Báo Công An Đà Nẵng

Xoa dịu và hàn gắn

Thứ tư, 06/12/2017 10:47

Khi Brussels ngày càng trở nên khó chịu với các chính sách khiêu khích của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Châu Âu, cơ hội cho Ngoại trưởng Rex Tillerson trong chuyến công du đến các nước đồng minh Châu Âu dường như mỏng manh hơn bao giờ hết.

Chuyến đi 5 ngày của ông Tillerson đến Châu Âu, bắt đầu hôm 4-12, đưa ông đến Bỉ, Áo và Pháp để tham dự hàng loạt các sự kiện song phương và đa phương. Mục đích của chuyến đi này là “nhắc lại cam kết của Mỹ đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương” và cam kết bảo vệ các thể chế phương Tây và phương Tây như một cộng đồng chia sẻ lợi ích và giá trị. Nói rõ ràng, vị thủ lĩnh ngoại giao Mỹ muốn xoa dịu Châu Âu và hàn gắn quan hệ vốn đang rạn nứt với các đồng minh ở lục địa già.

Tuy nhiên, hai bên bờ Đại Tây Dương đang bị đẩy mạnh vào một vị thế cay đắng ngay trước thềm chuyến đi của ông Tillerson. Hà Lan và Anh đã phản đối quyết định trước đó của Tổng thống Trump về việc công bố các đoạn băng chống Hồi giáo của một nhóm cánh tả ở Anh, được miêu tả là bạo lực do người Hồi giáo gây ra. Các nước này cho rằng, việc nhà lãnh đạo Mỹ công bố lại các đoạn băng này gây căng thẳng rất lớn đối với các mối quan hệ giữa Mỹ và Anh.  Và một vấn đề đang gây tranh cãi khác mà ông Tillerson cũng cần nhấn mạnh trong chuyến đi này là sự cần thiết phải chia sẻ gánh nặng giữa các thành viên NATO, vấn đề chắc chắn sẽ tiếp tục đè nặng căng thẳng quan hệ Mỹ - Âu.

Tổng thống Trump đã thúc giục các đồng minh Châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, đe dọa cắt đứt sự hỗ trợ đối với những quốc gia không thực hiện theo. Tuy nhiên, các quốc gia Châu Âu lập luận, họ đã đóng góp rất nhiều khi ủng hộ các cuộc chiến của Mỹ tại Iraq, Syria và Afghanistan và rằng yêu cầu nhiều hơn từ họ là “không thể”.

Brussels và Washington đã nỗ lực vượt qua những “rào cản” mà Tổng thống Trump tạo ra như việc ông chủ Nhà Trắng ủng hộ Brexit, công bố luật nhập cư cứng rắn hơn, cũng như việc ông bác bỏ Hiệp định khí hậu Paris, Thỏa thuận hạt nhân của Iran... Nhưng những nỗ lực gần đây nhất của ông Trump về việc đóng cửa văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine ở Washington và khả năng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel lại tiếp tục làm bùng nổ những chỉ trích ở Châu Âu.

Tất cả những dấu hiệu này chắc chắn sẽ khiến chặng công du của ông Tillerson trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

THANH VĂN