Báo Công An Đà Nẵng

Xóm cửu vạn tóc dài

Thứ sáu, 27/02/2015 10:54

(Cadn.com.vn) - Những bao xi-măng nặng cả nửa tạ, những đống gạch chất cao ngất  mà những đấng mày râu cũng phải “lắc đầu, lè lưỡi” thì các chị lại xử lý rất “ngọt”.

BỐC HÀNG TẤN, NHẬN TIỀN… NGHÌN

Chúng tôi ra tới thôn Cao Đôi Xã, xã Lộc Trì, H. Phú Lộc, tỉnh TT- Huế vào lúc mặt trời đứng bóng. Xóm khá vắng vì các chị đã đi bốc hàng từ sớm. Theo lời giới thiệu của bà con hàng xóm, chúng tôi tìm đến nhà chị Đặng Thị Tâm, người mà các đồng nghiệp vẫn gọi với cụm từ “Tâm sẹo”, bởi nhiều vết dọc ngang chằng chịt trên mặt do nghề bốc vác để lại. “Nữ quái kiệt” trong nghề gùi thủ công vật liệu xây dựng, trái với khuôn mặt có vẻ dữ dằn, lại nói chuyện rất dễ đồng cảm. 50 tuổi, chị có thâm niên gần 25 năm bốc vác. “Hồi trước nhảy tàu chợ buôn bán nhỏ khắp Đà Nẵng ra Huế. Từ ngày tàu chợ bị khai tử, nhiều chị em về không biết làm chi. Mà ở đây, không làm chi thì coi như tự khâu cái miệng của gia đình lại. Thế rồi tập trung đi kiếm việc, rồi thấy cái nghề bốc vác này là hợp nhất với mình, không có lựa chọn nào khác”, chị Tâm tâm sự.

Khách hàng của các chị là những cửa hàng vật liệu xây dựng trải dài từ Đà Nẵng ra tới Huế. Khi xưa không dễ gì liên lạc để kiếm mối, giờ có cái điện thoại di động, đi làm chỗ nào xong là để lại số, có việc là họ gọi. “Nai lưng bán sức như vậy, tiền công thế nào?”, chị Tâm lắc đầu: “1 tấn 15 nghìn đồng. Mà một người khỏe mạnh thì giỏi lắm một buổi vừa làm vừa thở được khoảng 75 nghìn đồng, tức là 5 tấn, tương đương 100 bao xi- măng!”. Cả xóm có gần 30 “nữ quái kiệt” theo nghề bốc vác, còn đàn ông thì đi làm những việc nặng nhọc khác. Tôi thầm nghĩ, không biết cái nghề nặng nhọc khác là nghề gì nữa! Chị Tâm ngồi trong căn nhà đơn sơ, và nói cả xóm còn nhiều người hoàn cảnh lắm, như bà Hè năm nay 65 tuổi vẫn phải đi “cõng” xi-măng, chị Tuyết một mình bốc vác nuôi 3 con nhỏ, chị Hoa đơn thân nuôi mẹ già. Nhưng mệ Ngợi mới là “tượng đài” của nghề bốc vác mà không biết sau này có chị em nào vượt qua nổi không.

Làm nghề bốc vác vật liệu xây dựng thường mắc phải rất nhiều căn bệnh,
có cả bệnh hiểm nghèo.

BỐC VÁC GIA TRUYỀN

Trong căn nhà đơn sơ, chật hẹp, bà Nguyễn Thị Ngợi đang cho mấy đứa cháu của mình ăn uống để chuẩn bị đi học. Nhìn cảnh tượng một bà lão khắc khổ loay hoay cùng với đàn cháu nhỏ nheo nhóc, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bà Ngợi năm nay 75 tuổi, có 9 mặt con, đa số không có công ăn việc làm ổn định nên phải nối nghiệp mẹ. Hiện bà đang sống trong căn nhà tình thương được Nhà nước hỗ trợ năm 2010 cùng với vợ chồng người con út và 4 đứa cháu. “Năm 16 tuổi tui bắt đầu làm nghề, hồi trước người thẳng tưng, giờ nó còm đi như cái dấu chấm hỏi. Cho đến năm ngoái, căn bệnh hẹp động mạch chủ đã không còn cho phép làm cửu vạn nữa nên tui mới nghỉ đó”, bà Ngợi vừa kể vừa ho, và khẳng định rằng cái phổi giờ chắc toàn xi-măng trong đó. Bà nghỉ, nhưng mấy đứa con phải “nối nghiệp” vì nhìn quanh cũng chẳng có cách nào khác để khấm khá lên.

Trong số những nữ cửu vạn của thôn Cao Đôi Xã, chị Võ Thị Niệm là một trong những người gia nhập đội quân bốc vác muộn, và là người có vẻ như “có tương lai” hơn một tí. Năm 2013 và 2014, gia đình chị liên tục nhận tin vui khi cô con gái cả và cậu em trai đậu vào đại học ngoại ngữ và kinh tế thuộc Đại học Huế, tuy nhiên đó cũng là lúc chị và chồng mình gánh thêm nỗi lo tiền ăn học cho 2 đứa. Hiện nay, mỗi tháng chị phải chu cấp cho 2 đứa khoảng 3,5 triệu đồng. Nghề này không phải là đến tháng lĩnh lương, không phải ngày nào cũng có việc, ngoài việc đắp đổi cho cuộc sống cả nhà hàng ngày, thì khoản tiền kia luôn luôn là một nỗi ám ảnh thường trực. Nhưng dù sao, thế cũng là một “mối lo hạnh phúc”, vì anh chị luôn nghĩ rằng, sau này tốt nghiệp đại học, có khó đến mấy thì chắc chúng cũng không đến nỗi phải đi bốc vác vật liệu xây dựng như bố mẹ bây giờ. Chị Niệm nói, làm nghề này lâu năm, người nào cũng dính đủ bệnh. Nào là người cứ cong cong, vẹo vẹo, nào là bệnh ngoài da, nào là bệnh về hô hấp, lắm khi gặp phải những tai nạn bất ngờ như thép xượt toác đầu, gạch rơi đứt gân.

Nữ cửu vạn làm việc giữa nắng trưa.

Theo chân các chị đến địa điểm làm việc mới thấy hết được sự gian nan của nghề này. Dù chưa phải mùa hè nhưng không khí ngột ngạt đến khó thở, giữa không gian đục ngầu bởi bụi xi- măng và gạch, những cái bóng nhỏ bé len qua thoăn thoắt. Làm cái nghề “gọi đâu có đó” này cũng phải thành bạn, thành phường để vừa “phối sức” cho nhau cũng như ổn định khách hàng. Trong tổ vẫn thường có một người đàn ông để gánh những khâu khó nhất cũng như là thủ lĩnh tinh thần những lúc oải quá.

Ông Lê Phú Đãng, trưởng thôn Cao Đôi Xã trăn trở: “Chính quyền thôn rất trăn trở với trường hợp của những chị em bán sức lao động bằng nghề bốc vác để đắp đổi cho cuộc sống gia đình. Thoát nghèo thì ai không muốn, nhưng lực bất tòng tâm. Nói là phái yếu, nhưng họ làm việc cật lực hơn cả nhiều người đàn ông, làm giữa trưa, làm cả mờ sáng. Mỗi khi nghe có người bị trật khớp vì vác nặng, đứt gân vì gạch rơi, thấy cũng đau lòng nhưng rồi làm gì mà bỏ được”.

Quang Vinh