Báo Công An Đà Nẵng

Xôn xao Ông tượng về làng

Thứ bảy, 05/10/2013 10:27

(Cadn.com.vn) - Đắc Lắc hiện có khoảng 5 đàn voi rừng, từ 60-70 cá thể. Thời gian gần đây, các “Ông Tượng” liên tục kéo về phá hoại hoa màu, uy hiếp tính mạng người dân. Giữa lúc cơ quan chức năng đang loay hoay triển khai kế hoạch hạn chế xung đột giữa voi-người, thì cứ mỗi lần voi về, người dân chỉ biết gõ nồi, xoong... xua đuổi.

Trắng đêm đuổi voi rừng

Tối 25-9, khoảng 30 “Ông Tượng” rời bìa rừng, ùn ùn kéo về quần thảo 1 ngày 2 đêm ở thôn 5, thị trấn Ea Súp (H. Ea Súp, Đắc Lắc), ra đồng phá nát hoa màu, cây cối. UBND H. Ea Súp huy động hơn 100 người gồm công an, quân đội, dân quân cùng trai tráng... đánh trống, chiêng, xoong nồi... thị uy, ngăn voi vào nhà. “Trận chiến” ấy kéo dài ròng rã cả ngày trời nhưng voi vẫn chưa chịu về với rừng. Đến đêm, đàn voi vẫn lảng vảng ở khu vực thị trấn khiến người dân thấp thỏm trắng đêm, buộc UBND huyện phải sơ tán khẩn cấp 10 hộ dân thôn 5 ra khỏi vùng nguy hiểm đồng thời đốt lửa đuổi voi.

Trong lúc xua đuổi, đàn voi hung dữ nhiều lần lao vào đoàn, rất may là chúng còn biết sợ lửa nên không truy sát đến cùng. Sau 1 ngày 2 đêm kiên trì “đánh trống, nổi lửa”, các “Ông Tượng” di chuyển sang bên kia hồ Ea Súp Thượng. Lúc này, người dân thôn 5 mới dám thu dọn “bãi chiến trường” do voi để lại. Lúc này, mọi người mới biết chuyện anh Nguyễn Minh Khê “mặt đối mặt” với voi rừng. “Khuya 25-9, tôi nằm ngủ thì nghe tiếng chó sủa nên thức giấc, cầm đèn pin chạy ra soi thì thấy một đàn voi, trong đó có 2 con voi con đực đang quần thảo dưới ruộng lúa phía sau nhà. Tôi hốt hoảng gọi người nhà báo người dân biết, còn bản thân đốt lửa đuổi voi. Nhiều người thấy đàn voi quá hung dữ, cách nhà khoảng non 10m nên bảo tôi rời khỏi nhà để bảo vệ tính mạng nhưng tôi không đi, quyết ở lại đuổi voi. Sáng mai, tôi gia nhập đoàn đuổi voi đánh trống kèn xua voi. Đến tối,  đàn voi vẫn cứ lảng vảng xung quanh nhà, tôi cùng đứa con ở lại tiếp tục đốt lửa, đánh chiêng. Đến rạng sáng 27-9, gia đình thở phào nhẹ nhõm khi đàn voi rừng đã “chịu tha” cho ruộng lúa đang đến kỳ thu hoạch”- anh Khê kể lại.

Đàn voi rừng quần thảo ở hồ Ea Súp hạ vào sáng 26-9.

 Ám ảnh voi rừng

Tại Đắc Lắc, xung đột giữa voi - người xảy ra tại các H. Ea Súp (xã Ia Rvê, Ia Jlơi, Cư Mlan, Ia Lốp, thị trấn Ea Súp); H. Buôn Đôn (xã Krông Na); H. Ea Hleo (xã Ea Hleo).  Nhiều năm qua, voi rừng liên tục kéo về phá hoa màu của người dân. Tính riêng năm 2013, đã 4 lần đàn voi rừng kéo về phá hoại hoa màu của người dân ở các xã Ia Lốp (H. Ea Súp) buôn Đrăng Phốk, buôn Ea Rông, buôn Ea Mar (xã Krông Na) gây thiệt hại 50ha chuối, 3 ha dưa hấu, 0,5 ha bắp…, 2.000m2 ống nhựa thuộc hệ thống tưới nước tự động. Xung đột lên đến đỉnh điểm vào năm 2011 và 2012, voi rừng hung dữ đã quật chết 2 người là anh Trần Văn Tư (xã Ea Hleo, H. Ea Hleo) và Cao Xuân Cảnh (Công an viên xã Ea Lê, H. Ea Súp).

Đánh trống, chiêng để xua voi rừng.

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến xung đột là do sinh cảnh sống của voi bị thu hẹp, phân mảnh, chia cắt do chuyển đổi rừng khộp qua các dự án phát triển KT-XH. Người dân địa phương trồng các loại cây trồng voi ưa thích trong các khu vực có voi hoang dã. Voi bị săn bắn bị kích động dẫn đến hành động tấn công người….”. Để giảm thiểu xung đột giữa voi- người, ngành chức năng đã đề ra nhiều biện pháp như thành lập tổ bảo vệ voi rừng, xem xét chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các thôn buôn thường xuyên có voi về phá hoại hoa màu… bên cạnh đó còn đề xuất di dân khỏi vùng có nguy cơ xung đột.

Dấu chân voi để lại tại rẫy của người dân thôn 5.

Cụ thể là di chuyển 7 hộ người Dao đang sinh sống tại tiểu khu 167 do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Hmơ quản lý, 42 hộ dân tại thôn 3, xã Cư Mlan (H. Ea Súp) đang canh tác tại tiểu khu 439 thuộc rừng phòng hộ Buôn Đôn. Thế nhưng, ông Huỳnh Trung Luân và ông Nguyễn Ngọc Phú lại cho rằng, trên thực tế, phương án di dân rất khó triển khai vì tốn quá nhiều kinh phí. Theo ông Luân, cách tốt nhất là “phải sống hòa nhã với voi. Khi voi kéo về dân cư, người dân nên áp dụng các phương án xua đuổi truyền thống như dùng chiêng, trống, xoong nồi, khói, lửa…”.

Giữa lúc ngành chức năng đang loay hoay triển khai biện pháp hạn chế xung đột voi-người thì tại khu vực có voi hay về, người dân luôn sống trong cảm giác nơm nớp lo sợ. Chị Phạm Thị Dung (thôn 5, thị trấn Ea Súp) vẫn hoang mang: “Tôi nghe nói trước đó voi đã quật chết người nên càng sợ, không dám tiến lại gần voi. Tôi sợ sau này, voi rừng lại về quậy phá thì dân chúng tôi còn khổ nữa”.

Hữu Phúc