Báo Công An Đà Nẵng

Xôi quê

Thứ bảy, 20/05/2017 10:42

(Cadn.com.vn) - Nhớ hồi nhỏ, mỗi sáng đi học, tôi thường được ba mẹ cho 200 đồng để mua xôi, khoai lang, khoai mì, hoặc nửa khúc bánh mì thịt ăn điểm tâm. Trong các món ấy, lũ trẻ chúng tôi thích nhất là món xôi của bà Tám bán gánh trước cổng trường, vừa ngon, hợp vệ sinh, lại rẻ. Xôi bà Tám như là một “thương hiệu” trong lòng nhiều người, cả trẻ con và người lớn trong làng.

Nhà bà Tám có hai người con trai hy sinh trong thời kháng chiến chống Mỹ. Ông Tám tuy tuổi cao nhưng suốt ngày đan thúng, lợp, rổ, rá... bằng tre trúc sau nhà rồi mang ra chợ bán. Còn bà Tám thì nấu xôi nếp, xôi bắp gánh ra trước cổng trường bán cho trẻ con. Sáng nào cũng vậy, khi đã yên chỗ ngồi, đặt hai thúng xôi hai bên, bà Tám lại lấy túi cau trầu ra ngoáy rồi ăn ngon lành. Khi có khách đến mua, bà ân cần bảo: “Chờ bà chút nghen cháu! Tay bà run lắm, làm nhanh là hư bột hư đường!”. Lúc nào cũng vậy, khi trao xôi cho chúng tôi, bà luôn cười, nụ cười người già không còn tươi nhưng cũng làm nhiều người dễ chịu, thấy thương bà hơn. Những lúc trống trường điểm giờ vào lớp, bà bán không nghỉ tay, buộc chúng tôi phải phụ bà trả tiền thừa cho khách. Khi học sinh đã vào lớp học, bán xong hai thúng xôi, bà Tám ngồi bệt xuống đất, xổ mớ tiền lẻ trong bọc ni-lon ra nón lá rồi đếm tới đếm lui. Bà bảo ngày lãi chỉ chừng vài ngàn nhưng bà vui lắm. Không riêng gì bà Tám, ở quê tôi ai cũng làm xôi với hình thức giống nhau, chỉ khác ở chỗ người đó làm ngon hay dở mà thôi. Cũng như bây giờ, xôi xưa được nấu từ nếp trắng, nếp than, hoặc bắp. Có điều hồi đó người ta tỉ mẩn dùng quả gấc, lá dứa, lá cẩm, đậu xanh... để cho ra những màu xôi đặc trưng đẹp mắt và thơm lừng. Xôi được gói bằng là chuối xiêm, lá sen non một cách kỹ lưỡng. Muỗng dùng để múc xôi là những chiếc lá dứa gai được rọc các sóng gai đi rồi cắt từng khúc nhỏ theo kiểu hình mũi tên. Để xôi thêm phần đậm đà, không thể bỏ qua nguyên liệu thứ chính là nước cốt dừa, dừa nạo, đường cát trắng và một ít muối mè.

 

Nói sơ qua thì đơn giản, nhưng chỉ có người nấu xôi, bán xôi mới biết nó kỳ công thế nào. Cực nhất là đi tìm các phụ kiện để gói xôi. Tất cả ở quê đều có, không cần phải mua, chỉ việc đến từng nhà xin là được. Nhưng, đối với một người cao tuổi như bà Tám thì không đơn giản chút nào. Chiều nào cũng vậy, khi tan học về, tôi và chúng bạn thường chạy sang nhà bà Tám để phụ bà rọc, lau và xếp lá chuối cho gọn gàng. Có những buổi chiều nghỉ học, cả nhóm trong xóm xách dao đi theo bà Tám ra các con rạch để rọc lá dứa gai. Bà không cho chúng tôi đến gần vì sợ gai đâm vào tay chảy máu, mà chỉ được phụ bà mang các “chiến lợi phẩm” về nhà sau khi bà đã “chiến đấu” với bụi dứa gai xong. Chúng tôi ngoan ngoãn làm theo vì sợ bà Tám mách ba mẹ là chúng tôi bị đánh đòn. Những lần giúp bà, bà hay trả công cho chúng tôi bằng những gói xôi nhỏ vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, ba tôi bảo: “Bà làm cực khổ, hãy gửi tiền lại cho bà nghe con!”.

Có những hôm mưa to, học trò cuống cuồng vào lớp, không màng ghé lại thúng xôi bà Tám. Thế là hôm ấy xôi ế! Bà Tám thất thểu đội mưa ra về. Nhìn từ cửa sổ lớp, thấy dáng còng trong mưa, tôi thương bà biết bao! Tan học về, cả lớp kéo đến nhà bà, mỗi đứa mua giúp một gói để giải quyết gánh xôi ế. Bà xúc động, muốn khóc. Đôi tay còm cõi của bà gói xôi mà cứ run run. Hôm đó, đứa nào cũng cầm trên tay một gói xôi to tướng, ăn no bỏ cả bữa chiều...

Thế rồi một hôm, mọi người không thấy bà Tám bán xôi đâu nữa. Cổng trưởng trở nên tẻ nhạt. Tụi bạn bàn tán xì xào: “Hổng biết bà Tám có bệnh hay không?”. Duy chỉ có mình tôi biết. Bà mất vào đêm hôm qua, khi mà mọi nguyên liệu nấu xôi đã chuẩn bị kỹ càng. Bà ra đi rất nhẹ, thanh thản, tựa như cơn gió mát ngoài vườn thoảng qua. Từ hôm ấy, dường như tôi thấy thiếu thiếu thứ gì đó không nói thành tên. Tôi buồn, nhịn ăn sáng suốt một tháng trời. Những hàng xôi khác từ đấy nghỉ dần vì thưa thớt người mua. Còn chúng tôi thì chỉ muốn ăn xôi của bà Tám, muốn nhìn thấy dáng bà ngồi bó gối nhai trầu vào mỗi sáng sớm trước cổng trường làng...

Xôi giờ đây muôn hình vạn trạng. Vì kinh tế, vì muốn sinh lãi to nên ai cũng vô tình quên mất cái hương vị đậm đà đúng chất của xôi. Xôi bây giờ pha phẩm màu, trộn gạo, chất tạo hương... nằm gọn lỏn trong những chiếc hộp xốp. Những lần chạy ngang cổng trường đại học, thấy mấy chị, mấy bà đẩy những xe xôi thơm lừng bắt mắt, chợt nhớ đến xôi quê thuở nào của bà Tám.

Thanh Vũ