Xóm hai nhà văn
Xóm "Hai Nhà văn" đó là cách gọi thân thương, pha lẫn niềm tự hào mà gần đây bà con đã đặt cho xóm Đông An của thôn Trung Thành, xã Tam Mỹ Tây (H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Bởi cái xóm tí tẹo "như bàn tay" mà có đến hai nhà văn: Nguyễn Kim Huy và Nguyễn Tam Mỹ. Hai ông đều sinh năm 1962.
Cổng dẫn vào xóm Đông An. |
Hơn 36 năm rồi kể từ khi biết xóm nầy, trong những buổi "trà dư tửu hậu" tôi đã nhiều lần nghe người ta nói xóm Đông An nằm trên con đất "văn chương chữ nghĩa" nên con cháu học hành giỏi giang, người dân thuần hậu, trọng nghĩa khinh tài, hòa nhã yêu thương, gia phong nền nếp, chỉnh tề... Từ trước đến nay, đời nối tiếp đời dù gia cảnh có khó khăn đến đâu ai ở xóm nầy cũng lo cho con ăn học đàng hoàng.
Đông An nằm lọt thỏm giữa 3 cánh đồng phía trên Đồng Bộng, dưới đồng Bờ Siễn, sau lưng đồng Mù U. Mặt xóm nhìn về hướng Đông, dọc theo mặt xóm từ trên xuống dưới là khúc sông Trầu, bên hông là con sông Ngoài, sau lưng là sông Trên. Đứng trên đường ĐH 5, hay ở đường liên xã- thị trấn hoặc bất kỳ nơi nào phóng mắt nhìn về ta thấy xóm như một "lùm cây" xanh thật to nổi trên cánh đồng bát ngát. Trong cái "lùm cây" xanh ấy là hơn 30 nóc nhà. Thời nào xóm cũng thanh bình, ít ồn ào, pha tạp nên được các bậc tiền nhân tặng cho chữ "AN".
Thuở trước Đông An "người ít- ruộng nhiều" đất đai màu mỡ, ruộng đồng tươi tốt, được mệnh danh là vùng "gạo trắng, nước trong" của xứ Tam Mỹ. Thiên nhiên thoáng đãng bởi xóm hưởng trọn những cơn gió nồm mát lành từ biển Đông bay về. Trong những đêm trăng ngày mùa xóm rất thơ mộng, thanh bình, an vui, căng đầy nhựa sống. Lúa, khoai, sắn, đậu đua nhau về đầy sân, trai, gái hẹn hò tuốt lúa, bẻ khoai, thái sắn, lặt đậu. Vừa lao động, vừa hát hò, trò chuyện trao duyên …
Trong một bối cảnh thiên nhiên ưu đãi với cánh đồng lúa rập rờn, những nhịp cầu tre lắt lẻo, đong đưa bắc qua mấy con sông nhỏ trong xóm tạo nên một phong cảnh hữu tình, gợi cảm. Trong những đêm trăng thanh gió mát văng vẳng lúc gần lúc xa với những câu hát, điệu hò… mang tình đôi lứa, đượm nghĩa quê hương. Lúa gặt về rồi phơi khô, khi cần gạo ăn, người ta phải giã bằng tay, thời ấy hiếm có máy xát gạo. Muốn xát bằng máy phải gánh lúa xuống tận thị trấn. Cối giã gạo được đẽo bằng đá, hoặc bằng cây. Chày giã được làm bằng loại cây rắn chắc ở núi hòn Rơm mang về. Giã gạo thường hay giã chày đôi. Tiếng chày giã gạo trong đêm trăng thanh bỗng trở thành một âm thanh thi vị, đầy sức sống "Ai đang say chày buông rơi nghe tiếng vơi tiếng đầy". Ấy thế nên ngày mùa sau một ngày làm việc vất vả người ta chọn những đêm trăng gió mát để quây quần giã gạo. "Vô đây em dù trời khuya anh nhớ đưa em về" đấy là lời tỏ tình và lời mời khéo léo. Việc giã gạo đòi hỏi sự kết hợp và nhịp nhàng giữa nhiều người, nó không còn là của riêng ai hay của gia đình nào mà cả trai gái làng đều có trách nhiệm chung, nay nhà này mai nhà khác.
Một góc xóm Đông An. |
Lúc ấy, người Đông An thích vui thú với đồng ruộng với cảnh trời trăng, sông nước. Trưa hè gió mát ngồi dưới bóng cây, gió lộng bốn bề với đồng lúa lúc xanh tươi, khi vàng rực. Hay với chiếc thuyền nho nhỏ trôi nhẹ trên khúc sông Trầu theo dòng nước lấp lánh trăng rằm với tiếng cá quẫy bên mạn thuyền. Những buổi trưa đám trẻ choai choai thường hay tụ họp dưới bóng cây dương liễu to bằng ôm tay người lớn ở nhà ông Út Huệ. Tại đây, ai thích đọc sách thì có sách nhất là sách kiếm hiệp Kim Dung rất nhiều, ai thích cờ tướng thì có cờ tướng, còn lại là đánh đáo, chơi bi. Đọc sách kiếm hiệp bây giờ còn anh Hai Hưng, cờ tướng thì có Anh Sơn cán bộ văn xã Tam Mỹ Tây, vừa qua đoạt giải Nhất cờ tướng huyện… Phía bên phải vườn nhà Bà Minh mẹ của nhà văn Nguyễn Kim Huy là cái miếu xóm có cây sộp rất to tỏa bóng mát gần hết khu vườn. Người ở đây cho miếu rất lành, chim dồng dộc đua kéo nhau về làm tổ treo lủng lẳng dày kịt trên những bờ tre. Đây là đối tượng vô cùng hấp dẫn mà đám thiếu nhi của xóm không thể bỏ qua. Trưa hè nào cũng có vài ba đứa cầm ná cao su lom khom thám thính, vì cho miếu hiền nên đám trẻ nhỏ ở đây không hề sợ sệt chúng tự do thoải mái ra vô để ngắm nghía bầy chim, con đu võng, con nhảy nhót, lượn ca… phân biệt cái nào là tổ võng, tổ nào là tổ đẻ của dồng dộc, chim nở được mấy ngày. Tụi hắn tính chính xác từng ngày, đến ngày chim đủ lông cánh là lấy cây móc khèo kéo ngọn tre xuống bắt chim non.
Duyên phận làm người đưa đẩy tôi về đây với nghề dạy học. Tôi nhớ một hôm sau khi dạy xong tiết thứ hai, giải lao, có em học sinh lớp 9 rụt rè đến bên ấp a, ấp úng: "Dạ thưa thầy! Cha em mời thầy trưa mai đến nhà ăn giỗ !". "Nhà em ở đâu?" "Dạ ở Đông An thầy ạ", "Đông An chỗ nào" … "Mai học xong em dẫn thầy về" .
Vào bữa giỗ, tuy tuổi tôi rất nhỏ nhưng được các bác trân trọng mời ngồi bàn giữa. Tôi vô cùng xúc động và rất áy náy, nhưng tự hiểu rằng: Đây là sự trân trọng của người dân đối với "Người Thầy" chứ không phải đối với bản thân nên rất e dè giữ mình. Đó là bữa ăn giỗ đầu tiên của tôi ở nhà phụ huynh đầu đời đi dạy vào một buổi trưa hè năm 1986, lúc đó tôi vừa bước qua tuổi 23, lớn hơn học sinh ở đây 5-6 tuổi.
Đã 35 năm trôi qua nhưng nó không hề phai nhạt trong ký ức. Kể từ ngày đó tôi thân thiện với học sinh và phụ huynh nơi này. Thân thiện như người bà con của xóm. Đến mùa xóm ăn gì là tôi có ăn thứ đó: khoai lang, sắn, đậu, giỗ kỵ, cúng rằm, cơm mới, nếp mới, bánh xèo, xôi trứng vịt có khi xôi với cá rô đồng nướng dằm với nước mắm tiêu… rượu dầm thuốc Bắc của ông già Trung. Nhà bác Trung lúc nào trong nhà cũng có một cái ấm nhôm to khoảng 5 lít ngâm dầm rượu với thang thuốc "thập toàn đại bổ" . Riêng món rượu ngày ấy tôi rất tệ gần như dị ứng vài ly mắt trâu là rần rần đổ lửa, nhưng có mấy anh đồng nghiệp cầm cự được với mấy phụ huynh của xóm. Trong những buổi đàm đạo cùng các bậc cao niên của xóm, các cụ thường xoay quanh chủ đề học vấn, phép tắc, lễ nghi, đạo làm người, đối nhân xử thế, Tình yêu và hiếu đạo hướng về những truyền thống tốt đẹp, với tấm lòng tôn kính tổ tiên yêu thương quê hương, đất nước và yêu thương chính bản thân mình.
LÊ VĂN HUÂN