Xét xử vụ hủy hoại rừng phòng hộ đầu nguồn
(Cadn.com.vn) - Sáng 8-1, tại xã Hòa Bắc, TAND H. Hòa Vang (Đà Nẵng) xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trịnh Kim Hùng (1966, trú P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) về tội “Hủy hoại rừng”.
Theo cáo trạng, mặc dù không được sự cho phép của cơ quan Nhà nước, nhưng đầu năm 2015, Hùng nhờ ông Nguyễn Hậu (1954, trú cùng địa phương) đưa đến Tiểu khu 15 (địa phận thôn An Định, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang) chọn lựa vị trí rồi dùng sơn đánh dấu khoanh vùng khu vực rừng cần chặt phát. Ngày 10-5-2015, Nguyễn Văn Tín (1982, trú xã Tây Thành, H. Yên Thành, Nghệ An) biết được tin Hùng cần thuê người phát rừng nên liên hệ và thỏa thuận với giá 4 triệu đồng/ha. Sau khi thống nhất giá cả, Tín cùng Nguyễn Văn Đương (1968), Nguyễn Văn Lý (1970), Nguyễn Văn Liên (1982, cùng trú xã Tây Thành), Mai Kim Sự (1977, trú xã Đức Phổ, H. Cát Tiên, Lâm Đồng), Nguyễn Văn Hiệp (1998, trú xã Gia Canh, H. Định Quán, Đồng Nai) tổ chức chặt phát cây rừng. Tiếp đến, Hùng thuê xe múc đất BKS 43LA-0127 của ông Nguyễn Như Quốc (trú xã Hòa Sơn, H. Hòa Vang) lên khu vực phát cây cải tạo mặt bằng, đào hồ chứa nước… Hơn 20 ngày sau, trong lúc nhóm của Tín chờ Hùng lên hiện trường nghiệm thu, thanh toán tiền công thì bị các lực lượng chức năng tuần tra, phát hiện.
Khu rừng bị chặt phá chạy dọc theo con đường lâm nghiệp đã có trước đây nối liền với P. Hòa Hiệp Bắc, gồm 3 khu vực liền kề nhau với tổng diện tích thiệt hại hơn 5,3ha là rừng phòng hộ đầu nguồn sông Cu Đê đã được UBND TP phê duyệt “Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020”. Số cây rừng bị chặt hạ gồm 2.411 cây có đường kính từ 10-24 cm và 7.158 cây có đường kính từ 5- dưới 10cm. Tại bản kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự H. Hòa Vang xác định thiệt hại rừng (về lâm sản, môi trường) là 1,371 tỷ đồng. Khi vụ việc bị phát hiện, UBND xã Hòa Bắc còn yêu cầu Hùng trồng lại toàn bộ diện tích rừng bị hủy hoại, bồi thường chi phí cho việc bảo vệ, thuê lao động phát ranh chống cháy với số tiền 33,6 triệu đồng…
Bị cáo Trịnh Kim Hùng và xe múc đất đào hồ chứa nước tại hiện trường vụ phá rừng. |
Tại phiên tòa, HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo xâm phạm đến chế độ quản lý rừng của Nhà nước, xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác cho đời sống xã hội nên HĐXX tuyên phạt bị cáo Hùng 7 năm tù và buộc khắc phục toàn bộ hậu quả. Việc đưa ra xét xử lưu động vụ án “Hủy hoại rừng” này được người dân địa phương đồng tình, đồng thời cũng là dịp để nâng cao nhận thức cho người dân miền núi về Luật Quản lý bảo vệ rừng.
Qua vụ án trên có thể thấy, tình hình phá rừng phòng hộ ở nhiều nơi đã diễn ra trong thời gian khá dài, song, sự vào cuộc ngăn chặn từ phía chính quyền địa phương và cơ quan chức năng lại quá chậm. Thiết nghĩ, để quản lý và phát triển rừng hiệu quả, thời gian đến, H. Hòa Vang cần huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, đặc biệt là nhân dân để ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.
An Dương