Việt biết. Cường phân chia và trực tiếp đi giao lại cho các đầu mối tiêu thụ theo sự chỉ đạo của Việt rồi thu tiền về đưa lại cho Việt. “Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, với thủ đoạn như trên, ngày 29-9-2017, Việt, Cường nhập lậu 200 ĐTDĐ loại Iphone 6S Plus có tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng qua Sân bay quốc tế Đà Nẵng thì bị phát hiện, bắt giữ. Ngoài lô hàng bị bắt này Cty Tiến Mạnh nhập 4 lô hàng khác vào Việt Nam cũng qua cửa khẩu sân bay Quốc tế Đà Nẵng với 617 ĐTDĐ Iphone 8.
Qua đấu tranh, Việt và Cường khai thêm nhiều chi tiết, nhưng quá trình điều tra không có đủ chứng cứ, tài liệu để làm sáng tỏ. Cụ thể: Theo tài liệu điều tra, các nội dung tin nhắn, tài liệu trích xuất từ máy tính của Cường, lời khai của Việt và Cường trong quá trình điều tra và tại Tòa đều thể hiện Việt có chuyển tiền và chỉ đạo Cường đưa tiền bồi dưỡng cho một cán bộ của Chi cục cửa khẩu sân bay Quốc tế Đà Nẵng, với số tiền 300 triệu đồng để bồi dưỡng cho người này vì đã giúp đỡ làm thủ tục nhập khẩu và thông quan các lô hàng nhập lậu. Cơ quan CSĐT đã tiến hành lấy lời khai, đối chất các bên, tuy nhiên từ đầu đến cuối người này đều một mực cho rằng mình không nhận tiền của bị cáo Việt, qua quá trình điều tra cũng không có tài liệu chứng minh, do đó không đủ cơ sở để xác định người này có hành vi buôn lậu hoặc “nhận hối lộ”. Đồng thời, liên quan đến trách nhiệm kiểm hóa của một số công chức Hải quan và Trung tâm An ninh hàng không đối với việc kiểm hóa các lô hàng ngày 21, 22 và 26-9-2017 khi mặt hàng của Cty Tiến Mạnh nhập về, không đủ cơ sở để xác định hàng hóa thực tế nhập về của các lô hàng này có mặt hàng ĐTDĐ nên không đủ cơ sở để xử lý hình sự.
Tại Tòa bị cáo Việt khai, sau khi nghe tin lô hàng và Cường bị cơ quan chức năng TP Đà Nẵng bắt giữ ngày 29-9-2017, ngày 2-10-2017 bị cáo từ Hà Nội vào Đà Nẵng để hỏi thông tin và đến trình diện đầu thú, nhưng Việt chưa kịp đến cơ quan công an thì bị bắt. Việt và Cường đã cuối đầu nhận tội và tỏ ra ăn năn hối hận về việc làm sai trái của mình. HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Trần Đình Việt 8 năm tù và Nguyễn Văn Cường 6 năm tù về tội “Buôn lậu”. Đối với 200 chiếc ĐTDĐ Iphone 6S Plus cơ quan điều tra đã xử lý vật chứng bán đấu giá và sung công quỹ nhà nước.
THANH HOA