Xích lô mùa ế khách
(Cadn.com.vn) - Mặc cho gió, mưa... táp vào mặt, người đàn ông tóc đã bạc ấy lại rướn người đạp, đạp, đạp mãi…Thế nhưng, từ chợ Đông Ba ông đạp qua Trường Tiền, vòng về chợ Cống... rồi đạp ngược lại mấy vòng nữa, chẳng có ai hỏi thăm...!. Đó là thực trạng của giới xích lô cố đô Huế mùa mưa bão.
Được mùa nắng, trắng mùa mưa
Những ngày này ở Huế, thời tiết bắt đầu trở lạnh, mưa kéo dài, bầu trời ảm đạm. Chợ chiều đã vãn, ngoài đường lâu lâu mới thấy một bóng người qua lại tùm hum áo mưa, áo chống rét. Dưới ánh sáng vàng vọt của điện đường, trước cổng chợ Đông Ba có người đàn ông đang ngồi bó gối trong chiếc xích lô đợi khách. Thấy tôi đến gần, ông vội vàng nhảy ra khỏi xe: "Cháu đi mô?". "Dạ cho cháu lên ga". Không để khách phải đợi lâu, ông nhảy lên xe vừa đạp vừa kể cho tôi nghe về cái nghề của mình.
Là người có thâm niên trong nghề gần 15 năm nay, sáng nào cũng vậy, vào khoảng 5-6 giờ, ông Lê Văn Hùng (55 tuổi) đã có mặt ở chợ Đông Ba để chở hàng như nệm, chăn, tủ... cho các gia đình đặt mua, xong đâu đấy, ông mới đạp quanh Huế tìm khách: "Một ngày như vậy trung bình tui kiếm cũng được 200-300 nghìn chú nờ". Rồi ông chựng lại một lúc như suy nghĩ thêm về điều gì: "Nhưng được vài tháng thôi, đặc biệt là mùa lễ hội, và dịp gần tết. Còn mùa mưa này thì... đói nhăn răng ra". Tôi ái ngại, quay lại nhìn ông, khuôn mặt già trước tuổi, đôi mắt thâm quầng nhưng trên đôi môi vẫn nở một nụ cười thân thiện. "Mùa này sao bác không tìm nghề khác mà làm?". "Biết làm nghề chi nữa chú, phụ hồ thì họ chỉ thuê mấy cậu thanh niên thôi, mình già rồi sức yếu đi rồi, mà tôi đang có bệnh nữa".
Ông Hùng mắc chứng bệnh viêm phổi, cũng từ một mùa lạnh cách đây bốn năm. Trong một lần chở khách gồm 1 phụ nữ và 2 đứa con nhỏ, vừa qua giữa cầu Trường Tiền thì ông không còn đạp nổi nữa, ngực tức lên và ho liên tục, buộc lòng ông phải xin lỗi khách rồi quay xe qua bệnh viện T.Ư Huế để khám. Kết luận của bác sĩ là ông bị viêm phổi cấp, cần nằm viện 3 tháng. Nghĩ đến tiền ăn còn phải giần giật từng bữa, huống hồ bây giờ nằm viện thì lấy đâu lấp vào đó? Nghĩ mãi rồi ông quyết định: "Bác sĩ cho em thuốc về nhà uống, chứ nằm viện thì vợ con em chết đói hết"… "Đây chú coi, mùa mưa và lạnh ri là phải có thuốc bên mình không thì đọa", ông vừa nói vừa lấy trong túi ra một bao thuốc to tướng như để "khoe". Vừa lúc ấy, ông đỗ xe để tôi xuống ga.
Xích lô chờ khách... |
Ế cũng thích... đạp
Mặc dù vẫn biết là đạp xích lô mùa mưa này rất ít khách, hoặc nếu có cũng chỉ kiếm được 30-50 nghìn là cùng, nhưng rải rác trên các chợ, trước khách sạn vẫn thấy thấp thoáng một số chiếc xích lô "ngủ" trên vỉa hè. Ở bãi xích lô du lịch Công đoàn sông Hương, anh Nguyễn Văn Huân (39 tuổi) chia sẻ: "Mặc dù biết không có khách nhưng cũng muốn đạp, quen rồi, không đạp một ngày thấy ngứa ngáy chân lắm, hình như nó ăn trong máu rồi". Anh Huân kể lại, trong tổ xích lô của anh có một cậu tên Phước, nhỏ hơn anh mấy tuổi và vừa lấy vợ năm ngoái. Sau khi lấy vợ về, được anh em trong nhà đầu tư cho cái quán sửa xe máy. Mở quán chưa được một ngày cậu ấy đã đóng quán, rồi leo lên xích lô trở lại bến. "Có hôm vợ cậu ấy lên tận nơi để lôi về nhà để sửa xe cho khách, nhưng hễ cứ thấy vợ từ đằng xa là cậu ấy leo lên xích lô đạp một mạch cho đến khuya mới chịu về nhà", anh Huân kể về người đồng nghiệp trẻ.
Chẳng thấy ai khấm khá lên được nhờ đạp xích lô, dù họ đã cố gắng hết sức, lên gân lên cốt mà đạp, mà gò. Tối nhò nhọ, bao phủ cả một góc cố đô. Xa xa, dưới gốc cây long não, một người trung niên tóc bạc ngồi co ro trong chiếc xích lô nhìn ra khoảng trời đầy mưa và gió. Ông đợi gì nếu không đợi khách?. Mà khách thì mùa này ở Huế, nếu có, cũng chỉ gọi taxi vù đi một thoáng để tới nơi cần đến, chẳng ai dại gì leo lên chiếc xích lô già cỗi như chính người chủ của nó để lòng vòng đếm mưa, đếm lạnh. Chợt nhớ lại câu nói của ông Hùng: "Trời lạnh rồi, cố gắng kiếm cho được mấy cuốc xe để về mua cho con cái áo ấm. Mình thì đạp xe cả ngày, chẳng biết lạnh là gì?".
Ngọc Oanh