Báo Công An Đà Nẵng

Xóa bỏ thực trạng "khoán trắng" trong giáo dục

Thứ tư, 10/10/2018 15:03

Có một thực tế phổ biến, phụ huynh gần như khoán trắng việc dạy dỗ con em học sinh cho nhà trường, thầy cô giáo. Đây là khiếm khuyết lớn trong công tác giáo dục, đào tạo. Để khắc phục tình trạng này, nhiều trường học ở Quảng Nam đã chủ động triển khai các hoạt động giáo dục có sự tham gia trực tiếp của phụ huynh học sinh.

Các trường học trên địa bàn Quảng Nam bước đầu đã tạo dựng những không gian mở dành cho gia đình, phụ huynh học sinh.

Thu hút phụ huynh… đến lớp!

Được xem là một trong những trường học trên địa bàn huyện biên giới Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có nhiều hoạt động giáo dục thu hút sự tham gia đông đảo, thường xuyên của gia đình, phụ huynh học sinh (PHHS), Trường PTDTNT H. Tây Giang đã trở thành địa điểm học tập, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức các hoạt động giáo dục sinh động, hiệu quả cho các trường học trên địa bàn. Cô giáo Hồ Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường PTDTNT H. Tây Giang, chia sẻ: Với điều kiện đặc thù của một đơn vị trường học có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhà trường luôn xác định công tác giáo dục phẩm chất, năng lực, kỹ năng sống, pháp luật, văn hóa, lịch sử địa phương cho học sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, thời gian qua, nhà trường đã tích cực, thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho con em học sinh; tuy nhiên, điều mà nhà trường, thầy cô giáo cảm thấy phấn khởi là ngày càng thu hút sự tham gia của PHHS.

"Từ những việc làm của người dân, phụ huynh với nhà trường như tổ chức xây dựng nhà Gươl, tổ chức lễ hội mừng lúa mới, xây dựng các đội cồng chiêng,…chúng tôi nhận thấy rằng, người dân, phụ huynh cũng rất quan tâm đến chuyện học của con em mình, yêu quý trường học và rất quý mến thầy cô giáo. Hầu hết người dân, phụ huynh đều rất mong muốn con em mình học giỏi, trưởng thành, khôn lớn. Bởi vậy khi được nhà trường mời cùng tham gia các hoạt động, họ rất hăng hái, nhiệt tình tham gia, nhất là nơi con em mình đang sinh sống, học tập. Cho nên, điều chúng tôi quan tâm là làm thế nào để thu hút, huy động được người dân, phụ huynh cùng tham gia một cách hiệu quả trong việc giáo dục con em học sinh", cô Tâm bày tỏ.

Trong khi đó, các trường học trên địa bàn TP Tam Kỳ (Quảng Nam) còn tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, hoạt động ngoại khóa của học sinh với gia đình, PHHS. Các hoạt động như ngày hội tuổi thần tiên, tái hiện hình ảnh chợ quê ngày tết, ngày hội của bé, văn hóa ẩm thực truyền thống, làm đồ chơi cho trẻ… đã trở thành hoạt động thường xuyên, quen thuộc của giáo viên, phụ huynh tại các trường mầm non, mẫu giáo. Tại nhiều trường học trên địa bàn đã xây dựng được các không gian dành cho cả phụ huynh, đó là tủ sách phụ huynh ở trường học, góc thư viện của phụ huynh trong không gian thư viện trường học…Vượt qua khỏi giới hạn của một lớp học truyền thống, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bước đầu tổ chức các buổi sinh hoạt, tiết học có sự tham dự của PHHS. Phụ huynh được chứng kiến các hoạt động của con mình tại lớp, chứ không chỉ "nghe kể" như trước kia. Các hoạt động này đã mở ra không gian tương tác hết sức bổ ích được giáo viên, phụ huynh hết sức hưởng ứng.

Không gian mở trong trường học

Theo ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT TP Tam Kỳ (Quảng Nam), trước yêu cầu của công cuộc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các đơn vị trường học cần thay đổi, đổi mới hoạt động giáo dục, thầy cô giáo phải chủ động, sáng tạo đổi mới phương pháp dạy học. Nhà trường - gia đình - xã hội phải cùng nhau kết hợp thực hiện mục tiêu giáo dục đề ra. Giáo dục hiện đại cần nhiều sự đổi mới, chứ không thể đóng khung trong 4 bức tường mà cần mạnh dạn "mở" - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, để các bậc phụ huynh cùng tham gia các hoạt động dạy và học của nhà trường.

Ông Sơn chia sẻ: Ở TP Tam Kỳ, khi thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, nhiều trường còn có thêm sáng kiến "đưa" phụ huynh đến trường học để họ được tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục con em họ, đặc biệt ở bậc học mầm non, tiểu học. Gia đình và nhà trường đã phối hợp khá tốt trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, giáo dục học sinh. Bên cạnh việc nắm bắt được phần nào chuyện học của con em mình, khi PHHS được cùng tham gia các hoạt động ở trường học do nhà trường tổ chức, khoảng cách giữa phụ huynh và nhà trường cũng sẽ được rút ngắn. Về lâu dài, sự cộng hưởng, tương tác, cảm thông giữa hai bên cũng sẽ được hình thành, tạo nền tảng cần thiết cho hoạt động giáo dục. Chính vì vậy, ngành GD&ĐT TP Tam Kỳ luôn khuyến khích các trường tạo sự kết nối với phụ huynh. Vấn đề là các trường sáng tạo cách "mở cửa" đón phụ huynh như thế nào để vừa phù hợp với điều kiện vừa tạo được hiệu quả cao nhất...

Theo thầy Hồ Văn Hưng - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, giáo dục là một hoạt động mang tính xã hội cao. Muốn thực hiện được mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, cần phải coi trọng cả giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Chỉ riêng nhà trường, chỉ riêng ngành giáo dục thì không thể làm tốt công tác giáo dục toàn diện cho học sinh. Xem sự phối hợp này là việc thực hiện thường xuyên, liên tục ở mọi thời điểm và quá trình giáo dục là quá trình lâu dài, không ngừng phát triển. Mỗi môi trường giáo dục phải ý thức luôn sẵn sàng phối hợp, chủ động phối hợp mà không có thái độ trông chờ hay ỷ lại vào môi trường giáo dục khác. Trong đó, gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục cho con em mình, tránh tư tưởng ỷ lại, khoán trắng giáo dục học sinh cho nhà trường. Các đơn vị trường học cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa gia đình - xã hội trong việc giáo dục học sinh. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao và huy động sự tham gia của toàn xã hội cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

KHẢI MINH