Báo Công An Đà Nẵng

Xóm vạn đò cuối cùng trên sông Hương

Thứ tư, 11/10/2017 12:00

Xóm vạn đò Thủy Phú ở lưu vực sông Hương thuộc X. Hương Vinh, TX Hương Trà (TT-Huế) nằm khuất sau những động cát trắng với hàng chục con đò đã xuống cấp, nép mình bên lưu vực sông Bồ. Những chiếc đò ấy cũng chính là những căn nhà mà nhiều thế hệ từng sinh sống. Gặp bà cụ Lê Thị Lồng (80 tuổi) đang bế cháu trên chiếc đò chập chòng, xập xệ, cụ kể: “Tui là người lớn tuổi nhất ở xóm vạn đò này. Trước đây, ba mạ sinh tui ra cũng sống trên đò gần chợ Đông Ba, TP Huế. Lớn lên, tui đi lấy chồng cũng là người ở trên đò, rồi hai vợ chồng chắt chiu mua được chiếc đò và về tạm trú tại xóm đò Thủy Phú”.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Lê Thị Lồng vẫn khao khát được lên bờ định cư.

Trên khoang thuyền chật hẹp chưa đến 10m2 của cụ Lồng là nơi tá túc của 7 thành viên trong gia đình. “Mọi thứ sinh hoạt đều quanh quẩn trên chiếc thuyền nhỏ. Cuộc sống của người dân vạn đò cơ cực lắm, nhất là mùa mưa bão này, khi nước lũ ở thượng nguồn đổ về, nước sông dâng lên, cả nhà đêm nào cũng thức trắng thay nhau tát nước nếu không sẽ chìm đò”- bà Lồng kể. Chỉ tay về những căn nhà cấp 4 bên kia động cát, bà Lồng nói: “Lâu nay, người dân rất khao khát được lên bờ ở nhưng lấy mô ra tiền nên đành chịu”...

* Cuối tháng 6-2009, tỉnh TT-Huế lần đầu tiên thực hiện thành công dự án tái định cư và cải thiện cuộc sống người dân vạn đò thành phố Huế, đã đầu tư hơn 260 tỷ đồng để xây dựng các khu tái định cư, bố trí cho gần 1.000 hộ dân vạn đò với gần 6.000 nhân khẩu được lên bờ định cư; chấm dứt tình trạng người dân vạn đò sống lênh đênh trên sông nước, giúp người dân bớt âu lo hơn khi mùa mưa bão đến, giúp cho nhiều thế hệ con em được đến trường, nhiều người trong độ tuổi lao động có việc làm… Tiếp đó, nhiều xóm vạn đò khác trên địa bàn tỉnh cũng lần lượt được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để lên bờ định cư.

Cạnh con đò của gia đình bà Lồng sinh sống là con đò của gia đình ông Trần Bí (69 tuổi). Ông Bí nối nghiệp cha từ con đò nhỏ. Năm 19 tuổi, ông lấy vợ rồi những đứa con của ông cũng lần lượt chào đời trên chiếc đò này và đều gắn với nghiệp chài lưới. “Nhiều đứa trẻ trong xóm vạn đò Thủy Phú đã đến tuổi đi học vẫn không có giấy khai sinh, người lớn cũng thiếu đủ loại giấy tờ. Cứ gắn bó với con đò này nên nhiều con em không có điều kiện đến trường”- ông Bí thổ lộ.

Có mặt tại xóm vạn đò Thủy Phú những ngày đầu tháng 10, chúng tôi chứng kiến rất nhiều loại rác thải từ trên cao đổ về, ứ đọng tại lưu vực này gây mùi hôi khó chịu. Vậy mà, cũng chính tại khúc sông này, hàng ngày người dân sử dụng nước để rửa thức ăn, tắm rửa, giặt giũ... “Cả xóm vạn đò này nhà nào cũng dùng nước sông đoạn này để sinh hoạt. Nhiều ngày trời khô, nước qua đoạn sông này bốc mùi hôi thối không chịu nổi. Vẫn biết ô nhiễm nhưng người dân cũng đành sử dụng chứ biết làm răng chừ”- một người dân buồn rầu nói. Vợ chồng chị Xáo, một trong những cặp vợ chồng trẻ sống ở xóm vạn đò Thủy Phú cho biết, ban đêm vợ chồng chị làm chài lưới, ban ngày đi xúc cát thuê trên sông. Hôm nào thu nhập cao nhất cũng tầm 200 ngàn đồng. “Đây cũng là số tiền mà nhiều cặp vợ chồng trẻ ở xóm vạn đò ao ước. Nhưng rồi nghĩ lại, mấy đứa con không được đến trường, chữ nghĩa không biết khiến tui rất xót xa. Biết thời đại ni không biết chữ thì ra xã hội rất khó kiếm sống. Nhưng mình ở vạn đò, suốt ngày bám đuôi con nước nên dù có muốn cho con lên bờ đi học cũng rất khó. Tui mong nhà nước giúp cho người dân lên bờ sớm được ngày nào thì tốt ngày đó...”- chị Xáo khao khát.

 Cuộc sống bấp bênh trên những chiếc đò khiến người dân Thủy Phú mong ước được lên bờ định cư.

Khát khao của chị Xáo cũng chính là khát khao của hàng chục chủ hộ ở xóm vạn đò Thủy Phú. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Lê Thị Lồng cũng mong ước một ngày gần đây được chính quyền địa phương tạo điều kiện để lên bờ định cư. “Gần như cả cuộc đời tui gắn chặt với sông nước nơi đây, giờ chỉ mong cho tất cả các gia đình xóm cư dân vạn đò Thủy Phú không phải sống trong cảnh khổ sở như tui đã trải qua gần nửa thế kỷ nay. Có lên được trên bờ thì thế hệ sau mới khá lên được. Con cái có điều kiện học hành, không lo môi trường ô nhiễm và không còn cảnh thấp thỏm lo lắng về mùa mưa bão”- bà Lồng tâm sự.

Theo ông Cao Thắng, Trưởng thôn Thủy Phú, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, thôn đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền về mong muốn được lên bờ sinh sống của người dân vạn đò nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND X. Hương Vinh cho biết, hiện quy hoạch đất đã có, chính quyền TX Hương Trà, X.Hương Vinh cùng các đơn vị liên quan cũng đã làm việc với địa phương và người dân xóm vạn đò Thủy Phú về chủ trương đưa người dân lên bờ. Nguồn kinh phí dự kiến thực hiện khoảng trên 3 tỷ đồng và số tiền nằm ngoài khả năng của xã.

Vì vậy, chủ trương đưa dân vạn đò Thủy Phú lên bờ chưa biết khi nào mới thực hiện được. “Đa số cư dân xóm vạn đò không biết chữ vì thế công tác quản lý hộ nhân khẩu cũng gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự của địa phương. Nhiều gia đình sinh con ra họ cũng không đăng ký giấy khai sinh, thậm chí có những người 40-50 tuổi vẫn không có giấy khai sinh. Chính quyền địa phương đã làm mọi cách và tạo điều kiện để người dân làm giấy khai sinh, đăng ký hộ khẩu để cho con em có thể đến trường. Thế nhưng, các thế hệ trẻ sau này được đi học đến một giai đoạn nào đó rồi cũng phải nghỉ học giữa chừng vì cuộc sống quá khó khăn, chỗ ở không cố định”- ông Thắng cho biết thêm.

H.LAN