Báo Công An Đà Nẵng

Xóa “án tử ” mang tên thuốc thư

Thứ tư, 16/03/2016 12:17

(Cadn.com.vn) - Cuộc sống của gia đình ông Rơ Châm Phiếu (47 tuổi, trú làng Vân, TT Ia Ly, H. Chư Păh, tỉnh Gia Lai) bỗng chốc bị xáo trộn, hoảng hốt trước cái tin dân làng đang nghi kị ông có thuốc thư. Với người dân nơi đây, gia đình nào khi bị nghi ngờ có thuốc thư thì đó chính là cái “án tử” treo lơ lửng trên đầu vì sẽ bị dân làng xa lánh, đe dọa sát hại. May mắn là vụ việc đã được cơ quan CA kịp thời phát hiện, vào cuộc vận động và hóa giải mối hiềm nghi này.

Đến giờ, ông Rơ Châm Phiếu vẫn không quên được từ ngày xảy ra sự việc khiến gia đình ông gần như suy sụp hoàn toàn. Một số người dân đồng bào DTTS vẫn tin vào hủ tục thuốc thư (dạng bùa, ngải) và người nào có thuốc thư thì có thể nguyền rủa, trù ém thông qua lời nói độc địa, hoặc cái bắt tay, vỗ vai để làm hại người khác. Và gia đình ông bị nghi có “thuốc thư hồi cuối tháng 9-2015. Khi đó, do con gái bị bệnh nặng, nhà nghèo nên ông đành bán mảnh đất của gia đình để lấy tiền cứu chữa cho con. Có được số tiền trong tay và sẵn bản tính ham vui, ông tổ chức mời một số bà con trong dòng tộc và người hàng xóm đến nhà uống bia. Vừa mới uống được 2 lon thì ông Rơ Châm Mreng (hàng xóm ông Phiếu) thấy người lảo đảo nên xin phép về trước. Thế nhưng, vừa về đến nhà thì ông bị đột qụy, được gia đình đưa đi bệnh viện... Từ đó, người nhà ông Mreng bắt đầu nghi ngờ ông Phiếu bỏ thuốc thư vào bia. Sự nghi ngờ càng lớn dần khi dân làng “một đồn mười, mười đồn trăm” việc ông Phiếu nói lên H. Sa Thầy (Kon Tum) đưa ma người bà con vừa mất là giấu dân làng, thực chất ông Phiếu đi lên đó để học làm thuốc thư. Có người còn thầm thì “thằng Phiếu nó bán đất không phải để chữa bệnh cho con gái mà nó bán đất để lấy tiền đi học cách làm thuốc thư”.

Ông Phiếu giải thích cho dân làng về việc mình không có thuốc thư.

Những nghi kị dù không có căn cứ nhưng cái hủ tục đó cứ ám ảnh dân làng khiến người dân bắt đầu xôn xao cái tin ông Mreng bị “thư” đến đột qụy và sự ghét bỏ bắt đầu nhắm vào ông Phiếu. Khi sự việc chưa yên thì tiếp đó ông Rơ Châm Oanh (hàng xóm ông Phiếu) cũng bị bệnh và qua đời vào cuối năm 2015. Sự việc lần nữa khiến nỗi lo sợ mơ hồ của dân làng càng lớn hơn bởi thời gian trước, vì tình làng nghĩa xóm, ông Phiếu đã giới thiệu cho gia đình ông Oanh đi gặp một người chữa bệnh bằng thuốc Nam tại H. Chư Sê (Gia Lai). Thế nên khi ông Oanh chết, dân làng vừa sợ vừa căm ghét ông Phiếu hơn và cho rằng ông Phiếu đã bỏ thuốc thư khiến ông Oanh chết (theo kết luận của Bệnh viện Y dược TPHCM, ông Oanh chết là do bị ung thư phổi).

Những ngày sau đó, mỗi lần gặp ông Phiếu là mọi người lại tìm cách xa lánh. Về phía ông Phiếu, do không biết sự nghi ngờ của dân làng nên mỗi khi sinh hoạt cộng đồng, ông vẫn vui vẻ chuyện trò, kéo tay mọi người. Sau những lần như vậy, dân làng người thì lo sợ mà tìm cách tránh xa, người lại có những phản ứng gay gắt, đe dọa sát hại. Lúc này ông Phiếu mới biết mình bị nghi có thuốc thư, ông giải thích thế nào dân làng cũng không nghe. Từ đó, gia đình ông luôn sống trong lo sợ, bởi chỉ cần một lời kích động hay xúi giục của ai đó thì cả nhà ông sẽ bị đuổi khỏi làng, sống như con thú hoang trong rừng, thậm chí còn bị đánh, giết.

Trong khi ông Phiếu hoang mang, lo lắng thì qua công tác nắm bắt địa bàn, CAH Chư Păh tìm hiểu và biết được sự việc. Qua tìm hiểu, dân làng Vân nghi ngờ vì khi đi tỉnh Kon Tum về, ông Phiếu có mang một cây thuốc có thể chữa đau bụng, đau dạ dày về trồng trong vườn nhà. Rồi chuyện ông Mreng bị đột qụy, ông Oanh chết khiến một số người thiếu hiểu biết cho rằng ông Phiếu có cây để làm ra thuốc thư. Từ vài lời nói đến sự nghi kị, cuộc sống của cả dân làng, của gia đình ông Phiếu bị xáo trộn.

Người dân làng Vân đến dự buổi hòa giải với ông Phiếu cũng như hiểu được thuốc thư
là thứ hủ tục cần xóa bỏ.

Sau khi nắm rõ tình hình và làm việc trực tiếp với người dân làng Vân, CAH Chư Păh đã phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền TT Ia Ly đến gặp từng hộ dân để tuyên truyền, vận động và giải thích cho bà con biết không hề có thuốc thư, đó chỉ là sự mê tín, lạc hậu và không nên vu khống cho người khác làm mất tình đoàn kết của dân làng. Sau hơn 1 tháng tích cực bám làng, bám dân vận động, đến ngày 6-3, bà con làng Vân đã nhận ra và đồng ý xin lỗi, bắt tay hòa giải để bỏ qua những mâu thuẫn, nghi ngờ đối với ông Phiếu. Trước bà con dân làng, trước chính quyền địa phương, ông Phiếu mừng rơi nước mắt: “Tôi vui lắm, vì được các cán bộ CAH và chính quyền địa phương đứng ra họp dân làng để tuyên truyền, giải thích rằng tôi không có thuốc thư và thuốc thư là thứ không hề có như dân làng nghi ngờ”.

Theo CAH Chư Păh, từ tháng 5-2015 đến nay, nhờ làm tốt công tác nắm địa bàn nên đã kịp thời ngăn chặn, hòa giải 5 vụ việc liên quan đến nghi ngờ có thuốc thư trên địa bàn và không để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, qua vụ việc này cho thấy, do hạn chế về nhận thức, nên hủ tục thuốc thư vẫn là nỗi ám ảnh trong đời sống của một bộ phận người dân đồng bào DTTS. Chính vì thế, nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào DTTS, có lẽ nhiều chuyện buồn mang tên thuốc thư sẽ còn tiếp diễn.

Minh Tân