Xóm chờ sập bên kinh thành Huế
(Cadn.com.vn) - Mùa mưa bão đang đến gần, nhưng tại khu vực Eo Bầu và Thượng Thành, P. Thuận Lộc, và P. Thuận Thành (TP Huế, tỉnh TT- Huế), hàng trăm hộ gia đình phải sống cảnh đi chẳng được mà ở cũng không xong.
Ngôi nhà hay ổ chuột? |
Nỗi lo nhà sập
Nằm ven xung quanh nội thành, hàng trăm hộ gia đình nghèo ở khu vực Eo Bầu, Thượng Thành luôn canh cánh nỗi lo nhà đổ sập bất cứ lúc nào. Đa số hộ dân ở đây là lao động nghèo, hằng ngày phải đi phụ hồ, chạy xe ôm, đạp xích lô... để kiếm sống. Cuộc sống khó khăn nhiều con cái bỏ học giữa chừng phụ giúp gia đình mưu sinh.
Nhiều gia đình dành dụm tiền để sửa sang nhà cửa phòng khi gió bão nhưng cũng chẳng sửa được, vì khu vực này nằm trong quy hoạch bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế. Cuộc sống của bà con vốn dĩ khó khăn lại càng khó khăn hơn khi mùa mưa bão đến gần, nỗi lo chống chọi với bão gió luôn thường trực trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
Nhìn ngôi nhà ngày một xuống cấp, bà Hoàng Thị Thái, ở kiệt 78 đường Xuân 68, P. Thuận Lộc thở dài: “Úi chào, nhà cửa có sập xuống đó cũng chịu chứ biết mần răng chừ. Bữa trước đi họp, bên chính quyền họ nói có di dời nên tụi tui không dám xây mới nhà cửa, vì nếu xây mới thì phải đi vay đi mượn thêm, mà lỡ di dời đi thì coi như mất trắng. Nhà cửa lâu nay xuống cấp nặng rồi, gió bão ập đến thì biết mần răng chống đỡ, nhiều nhà vì quá lo sợ nên mua sắt, xi- măng về nhưng rồi cũng để đó chớ chưa dám xây nhà”.
Những ngôi nhà lụp xụp ven nội thành. |
Tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”
Toàn bộ khu vực Thượng thành dài hơn 10 cây số. Trong đó, đoạn các Eo bầu (khu vực nằm ở vùng lõm của 24 pháo đài dọc kinh thành Huế) với hơn 500 hộ thuộc 2 phường Thuận Lộc và Thuận Thành. Riêng P. Thuận Lộc có gần 350 hộ dân thuộc các tổ 14, 18, 19 khu vực 7. Tất cả đều ở trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Nhà cửa do không được xây dựng, sửa chữa trông như những ổ chuột vây quanh kinh thành Huế vốn uy nghi, lộng lẫy. Bà Nguyễn Thị Phương, hộ dân ở 116 đường Xuân 68, TP Huế chia sẻ: “Cứ vào mùa mưa là gia đình dì lại phải chạy trốn bão, bão xong mới về, có đợt bão to tốc hết mái nhà, cuộc sống khổ dễ sợ nhưng cũng không biết mần răng, nên tới giờ nhà dì cứ che ở tạm vậy thôi”.
Một số hộ dân khác cũng cho biết, quy hoạch di dời dân để bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế được đặt ra từ rất nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chỉ làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.
Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố mà chính những con người sống ở khu vực này cùng gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa Huế.
Những tưởng người dân sống xung quanh sẽ được chia sẻ lợi ích từ di sản, nhưng ngược lại, họ phải ngày đêm sống trong cảnh thấp thỏm, bất an. Người dân nơi đây luôn mơ ước về một ngôi nhà kiên cố để che nắng, che mưa. Nhưng với dự án chậm trễ kéo dài thì không biết đến bao giờ ước mơ của người dân mới thành hiện thực?
Hoài Thương