Báo Công An Đà Nẵng

Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng: Kết thúc phần luận tội đối với các bị cáo

Thứ năm, 22/11/2018 07:00

Chiều 21-11, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ kết thúc phần luận tội đối với các bị cáo trong phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng. Đại diện Viện kiểm sát nhận định, tính chất, mức độ vụ án gây nguy hiểm cho xã hội. Vụ án xét xử 6 nhóm tội: “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Tổ chức đánh bạc”; “Đánh bạc”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Rửa tiền”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

Các bị cáo lắng nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đọc bản luận tội.

Đường dây đánh bạc qua mạng phát triển 5.913 đại lý, riêng dữ liệu thu được trong ngày 8 và 9-8-2016 là 18 triệu tài khoản người chơi thực. Tổng thu lời bất chính vào dịch vụ đánh bạc trái phép là hơn 9.000 tỷ đồng. Quy mô đánh bạc xảy ra trên không gian mạng không chỉ có trên phạm vi cả nước mà còn cả quốc tế. Ở giai đoạn 1 đã khởi tố 105 bị cáo ở 24 tỉnh từ Bắc đến Nam, từ trung du, miền núi đến đồng bằng. Theo Viện kiểm sát, những người phạm tội trong vụ án đa dạng thành phần, từ không nghề nghiệp đến viên chức nhà nước. Riêng số lượng điều tra viên huy động tham gia hơn 100 người chưa kể hậu cần, thời gian điều tra kéo dài 12 tháng. Theo đại diện Viện Kiểm sát, thực tế thu hồi lại tiền, tài sản do phạm tội mà có lên đến mức kỷ lục tố tụng tư pháp Việt Nam.

Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh không nhận tội

Theo đại diện Viện Kiểm sát, tại phiên tòa xét xử, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Thay vào đó, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa đổ lỗi cho người khác.

Viện Kiểm sát nhận định, Nguyễn Thanh Hóa đã không thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, việc đề xuất thành lập Công ty CNC là trái với quy định; ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc, bao che cho hành vi này, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý; không chấp hành ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an; chậm báo cáo và báo cáo không trung thực  với lãnh đạo Bộ Công an để che giấu hành vi sai phạm của Công ty CNC.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Hóa không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối hận về những việc mình đã làm. Về lịch sử bản thân, khi còn công tác, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa có nhiều thành tích trong bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội, được tặng nhiều huân huy chương, bằng khen, là cháu liệt sĩ và có ý thức tự nguyện nộp 700 triệu đồng khắc phục hậu quả nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Với những nhận định, phân tích trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Hóa mức án từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù.

Đối với bị cáo Phan Văn Vĩnh, tại tòa bị cáo Vĩnh cho rằng bản thân không phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ như cáo trạng truy tố, bản thân chỉ thiếu trách nhiệm để cấp dưới Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dương phạm tội. Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cũng phủ nhận lời khai của mình tại cơ quan điều tra và lời khai của các nhân chứng. Trong bản luận tội, Viện Kiểm sát đưa ra một loạt chứng cứ, tài liệu chứng minh việc bị cáo Vĩnh biết việc Công ty CNC vận hành game cờ bạc nhưng không chỉ đạo đấu tranh, triệt phá.

Viện kiểm sát nhận định bị cáo Vĩnh là người cầm đầu, chỉ huy Nguyễn Thanh Hóa trong việc tạo điều kiện, bao che nâng đỡ cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc. Bị cáo Vĩnh còn có hành vi che giấu với cấp trên, tìm cách cho game bài hoạt động trái phép, xóa dấu vết, hợp thức hóa khi cơ quan Thanh tra tiến hành kiểm tra. Xét về bản chất thì hành vi của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu “bảo kê”, nhận hối lộ, trong đó Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo Vĩnh và Hóa hưởng lợi cá nhân. Do vậy, việc xem xét xử lý hành vi bị cáo Vĩnh mới dừng lại ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo Viện Kiểm sát, trong vụ án này có 2 bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đó là áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Đây là loại tội phạm được thực hiện bởi lỗi cố ý làm trái công vụ và cố ý làm trái nhiệm vụ mà người phạm tội phải làm, có 2 người trở lên cùng cố ý thực hiện. Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Phan Văn Vĩnh phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tuyên phạt bị cáo Vĩnh từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù.

Về tình tiết giảm nhẹ, quá trình điều tra, bị cáo Vĩnh có phần thành khẩn nhưng tại phiên tòa lại không thành khẩn về hành vi mà cho rằng, bản thân chỉ gián tiếp thực hiện hành vi và không phải là lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Do vậy, bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo mà chỉ được hưởng phần giảm nhẹ ăn năn, hối cải. Khi còn công tác bị cáo Phan Văn Vĩnh có nhiều đóng góp trong đảm bảo an ninh chính trị nên được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; thương binh, mẹ bị cáo là người có công... nên cũng được xem xét giảm nhẹ.

Phan Sào Nam có nhiều tình tiết giảm nhẹ

Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch Công ty VTC Online) hoàn toàn nhận tội như cáo trạng truy tố, là người cùng khởi xướng đường dây đánh bạc. Thông qua hoạt động tổ chức đánh bạc trái phép, Nam thu lời bất chính hơn 1.475 tỷ đồng. Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên Phan Sào Nam phạm vào tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Đề nghị phạt Phan Sào Nam từ 3 đến 4 năm tù về tội tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội rửa tiền. Tổng hình phạt, bị cáo Nam bị đề nghị mức 6 đến 7 năm tù.

Trước đó, đối với Phan Sào Nam, Viện Kiểm sát đánh giá bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và là người chỉ đạo nhóm nhân viên của Công ty VTC Online vận hành game bài trái phép.

Bị cáo Phan Sào Nam được hưởng tình tiết giảm nhẹ về người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả và khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực phối hợp điều tra vụ án, đầu thú... Với các tình tiết giảm nhẹ trên, Viện Kiểm sát cho rằng, mức phạt đối với Nam có thể dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch Công ty CNC) phạm 2 tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền; tuyên phạt Nguyễn Văn Dương 8 đến 9 năm tù về tội tổ chức đánh bạc, 3 đến 4 năm tù tội rửa tiền. Tổng hình phạt, Dương bị đề nghị mức 11 đến 13 năm tù.

Đối với những người tham gia đánh bạc, theo đại diện Viện Kiểm sát, cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào hành vi của các bị cáo, mức độ tham gia đánh bạc, khi quyết định hình phạt. Các đối tượng nạp Rik mà không có lịch sử chi tiết thì được giảm nhẹ hơn so với đối tượng có lịch sử chi tiết. Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử khi xem xét vai trò đồng phạm của các bị cáo trong tổ chức đánh bạc, cần phân định rõ vị trí vai trò của bị cáo, ai là người chủ mưu, cầm đầu, cá thể hóa trách nhiệm.

B.T – T.T

“Bài học đau xót”

Sau khi Viện Kiểm sát công bố xong bản luận tội, phiên tòa bước vào phần tranh tụng của các Luật sư bào chữa, các bị cáo với đại diện Viện Kiểm sát. Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch Công ty CNC) là bị cáo đầu tiên lên trình bày ý kiến sau khi nghe phần luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ về hành vi của mình. Theo lời bị cáo Dương, hành vi của mình làm ảnh hưởng đến xã hội, uy tín của ngành Công an và xin chấp nhận các cáo buộc như Viện Kiểm sát nêu. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Dương cho rằng cáo buộc về tội tổ chức đánh bạc của Viện Kiểm sát, với mức án đề nghị ở khung hình phạt gần như cao nhất là nặng với mình. Bị cáo đề nghị các luật sư giúp mình tranh luận, bào chữa để có thêm tình tiết giảm nhẹ một phần hình phạt. Trước khi dừng lời, bị cáo Dương gửi tới các doanh nghiệp kinh doanh Internet giống mình nên tìm hiểu và tuân thủ pháp luật để tránh “bài học đau xót như bị cáo”.

T.T